Tín hiệu vui từ Công ty may Prex Vinh

22/02/2013 21:48

(Baonghean) - Sau thời gian nghỉ tết công nhân lao động của Công ty may Prex Vinh lại trở về nhà máy để làm việc. Trên những gương mặt trẻ ánh lên niềm vui trước năm mới hứa hẹn nhiều thành quả lao động...

Trước đây, Trương Thị Thu Thanh - quê ở xóm 5, Đông Sơn - Đô Lương hoàn cảnh gia đình rất khó khăn; Thanh làm nghề tráng bánh đa, trồng rau song thu nhập không ổn định, vất vả nắng mưa. Cuối năm 2011, nhận được thông tin là Công ty may Prex Vinh đang thu hút và tạo việc làm Thanh làm hồ sơ xin vào làm công nhân may tại công ty. Sau khi được công ty đào tạo tay nghề 4 tháng, Thanh được vào chuyền may sản phẩm. Do chịu khó trau đồi tay nghề nên qua gần 2 năm làm việc, đến nay Thanh đã là tổ trưởng dây chuyền may 13 của nhà máy. Gặp chúng tôi, Thanh tâm sự: "Đến nay, tính cả lương cơ bản và thu nhập trách nhiệm, độc hại, một tháng em thu nhập ổn định trên 3,5 triệu đồng. Làm việc trong nhà máy rất vui, lại gần nhà và tránh được mưa gió nên em yên tâm làm việc lâu dài".

Nhiều công nhân sinh sống tại các địa phương xa nhà máy như Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn... đều bày tỏ gắn bó với nhà máy. Không ít công nhân cùng nhau thuê nhà trọ ở lại, không để vi phạm nội quy nhà máy. Em Lê Thị Ngọc - quê ở Thị trấn Dùng - Thanh Chương, phấn khởi nói: Làm việc tại Nhà máy Prex Vinh tôi thấy yên tâm vì được tôn trọng, công ty đảm bảo chế độ 12 ngàn đồng/bữa ăn trưa, được hỗ trợ tiền chuyên cần 60 ngàn đồng/tháng, xăng xe 50 ngàn đồng/tháng, con nhỏ dưới 1 tuổi hỗ trợ 50 ngàn đồng/tháng. Chúng tôi được công ty đóng BHYT, BH thất nghiệp và BHXH đầy đủ". Chính nhờ sự quan tâm đến đời sống công nhân kịp thời của Công ty, nên đến nay, đa số công nhân đến làm việc tại nhà máy gắn bó nhiệt tình, là động lực để công ty vươn lên hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thời gian qua.

Prex Vinh là một công ty may mặc sẵn các sản phẩm hàng cao cấp, có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc. Đây cũng là Công ty có số vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất của tập đoàn Ki-đô Hàn Quốc. Công ty đi vào hoạt động chính thức từ tháng 8/2011 tại cụm công nghiệp Lạc Sơn - Đô Lương. Nhà máy có diện tích trên 70.000m2, bao gồm 2 phân xưởng may, 48 chuyền may với số lượng công nhân dự tính theo kế hoạch trên 4 ngàn người. Năm 2012 công ty có trên 200 ngàn sản phẩm may mặc da, len các loại xuất khẩu sang các nước, trị giá tương đương 1 triệu USD. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động hết công suất 48 chuyền, công ty sẽ phấn đấu đạt 1,5 triệu sản phẩm xuất khẩu với giá trị tương đương 10 triệu USD.

Ông Đoàn Văn Thủy - Chủ tịch Công đoàn Công ty may Prex Vinh, cho biết: Để đạt được những thành tích và kết quả nêu trên, ngay từ khi bước vào sản xuất, được sự quan tâm của tỉnh và UBND huyện Đô Lương, công ty rất chú trọng vai trò tuyển người lao động vào làm việc. Công ty đã phối hợp với các huyện, đặc biệt các xã để phát tờ rơi, tuyên truyền đến các hội phụ nữ; qua hệ thống truyền thanh, khuyến khích người lao động hiện có trong công ty vận động, tìm kiếm thanh niên trong độ tuổi 18 - 35. Đến nay, công ty đã thu hút trên 2 ngàn lao động về làm việc, chủ yếu từ nội huyện, lên các địa bàn Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ... Công nhân vào làm việc được hưởng lương cơ bản mức tối thiểu theo quy định là 1,650 triệu đồng/người/tháng. Lao động có tay nghề tùy năng lực có thể trả theo mức trên cơ bản, trách nhiệm. Đối với công nhân chưa có tay nghề vào làm việc sẽ được đào tạo từ 3-4 tháng và cũng được chi trả 90% lương cơ bản trong đào tạo nghề theo quy định pháp luật. Đặc biệt, công ty đã tập hợp đội ngũ công nhân về trong một "mái nhà" công đoàn. Tính đến nay, có trên 1.650 công nhân đã được đóng các loại bảo hiểm, trên 1.800 công nhân tham gia tổ chức công đoàn công ty. Công nhân được khám sức khỏe định kỳ, cử đi tham gia các lớp tập huấn về an toàn lao động và PCCC..

Tuy nhiên, theo như ý kiến của ông Thủy thì hiện hệ thống dây chuyền thiết bị nhà máy đã hoàn chỉnh, song công ty mới chỉ thu hút được trên 2 ngàn / 4 ngàn lao động theo kế hoạch, với lượng lao động này nhà máy mới chỉ duy trì 26/48 dây chuyền hoạt động. Đặc biệt, trình độ tay nghề đầu vào còn hạn chế, nhiều công nhân quen với việc làm vườn, trồng lúa, nên tập quán tiếp thu công nghệ may mới còn bị động. Đa số công nhân dù có tay nghề vào làm cũng đều phải được đào tạo lại để đáp ứng tốt với nhu cầu may xuất khẩu tại công ty. Bên cạnh đó, do điều kiện mới đi vào sản xuất kinh doanh, công ty chưa thực hiện giao khoán sản phẩm nên cơ chế thưởng, phạt chưa có. Chính những khó khăn này đã làm nảy sinh thực trạng nhiều đơn hàng may của công ty non, chỉ đạt chỉ tiêu 30-40 sản phẩm/100 sản phẩm theo chỉ tiêu /1 chuyền may.

Ông Kim Chul Hee - Giám đốc Công ty may Prex Vinh cũng cho hay vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công ty đang thiếu lao động. Lao động làm việc trong nhà máy rất khó huy động vì đa số thanh niên ở độ tuổi lao động đã đi làm xa. Nhiều lao động có nhu cầu vào làm nhưng điều kiện cách trở, khó khăn. Trong khi đó, công ty chưa có nhà ăn trưa, chưa có hệ thống nhà trọ cho công nhân nghỉ lại... Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tuyển dụng lao động bằng nhiều cơ chế, tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ cho công nhân để nâng cao giá trị trong sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Hơn bao giờ hết, công ty rất muốn được tỉnh quan tâm trong việc khâu nối để công ty khai thác nguồn lao động. Có thể theo các kênh Trung tâm GDTX, liên kết, chính sách, chấp thuận hội thảo chia sẻ giữa các doanh nghiệp trong đầu tư ở Nghệ An... để thuận lợi cho khâu tuyển và sử dụng lao động...


Lương Mai

Mới nhất
x
Tín hiệu vui từ Công ty may Prex Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO