Tín dụng chính sách làm 'bà đỡ' giúp nông dân phát triển kinh tế
(Baonghean.vn) -Để giúp hội viên có vốn sản xuất, các cấp hội nông dân ở Nghệ An đã thực hiện tốt các nội dung ủy thác, làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
"Tiếp sức" cho nông dân
Ở khối Đông Tiến, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, anh Đậu Văn Hiệp được biết đến là một điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, sử dụng nguồn vốn chính sách hiệu quả. Anh Hiệp cho biết, gia đình thuần ngư ở làng chài ven biển, hầu như ai cũng chỉ đi trên những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh giữa muôn trùng biển khơi. Lao động vất vả nhưng cuộc sống nhìn chung khó khăn. Thấu hiểu điều đó, anh tìm hiểu được nghề nuôi cá lồng ở vùng nước lợ. Năm 2010, vợ chồng anh mượn thêm tiền của anh em họ hàng đầu tư làm lồng bè, thử nuôi nhỏ lẻ vài ba lồng cá Hồng Mỹ.
Đầu năm 2015, có chương trình hướng dẫn nuôi cá do Viện nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ mở lớp tại địa phương, anh đã đăng ký tham gia. Với kiến thức được dạy, lại thêm kinh nghiệm thực tiễn từ mấy năm nuôi cá, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Cửa Lò với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư thêm lồng bè, mua thêm cá giống, chuyên tâm vào nghề nuôi cá.
Từ năm 2019, thấy mô hình nuôi cá mú ở các địa phương khác có hiệu quả cao, anh tiếp tục vay vốn Ngân hàng CSXH với số tiền 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để mở rộng quy mô nuôi thả cá lên 10 lồng và thử nuôi loài cá mới. Đến nay, số tiền anh đầu tư cho mô hình này đã gần 2 tỷ đồng, gồm làm lồng bè, mua cá giống, và tiền thức ăn cho cá. Nắm bắt được cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn cá tăng trưởng và phát triển tốt, trừ tất cả chi phí và lãi suất, mỗi năm cho gia đình anh thu nhập 300 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hiệp còn nhiệt tình hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho hàng chục lao động ở địa phương và luôn đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Dám nghĩ, dám làm, đoàn viên, hội viên nông dân Trần Trọng Phi (sinh năm 1990), ở thôn Tân Vĩnh, xã Tân Thành, huyện Yên Thành là tấm gương tiêu biểu vươn lên làm giàu. Hoàn cảnh gia đình khốn khó, anh đã không được theo học đầy đủ như bạn bè; sau thời gian bôn ba xứ người nhưng không có hiệu quả, anh trở về quê hương lập nghiệp. Phát hiện tiềm năng cây cà gai leo là một trong những dược liệu quý hiếm và nhu cầu sử dụng lớn, anh quyết định sản xuất trà túi lọc cà gai leo. Những ngày đầu khởi nghiệp, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, thiếu vốn… anh đã không ít lần thất bại.
Nhưng với ý chí quyết tâm và được sự hỗ trợ từ vốn vay quỹ quốc gia mở rộng việc làm của Ngân hàng CSXH huyện 100 triệu đồng, anh đã đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc hiện đại, liên kết với nông dân sản xuất cây cà gai leo để chủ động nguyên liệu cho chế biến. Sau 3 năm thực hiện, đến nay anh đã cung cấp thị trường hàng trăm hộp sản phẩm, giá trị hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên 7-8 lao động, thu nhập từ 7- 10 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động thời vụ.
Ở huyện Yên Thành có không ít mô hình kinh tế phát huy hiệu quả từ vốn vay Ngân hàng chính sách do Hội Nông dân đứng ra uỷ thác cho vay. Được biết, đến nay, có 39/39 cơ sở Hội đã thực hiện nhận uỷ thác với Ngân hàng CSXH huyện; có 137 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý; thực hiện uỷ thác cho vay với 11 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ hơn 244 tỷ đồng, cho 5.245 hộ vay.
Chị Đinh Thị Linh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thành cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Yên Thành đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay chính sách đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giúp tổ chức hội ngày càng vững mạnh
Nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình Liên tịch giữa Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân tỉnh, huyện đã thường xuyên chỉ đạo các cơ sở Hội thực hiện tốt các công đoạn ủy thác, triển khai đồng bộ các giải pháp giúp nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát huy được hiệu quả. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế…
Tính đến tháng 7/2023, tổng dư nợ đạt 3.414 tỷ đồng, tăng 257 tỷ so với đầu năm. Số dư tiền gửi tiết kiệm là 201,143 tỷ đồng. Song song với huy động, cho vay, các cấp hội cũng đã phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH trong việc thu hồi, xử lý nợ đến hạn có hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ nợ quá hạn phát sinh. Tỷ lệ nợ quá hạn đến 30/6/2023 chỉ còn 0,038%. Các cấp hội đã thành lập các tổ nhóm cùng sở thích về sản xuất, kinh doanh liên kết lại với nhau để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và phối hợp với Ngân hàng CSXH cho vay vốn đem lại hiệu quả rất tốt, giúp nông dân tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Tiêu biểu như: Mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành; mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi và chế biến sản phẩm lươn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Long Thành, huyện Yên Thành; mô hình chế biến nước mắm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu; mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi bò lai sind tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông…
Không chỉ làm cầu nối giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách nhanh nhất, Hội Nông dân còn tích cực phối hợp với các cấp chính quyền và các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân lựa chọn cây, con phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội đã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi công tác ủy thác, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ các hoạt động đó đã giúp hội gần hơn với hội viên nông dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt nhiều kết quả khả quan. Qua hoạt động uỷ thác cho vay cũng giúp xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực làm cho số hộ nông dân khá, giàu của tỉnh tăng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể.
Thông qua hoạt động của tổ vay vốn đã quy tụ, tập hợp hội viên tham gia vào tổ chức Hội ngày càng cao, góp phần vào việc xây dựng cơ sở hội ngày càng vững mạnh, củng cố niềm tin, tình đoàn kết, tích cực hỗ trợ nhau trong cuộc sống vươn lên làm giàu, hội viên thêm gắn bó với tổ chức Hội. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới, đặc biệt là các tiêu chí xây dựng mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch…