Tín hiệu vui trong giáo dục kỹ năng sống

18/03/2011 10:52

(Baonghean) - Thời gian qua, vấn đề giáo dục kỹ năng sống được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nó được xem là kỹ năng tư duy và kỹ năng hành động cần cho mỗi con người thích ứng với cuộc sống ngày một cách tốt đẹp hơn. Tại Nghệ An, rất đáng mừng là từ những chỉ đạo của ngành Giáo dục, nhận thức của các trường học về tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống đã tăng lên rõ rệt.

Kỹ năng sống có thể là kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp với người xung quanh, thậm chí là kỹ năng bơi lội để có thể đối phó với mọi tình huống khi cần thiết… Kỹ năng sống có vai trò quan trọng đối với tất cả mọi người. Nhưng từ thực tế lại cho thấy phần lớn các đối tượng là học sinh còn thiếu nhiều kỹ năng sống cần thiết, nó được biểu hiện ở việc không biết cách giao tiếp, ứng xử với nhau, vì thế dễ gây ra xung đột. Ngay cả đối với các học sinh được xem là con ngoan, trò giỏi, nhưng khi đứng trước đám đông vẫn không thể hiện được hết khả năng của mình, ít nhất là trong việc diễn đạt.


Chương trình giáo dục kỹ năng sống tại Trường THCS Đặng Thai Mai.

Vì thế, từ đầu năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT đã có đã có Công văn số 453/KH-BGDĐT (ngày 30/7/2010) về việc tập huấn và triển khai giáo dục kỹ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục ở TH, THCS, THPT trên toàn quốc.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An trong Công văn số 2157/SGDĐT-VP về việc hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiên, học sinh tích cực năm học 2010-2011” đã có đề cập đến vấn đề tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; trong đó, nêu rõ yêu cầu tăng cường nguồn lực trong và ngoài nhà trường cho giáo dục đạo đức, hình thành các chuẩn đạo đức, chú ý giáo dục giá trị gia đình, văn hóa gia đình bên cạnh giáo dục lòng yêu nước và truyền thống văn hóa dân tộc. Rèn luyện cho học sinh ý thức kỷ luật, tác phong nhanh nhẹn, gọn gàng, ngăn nắp, đưa vào giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông trong một số môn học và hoạt động ngoài giờ. Đối với mầm non, tiểu học là tăng cường giáo dục kỹ năng tự phục vụ, thói quen vệ sinh tốt, kỹ năng tự bảo vệ an toàn bản thân, mạnh dạn trong giao tiếp, thân thiện với bạn bè, lễ phép với người lớn…

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, tổ chức tư vấn, tổ chức các CLB văn hóa, thể thao ưa thích và kỹ năng ứng xử đến các tình huống có liên quan đến tệ nạn xã hội cho học sinh…Từ những chỉ đạo của ngành giáo dục, nhận thức của các trường học về tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống đã tăng lên rõ rệt. Các trường đã thông qua nhiều hình thức để đưa kỹ năng sống đến với học sinh, từ việc lồng ghép trong các bài học, cho đến tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.


Việc giáo dục kỹ năng sống rất cần thiết đối với tuổi vị thành niên.

Theo cô Nguyễn Thị Phương (Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi, TP.Vinh) cho biết: Hiện nay nhà trường có 950 học sinh học bán trú, thời gian trong ngày phần lớn học sinh ở trường, chính vì thế việc giáo dục kỹ năng sống luôn được nhà trường quan tâm, với mục tiêu tạo cho học sinh thói quen tốt ngay từ những ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh việc tổ chức lồng ghép các nội dung về kỹ năng sống trong các môn học, không kể đó là môn đạo đức, toán, hay tiếng Việt, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động vui chơi ngoài giờ, tạo cho học sinh cảm giác được vừa học vừa chơi. Ngay cả việc ở bán trú cũng được nhà trường lồng ghép thành các nội dung giảng dạy kỹ năng sống một cách linh hoạt. Ví như trong giờ ăn, học sinh được hướng dẫn những phương pháp vệ sinh cá nhân trước khi ăn, dọn dẹp chỗ ngồi, bàn ghế, bát đũa, giúp cô giáo chia cơm. Khi ngủ dậy thì được hướng dẫn sắp xếp chăn, màn một cách gọn gàng. Biết tôn trọng người lớn tuổi, chào hỏi lễ phép khi có khách tới thăm, ân cần giúp đỡ bạn bè lúc khó khăn... Đó chính là những nền tảng cơ bản để định hướng cho các em một lối sống lành mạnh, có văn hoá.

Bên cạnh đó, ngay tại TP Vinh, một trung tâm giáo dục kỹ năng sống đã ra đời, phần nào tạo nên sự đa dạng trong các phương pháp giáo dục, và cho thấy được sự quan tâm tích cực của toàn xã hội đến vấn đề này. Anh Hồ Tiên Thủy (Phó GĐ tổ chức Tâm Việt Nghệ An – chuyên tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho mọi đối tượng) cho biết: Thiếu những kỹ năng sống cần thiết sẽ khiến cho con người dễ có những hành vi sai lệch, nhất là đối với những người đang trong độ tuổi vị thành niên. Nhận thức được điều đó, mà trong thời gian qua Tâm Việt Nghệ An đã có nhiều hoạt động giao lưu phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn như: THPT Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Hermann Gmeiner, Nguyễn Huệ… về việc giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời tổ chức tập huấn cho hơn 500 cán bộ đoàn tại các trường học về kỹ năng sống nhằm giúp họ ứng dụng vào thực tế giảng dạy cho học sinh trong trường mình.


Đối với bậc học mầm non đó là kỹ năng mạnh dạn trong giao tiếp,
thân thiện với bạn bè...

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực của việc đưa kỹ năng sống vào giáo dục trong nhà trường phổ thông, vẫn còn có nhiều biểu hiện thể hiện sự bị động của một số đơn vị trong việc thực hiện các hướng dẫn, cũng như triển khai thực hiện. Nhiều trường không hiểu và không biết bắt đầu giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh như thế nào, trong khi hiện tại vẫn chưa có bộ giáo trình chuẩn về giáo dục kỹ năng sống nào được đưa ra. Hơn nữa, một số trường, một số bậc phụ huynh vẫn còn quá coi nặng thời gian học chính khóa của học sinh, đặt ra mục tiêu hàng đầu cho các em là phải thi đậu vào các trường đại học mà bỏ quên giáo dục kỹ năng sống, và coi đó là điều chưa thực sự cần thiết. Điều này vô tình biến các em học sinh trở nên cứng nhắc, và rất dễ bị lôi kéo sa ngã bởi những tác động xấu từ môi trường bên ngoài.


Quảng An

Mới nhất

x
Tín hiệu vui trong giáo dục kỹ năng sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO