Tin ở điều kỳ diệu

(Baonghean) - Tôi đến gặp gia đình 3 chị em “đặc biệt” nhất xã Nam Thanh (Nam Đàn) đúng hôm người chị đầu vừa tổ chức xong đám cưới. Trên thân thể tật nguyền là gương mặt rạng rỡ. Hạnh phúc của họ ngày hôm nay, đã chứng minh điều: dù ở nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, dù gặp bao nhiêu éo le, nghiệt ngã của số phận, nếu giữ được niềm tin và nỗ lực thì điều kỳ diệu sẽ đến…

Ba chị em Đinh Thị Thuận (SN 1982), Đinh Thị Hải (SN 1984) và Đinh Văn Chung (SN 1986) sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo, cả nhà chỉ trông chờ vào dăm sào ruộng. Ngày bé, 3 chị em Thuận – Hải – Chung vẫn bình thường, đẹp đẽ như bao đứa trẻ khác. Nhưng lên 10 tuổi, những lần ngã gãy chân, gãy tay bắt đầu xuất hiện và ngày càng nhiều hơn… Chỉ cần sơ sẩy một chút, là đã có thể gãy xương. Vết thương cũ chưa lành hẳn, vết thương mới chồng chất. Liên tiếp như thế, khiến đôi chân của mấy chị em cong vẹo, không còn đứng vững và đi lại được, thân hình cũng chỉ dừng lại ở chiều cao của một đứa trẻ.

Tuổi thơ của 3 chị em từ đó gắn liền với mái nhà tranh vách đất, và những buổi ngồi trong sân nhà ngước đôi mắt thèm thuồng nhìn bạn bè đi học ngang qua cửa… Thương chị em Thuận, các bạn trong xóm đã đến thay phiên nhau chở xe đạp, hoặc cõng đến trường. Ba chị em mừng lắm, cố gắng chăm chỉ học tập, không bỏ buổi học nào, tham gia mọi hoạt động của trường, lớp.

Chị Thuận và anh Chung còn tham gia thi cờ tướng, cờ vua trong Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Nhưng chỉ học được hết lớp 9 thì cả 3 đành phải nghỉ học, vì trường cấp 3 cách nhà quá xa. Cũng đúng lúc ấy, tai họa giáng xuống gia đình: Người cha trong lúc đi làm về bị tai nạn gãy chân, xương sườn, phải nằm một chỗ. Cha khỏe lại, cũng là lúc gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Ba chị em dù tật nguyền, sức khỏe yếu cũng cố gắng tìm việc làm, để đỡ đần giúp cha mẹ. Chị Thuận mở cái ốt nhỏ trước cửa nhà bán hàng lặt vặt. Còn chị Hải quyết định ra Hà Nội xin làm thuê ở một cửa hàng sơn mài, rồi sau đó lại về Vinh xin làm ở lò bánh mì. Còn anh Chung thì mày mò, học sửa chữa đồ điện tử. Chị Đinh Thị Thuận tâm sự: “Dù mình có tàn tật, mình vẫn phải sống, bố mẹ ốm yếu, sau này, không ai nuôi được mình cả đời”.

Tháng 5/2011, được biết chương trình “Vượt lên chính mình” sẽ về Nghệ An giúp đỡ các gia đình khó khăn, chị Thuận đã viết đơn tham gia. Vượt qua được các phần thi của chương trình, chị em Thuận đã được hỗ trợ khoản tiền đủ trả nợ ngân hàng và có chút vốn liếng làm ăn. Chị em Thuận và Hải tham gia một lớp học may do Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An tổ chức. Học được nghề, hai chị em về mở cửa hàng may mặc tại gia đình, nhận may gia công chăn, ga… tự đi lấy hàng, nhập hàng. Cứ cần mẫn và nỗ lực như thế, những mong có thể có cuộc sống bình thường…

Tháng 10/2012, có một đoàn giao lưu từ thiện của những người tật nguyền về Nam Thanh (Nam Đàn) biểu diễn. Có 10 người trong đoàn vào ở trọ trong nhà chị em Thuận, như cái duyên phận đưa đẩy, trong thời gian ngắn ngủi lưu lại của những người khuyết tật nhưng có tài ấy, cả 2 chị em Thuận, Hải đã tìm thấy tình yêu của mình.

                                   Đại gia đình 3 chị em Thuận, Hải, Chung.

Cho đến bây giờ, chị Đinh Thị Hải vẫn không thể tin được hạnh phúc đang có, không chỉ riêng chị, cả làng Nam Thanh cũng bất ngờ trước tình yêu “sét đánh” của Hải với chàng trai quê Đà Nẵng. “Mình với chồng, cả yêu cả cưới nhau trong vòng có 2 tháng. Anh về biểu diễn rồi ở trọ trong nhà. Mình thích nghe anh hát, anh hát hay lắm, rồi yêu nhau từ khi nào không biết nữa. Sau khi biểu diễn ở quê mình xong, đoàn của anh đi nơi khác. Nhưng chỉ có chưa đầy 1 tháng sau, anh quay lại nhà xin cưới mình. Chắc là duyên số đến lúc rồi”. Chị Hải bây giờ đang mang thai tháng thứ 8, mỉm cười kể lại như vậy. Sau khi cưới, hai vợ chồng cùng vào Đà Nẵng. Hôm nay, vì cưới chị Thuận, nên chị mới ra Nghệ An.

Chuyện tình của chị Thuận thì âm thầm, lặng lẽ hơn. Ban đầu, chỉ là sự khâm phục trước anh chàng Nguyễn Văn Tú nhỏ bé, nhưng lắm tài lẻ. Trong đoàn biểu diễn về Nam Thanh lần ấy, anh làm MC, làm ảo thuật, cắt kẻ chữ. Ở trọ trong nhà, dù cũng tật nguyền, nhưng anh chăm chỉ, không ngại việc gì, giúp đỡ gia đình chị mọi việc, từ sửa cái xe hỏng, lắp lại điện trong nhà. Anh Tú, quê ở Đô Lương, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả, tật nguyền từ nhỏ... Những lần trò chuyện tâm sự, anh chị càng thấu hiểu, thông cảm cho hoàn cảnh của nhau. Nhưng chị vẫn chưa dám đón nhận tình cảm của anh, vẫn còn mặc cảm, vẫn chưa dám tin vào hạnh phúc. Chị muốn dành thời gian để thuyết phục bản thân mình, để tình yêu đến tự nhiên, lúc cảm thấy cần nhau, không thể sống thiếu nhau... Và sau gần 1 năm, anh chị đã có đám cưới ngày hôm nay.

Anh Nguyễn Văn Tú tâm sự: “Gia đình mình có 6 anh chị em, bố mất sớm, gia đình khó khăn, các anh chị lấy vợ, lấy chồng hết, mẹ và em ở nhà đi buôn đồng nát. Mình lại tật nguyền, vậy mà cô ấy không chê, vẫn đến mới mình. Mới cưới nhau, nhưng mình đã ở đây được 3 tháng rồi, thực sự nhờ “nhà vợ” nhiều lắm. Thuận hơn mình 2 tuổi đấy, đi hết trong Nam ngoài Bắc chẳng yêu ai, về đây thì ở lại luôn!”.

Còn nhớ cách đây mới hơn một năm, ghé thăm các chị, ai cũng đều lắc đầu nói mình chưa có dự định gì với việc lập gia đình, thế mà hôm nay, 2 chị đã tìm được tình yêu của mình, và đều sắp được làm mẹ.

Chị Hải chia sẻ: “Lúc có em bé, mình vừa mừng vừa lo. Bây giờ nó đạp suốt, chỉ trông làm sao mau sinh con ra”. Chờ đợi đứa con được sinh ra, là cả niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng là nỗi lo lắng, thấp thỏm giấu kín cùng với hy vọng mong manh. Bố mẹ đều tàn tật, đứa con sinh ra, biết đâu sẽ lành lặn, sẽ khỏe mạnh lớn lên. Nhìn dáng hình nhỏ bé nhưng đang mang một sinh linh sống đang ngày càng lớn lên ấy, ai cũng thấy hồi hộp, hy vọng!

Họ có thể là những mảnh ghép không hoàn hảo của cuộc đời, nhưng họ biết tìm những mảnh ghép khác, để tạo nên sự trọn vẹn cho riêng mình. Hạnh phúc có thể đến chậm, nhưng trải qua bao nhiêu chông gai, thử thách nghiệt ngã của số phận, hạnh phúc ấy trở nên đáng trân trọng!

Hồ Lài

tin mới

Chuyện về những người Nghệ ở Vũng Tàu

Chuyện về những người Nghệ ở Vũng Tàu

(Baonghean.vn) - Hầu hết những người Nghệ đang sinh sống, làm việc, công tác tại thành phố biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đều chịu thương chịu khó làm ăn, đoàn kết tốt, coi Vũng Tàu là quê hương thứ hai nhưng không bao giờ quên quê hương Nghệ An - nơi họ đã sinh ra từ đó.

Mang Trung thu lên bản Huồi Mới

Mang Trung thu lên bản Huồi Mới

(Baonghean.vn) - Ngày 22/9, Báo Nghệ An phối hợp cùng Team Bạch Mã (trực thuộc CLB Xe Bán tải địa hình Việt Nam) và Đồn Biên phòng Tri Lễ tổ chức Trung thu và tặng quà cho học sinh mầm non và tiểu học tại bản người Mông Huồi Mới, xã Tri Lễ (huyện Quế Phong).

Quỳnh Lưu

Phong trào tiếp sức cho học sinh nghèo ở Quỳnh Lưu

(Baonghean.vn) - Cùng với nhiều hoạt động chăm lo công tác an sinh xã hội, thời gian qua các Chi bộ, đảng bộ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã đẩy mạnh chương trình “Tiếp sức đến trường” hết sức ý nghĩa nhằm giúp các em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được đến trường trong năm học mới.

Cảng hàng không quốc tế Vinh

Cảng hàng không quốc tế Vinh thông báo mời tham gia lựa chọn đơn vị thuê vị trí quảng cáo tại nhà ga hành khách quốc nội

(Baonghean.vn) - Cảng hàng không quốc tế Vinh - Chi nhánh Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP có kế hoạch tổ chức lựa chọn rộng rãi đơn vị thuê vị trí quảng cáo tại khu vực nhà ga hành khách quốc nội Cảng hàng không quốc tế Vinh với các nội dung cụ thể sau:

Hơn 5.300 tỷ đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên

Hơn 5.300 tỷ đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên

(Baonghean.vn) - Chỉ tính riêng trong 2 năm 2021 và 2022, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng gần 3 triệu học sinh, sinh viên sử dụng thẻ BHYT với khoảng 6,1 triệu lượt khám, chữa bệnh; tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của nhóm học sinh, sinh viên bình quân/năm là hơn 2.500 tỷ đồng.