Tín hiệu vui cho người trồng gừng ở Kỳ Sơn

18/09/2014 09:48

(Baonghean) - Gần 2 tháng nữa, Kỳ Sơn mới bước vào mùa thu hoạch gừng, nhưng đã có rất nhiều thương lái, doanh nghiệp tìm đến phố núi Mường Xén để tìm nguồn hàng. Hiện nay, giá gừng tươi chất lượng tốt tại Mường Xén lên đến 34 ngàn đồng/kg…

Thời điểm này, nhiều gia đình người dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn đang tranh thủ thu hoạch những rẫy gừng cũ từ năm trước để lại. Dù gừng bị già, một phần bị thối và không đáp ứng được số lượng, chất lượng như mong muốn, nhưng thương lái vẫn mua tại rẫy với giá từ 28 – 30 ngàn đồng/kg. Phải 2 tháng nữa, người dân huyện Kỳ Sơn mới bước vào vụ thu hoạch gừng, nhưng nhìn vào những diễn biến trên, người dân đang rất hy vọng vào một vụ gừng được mùa, được giá. Ông Lầu Tồng Sùa, bản Tổng Khư, xã Na Ngoi cho biết: Cách đây 2 tuần, ông đã thu hoạch hết rẫy gừng cũ, được gần nửa tấn gừng tươi, bán tại rẫy với giá gần 15 triệu đồng. Năm nay, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng gừng trên rẫy, hy vọng mùa tới gừng sẽ được giá cao”.

Ông Lầu Và Chồng - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi vui mừng cho biết: “Năm nay người dân trong xã trồng gần 300 ha gừng. Dù chưa đến mùa thu hoạch, nhưng trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp tìm đến Na Ngoi tìm hiểu nguồn cung ứng gừng xuất khẩu. Cách đây không lâu, lãnh đạo Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã cùng với 2 người Nhật Bản vào Na Ngoi, mang mẫu gừng đi đánh giá chất lượng. Nếu đủ tiêu chuẩn, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm, có biện pháp cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật để bà con yên tâm trồng gừng trong những năm tiếp theo.

Tuyển chọn gừng tươi ở HTX Hương Sơn, huyện Kỳ Sơn.
Tuyển chọn gừng tươi ở HTX Hương Sơn, huyện Kỳ Sơn.

Trong khi đó, tại Thị trấn Mường Xén, giá gừng đẹp được HTX Hương Sơn thu mua với giá 34 ngàn đồng/kg, nhưng người dân không có hàng để bán. Ông Nguyễn Văn Luân - Chủ nhiệm HTX Hương Sơn cho biết: “Theo quy luật, đây là thời điểm gừng đắt nhất trong năm ở Kỳ Sơn, nhưng chưa có năm nào gừng lại có giá cao như năm nay. Trước đây, có thời điểm, giá gừng chỉ có 2 – 3 ngàn đồng/kg, lúc cao cũng chỉ khoảng 7 – 10 ngàn đồng/kg”. Theo dự đoán của ông Luân, khi người dân bước vào mùa thu hoạch, giá gừng ở Kỳ Sơn vẫn sẽ đạt khoảng 15 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với năm trước. Hiện nay, đang có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Thị trấn Mường Xén để tìm hiểu thị trường. Riêng HTX Hương Sơn đã nhận lời cung ứng 1.500 tấn gừng tươi cho công ty Dragon Việt Nam. Bên cạnh đó một số công ty khác như Minh Châu (Hải Phòng), Thiên Thanh (Sài Gòn),... cũng đang cho người đến liên hệ với HTX Hương Sơn để tìm nguồn cung ứng gừng xuất khẩu.

Gừng Kỳ Sơn được giá, chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao. Gừng được trồng ở vùng núi cao, có khí hậu lạnh, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại phân bón hóa học nên được bạn hàng các nước như Banglades, Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia khu vực Trung Á như Uzbekistan, Turkmenistan, Kazakhstan rất ưa chuộng. Đến thời điểm này, HTX Hương Sơn đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân của các xã thuộc 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

Ông Nguyễn Văn Luân cho biết: “Dù gừng Kỳ Sơn rất được ưa chuộng, nhưng hiện nay vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào các công ty xuất khẩu ở các địa phương khác. Dù biết rằng phải làm đại lý, gom hàng và bán lại cho các công ty xuất khẩu thì HTX không có nhiều lãi, giá gừng cũng không thể ổn định khiến người dân chịu thiệt, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào khả thi. Thương hiệu gừng Kỳ Sơn vẫn chỉ được biết đến qua truyền miệng mà chưa được đăng ký nhãn hiệu khi xuất khẩu. HTX cũng chưa tự đứng ra xuất khẩu hàng trực tiếp đi nước ngoài vì những hạn chế về mặt ngoại ngữ, xúc tiến thương mại. Theo ông Luân, đến nay, chưa có ai đứng ra giúp đỡ, hướng dẫn cũng như định hướng cho HTX những việc này.

Ông Mùa Nỏ Xử - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết “Mặc dù gừng được giá, nhưng chủ trương của huyện là không phát triển ồ ạt mà trong quy hoạch chỉ trồng với tổng diện tích 375 ha ở các xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung như: Na Ngoi, Mường Lống, Đoọc Mạy, Na Loi,…

Kỳ Sơn xác định, cùng với ngô lai trên đất dốc, khoai sọ thì gừng chính là cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, giúp đỡ các doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhanh chóng đăng ký thương hiệu gừng Kỳ Sơn; trực tiếp tìm thị trường để xuất khẩu hoặc có hướng xây dựng nhà máy chế biến, thay vì quá phụ thuộc vào các công ty ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Làm được như vậy, cây gừng của Kỳ Sơn sẽ có đầu ra ổn định, người dân không bị ép giá và chắc chắn gừng cũng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng gừng và các doanh nghiệp trên địa bàn so với việc đi làm đại lý gom hàng như hiện nay.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Cuối tháng 8 vừa qua, đoàn công tác tỉnh do đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu tham gia xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Trong chương trình xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp của Nhật Bản rất quan tâm đến sản phẩm gừng do Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An giới thiệu. Đây thực sự là tin vui với người dân trồng gừng khu vực Kỳ Sơn, Tương Dương khi cây gừng bản địa có cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản.

Mới nhất

x
Tín hiệu vui cho người trồng gừng ở Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO