Tình hình biển đông căng thẳng: Mỹ tìm cách ngăn chặn thủ đoạn của Trung Quốc

18/05/2015 07:42

(Baonghean) - Mỹ sẽ chủ trì một hội nghị lần đầu tiên có sự tham dự của giới chức quân sự đến từ 23 quốc gia với nỗ lực xây dựng lực lượng đổ bộ phối hợp tại châu Á Thái Bình Dương. Đây là một trong nhiều động thái gần đây của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh nhiều vùng biển ở khu vực, đặc biệt tại Biển Đông đang nóng lên với những cuộc tranh chấp chủ quyền, khiến Mỹ không thể “ngồi yên”.

Tăng cường hiện diện quân sự

Hội nghị quân sự 23 nước châu Á-Thái Bình Dương do lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đứng ra triệu tập chính thức bắt đầu từ ngày 18 tháng 5 ở Hawaii. Hơn một nửa quốc gia đến từ châu Á sẽ tham dự hội nghị, trong đó bao gồm những nước “có tranh chấp chủ quyền lãnh hải” với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không được mời tham dự sự kiện này. Theo hãng tin Reuters, một văn kiện trù bị chỉ ra, việc không mời Trung Quốc tham dự là do nước này hiện là đối thủ cạnh tranh của Mỹ và một số nước tham dự hội nghị. Giới chức quân sự Mỹ cho rằng, đây là điều không có gì bất thường. Năm 2014, Trung Quốc từng có mặt trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu với hơn 20 quốc gia khác. Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức giới hạn và chủ yếu tập trung vào các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo.

Các lực lượng đổ bộ chuyên triển khai các chiến dịch trên biển như đổ bộ từ tàu, trực thăng vào bờ biển và được huy động trong các hoạt động vận chuyển hàng, phối hợp cứu trợ, cứu nạn thiên tai. Tại Hawaii, người phát ngôn lực lượng Thủy quân lục chiến Quân đội Mỹ cho biết, hội nghị sẽ thảo luận sách lược tấn công đổ bộ, trong đó bao gồm các cuộc tấn công đảo đá do tàu chiến phát động và nhảy dù trên đảo đá. Các chuyên gia cho rằng lực lượng Thủy quân lục chiến của Mỹ đóng vai trò là nhân tố giúp gắn kết các lực lượng đổ bộ tại châu Á và điều này sẽ có lợi cho rất nhiều đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia.

Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2014. Ảnh Internet
Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2014. Ảnh Internet

Đây được cho là một trong nhiều động thái gần đây của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh nhiều vùng biển ở khu vực, đặc biệt tại Biển Đông đang nóng lên với những cuộc tranh chấp chủ quyền. Trước đó, giới chức Lầu Năm góc đã công bố nội dung chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương, đến năm 2020, theo đó, Hải quân và Không quân Mỹ sẽ bố trí đến 60% lực lượng trong khu vực này. Trong tương lai, Mỹ cũng sẽ "ưu tiên triển khai" một số vũ khí tối tân nhất đến Thái Bình Dương, trong đó có máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 Raptor, tàu ngầm tấn công lớp Virginia... Nhật Bản và Mỹ đã thống nhất đem khoảng 9.000 lính thủy đánh bộ ra khỏi đảo Okinawa (Nhật Bản) và chuyển một số binh sỹ trong tổng số 9.000 quân này sang đảo Guam vào đầu những năm 2020.

Ngăn chặn thủ đoạn của Trung Quốc

Trên thực tế, chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương được chính quyền Mỹ đẩy mạnh hơn ngay trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama. Hai chiến lược song song mà Mỹ đang thực hiện là tăng cường hiện diện quân sự và củng cố quan hệ đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc trước tham vọng trỗi dậy của nước này. Đặc biệt, trong bối cảnh những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với một số quốc gia châu Á cũng khiến Mỹ không thể “ngồi yên”.

Lầu Năm góc nhận định, có nhiều khả năng cho thấy “Trung Quốc đang cố gắng thay đổi tình hình thực địa bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng ở Biển Đông”. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các rặng san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Bắc Kinh đang tăng tốc cải tạo đất ở 7 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa và dường như đang xây đường băng tại một trong các đảo nhân tạo. Theo lời Chỉ huy lực lượng Mỹ đóng tại khu vực - Đô đốc Samuel Lockear, những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh mở căn cứ và cung cấp hậu cần cho đội tàu hàng hải lớn và đang ngày càng phình ra của nước này.

Đô đốc Mỹ còn cảnh báo một viễn cảnh đáng sợ hơn là Trung Quốc cuối cùng sẽ triển khai cả hệ thống radar và các tên lửa đến những hòn đảo nhân tạo đó. Việc này sẽ mở đường cho Trung Quốc thực thi vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông nếu nước này muốn thiết lập một vùng như vậy. Tất cả những hành động này khiến Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi Washington từng tuyên bố, họ muốn đảm bảo sự tự do hàng hải ở Biển Đông – con đường huyết mạch của thương thuyền quốc tế - trong bối cảnh những cuộc tranh chấp ở đây đang bùng lên dữ dội.

Mỹ cũng tái khẳng định lập trường không để Trung Quốc thao túng ở Biển Đông trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kery tới Bắc Kinh hôm 16 - 17/5. Chuyến thăm này của ông John Kerry được dự tính từ lâu nhằm mở đường cho Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ và chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, thế nhưng giữa lúc căng thẳng trên Biển Đông lại tiếp tục leo thang, chuyến thăm này đã bị bao trùm bởi các vấn đề tranh chấp biển. Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã truyền tải thông điệp rằng hoạt động cải tạo đất quy mô lớn cũng như hành vi chung của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ làm tổn hại hình ảnh của nước này, cũng như quan hệ đối ngoại với các nước, trong đó có Mỹ.

Giới lãnh đạo Mỹ - Trung từ lâu đã kêu gọi xây dựng quan hệ hai nước theo mô hình “nước lớn kiểu mới” nhưng thực tế giữa Washinhton và Bắc Kinh còn tồn đọng không ít bất đồng và sự dè chừng lẫn nhau, trong đó nổi lên sự cạnh tranh tầm ảnh hưởng. Giới phân tích cho rằng, những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm Mỹ “thức tỉnh”. Vấn đề là đối phó bằng cách nào, vì cho đến nay, những lời kêu gọi và khuyến cáo dường như đã không có tác dụng ngăn chặn Bắc Kinh. Việc Mỹ tổ chức cuộc họp các nước có liên quan đến Biển Đông lần này mà không có sự hiện diện của Trung Quốc cho thấy chắc chắn trong thời gian tới, Mỹ không chỉ tăng cường hiện diện tại vùng biển đang “nóng” lên này, mà sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn.

Thanh Huyền

Mới nhất
x
Tình hình biển đông căng thẳng: Mỹ tìm cách ngăn chặn thủ đoạn của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO