Tin nhắn rác Viber "khủng bố" người dùng
Tin nhắn rác với nội dung quảng cáo dịch vụ trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Dù Viber mới chính thức vào thị trường Việt Nam từ tháng 1.2014 nhưng từ trước đó, ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet (OTT) này đã liên tục làm phiền người dùng với hàng loạt tin nhắn rác. Cường độ tin nhắn rác trên Viber hiện ngày càng dày đặc gây ra nhiều bức xúc từ cộng đồng.
Viber tràn ngập tin nhắn rác
Ngày 5.12.2013, nick “Trường Nhân” đã đăng lên Facebook của mình hình ảnh về mẫu quảng cáo rác được gửi qua Viber, trong đó nội dung quảng cáo dịch vụ “cho thuê chú rể, cho thuê chồng, cho thuê người yêu, cho thuê bố mẹ, người thân. Chuyên tổ chức đám cưới danh nghĩa…”. Đây được đánh giá là thứ “rác nặng” quảng cáo một loại dịch vụ vốn dĩ chỉ hoạt động lén lút, nhưng vì trên môi trường OTT chưa có sự kiểm soát nên nó đã từ hoạt động bí mật đi ra công khai.
Trên thực tế, người dùng Viber ngày càng cảm thấy khó chịu với đủ thứ tin nhắn rác quảng cáo trên OTT này, từ thực phẩm chức năng chuyên giảm cân nam nữ, làm trắng da, tăng cường sinh lý nam nữ hay thúc đẩy dài mi, mọc tóc, trị thâm nám, tàn nhang v.v… cho đến game, mua sắm trực tuyến, du lịch và thuốc lá điện tử. Thậm chí, những mẫu quảng cáo các đầu game lậu trong đó có game cờ bạc cũng đang được nước tràn vào cộng đồng qua phương tiện Viber.
Theo thông tin đăng tải trên trang Twitter cá nhân của ông Talmon Marco - CEO của Viber, thì đến thời điểm 29.11.2013 ứng dụng OTT này đã có đến 8 triệu người dùng tại VN, ngang bằng với lượng người dùng Viber tại Philippines. Từ đó có thể thấy rằng, số người bị quấy rầy, làm phiền, và rồi cảm thấy khó chịu, bức xúc… cũng rất lớn.
Viber có tính năng cho phép chặn những tài khoản (đăng ký bằng số điện thoại) gửi tin nhắn rác, tuy nhiên việc làm này không giải quyết được tận gốc vấn đề, vì những kẻ chuyên quảng cáo qua Viber hoàn toàn có thể thay đổi số điện thoại và đăng ký tài khoản mới để tiếp tục gửi tin rác như cách họ làm khi gửi tin nhắn rác qua thuê bao di động vậy.
Biến khách hàng thành nạn nhân
Tại VN hiện nay, các ứng dụng OTT được dùng phổ biến nhất là Viber, Zalo, Facebook Messenger, LINE, KakaoTalk… Trong đó, các ứng dụng như Zalo của Việt Nam, hay LINE của Nhật Bản cũng có văn phòng đại diện tại Việt Nam, ít nhiều đang phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng và sức ép của dư luận, cho nên lượng tin nhắn rác quảng cáo nếu có cũng chưa đến mức gây bức xúc. Trong khi đó, trên môi trường Facebook Messenger thường là những cuộc chat cá nhân với nhau hay theo nhóm, hầu hết đều biết nhau, nên cũng rất ít xảy ra việc “thả bom” tin nhắn rác.
Tuy nhiên, với Viber thì khác, lượng tin nhắn rác trong một ngày lên đến hàng triệu, lượng người dùng cũng hàng triệu, vì thế mức độ lan tỏa và tác động cũng tương ứng. Dư luận đang cho rằng, Viber không hề tốn 1 xu nào tại thị trường Việt Nam mà có được cộng đồng gần 10 triệu người dùng, và bây giờ khi đã dần đạt được mục tiêu thì Viber đang dần xa rời quyền lợi người dùng bằng cách thả nổi cho tin nhắn rác hoành hành mà không có biện pháp ngăn chặn. Bộ TT&TT đã nhiều lần đưa ra các biện pháp để giải quyết tình trạng tin nhắn rác, thế nhưng Viber được hưởng lợi từ cộng đồng và thị trường Việt Nam thì lại không tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Trong khi các ứng dụng OTT khác như Zalo hay LINE luôn phải chịu sự kiểm soát, quản lý của các cơ quan chức năng Việt Nam thì Viber vẫn đang “nhởn nhơ” trên thị trường để cho người dùng bị quấy rầy, phiền nhiễu bởi tin nhắn rác. Viber có thể đánh dấu bước vào thị trường Việt bằng sự kiện “Giáng Sinh Tím” hoành tráng tại TPHCM dạo cuối năm 2013 nhưng lại thờ ơ trước tình trạng tin nhắn rác mặc sức tung hoành trên hệ thống của mình gây ra những hệ lụy cho người dùng. Và như đã nói ở trên, có những mẫu tin nhắn rác quảng cáo các dịch vụ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa và đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Theo Lao động