Tình hình kinh tế quý 4 tốt hơn, ổn định hơn
(Baonghean) - 89,7% doanh nghiệp FDI, 84,2% DN ngoài nhà nước và 82,1% DNNN lạc quan cho rằng, tình hình SX-KD quý 4 sẽ tốt hơn và giữ ổn định hơn. Sản xuất công nghiệp năm 2015 đang có xu hướng phục hồi và phát triển tốt hơn nhiều so với những năm trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu 2008 - 2014. Xu hướng các quý cuối năm khả quan hơn nhiều so với các quý đầu năm... là những tín hiệu đáng vui mừng của nền kinh tế nội địa.
KHỐI LƯỢNG SẢN XUẤT TĂNG ỔN ĐỊNH
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, kết quả điều tra về xu hướng SX-KD hàng quý của ngành công nghệp chế biến, chế tạo - ngành hiện đóng góp khoảng 18% vào GDP - cho thấy, trong quý 4, năm 2015, dự báo tăng trưởng khả quan hơn so với quý 3 vừa qua, khi có tới 85,6% DN lạc quan cho rằng tình hình SX-KD của DN tốt lên và giữ ổn định.
Về khối lượng sản xuất: Có tới 79,3% DN đánh giá khối lượng sản xuất quý 3 tăng lên và giữ ổn định so với quý 2, trong đó 39,9% đánh giá tăng và 39,3% giữ ổn định, và có 20,7% DN đánh giá giảm. Cùng với xu thế tăng lên của quý 3, quý 4 có tới 86,2% DN dự báo khối lượng tăng và giữ ổn định. Tỷ lệ DN dự báo về khối lượng sản xuất quý 4 sẽ tăng so với quý 3 của khu vực DN FDI là khả quan nhất, với 53,5%, của DNNN là 50,7%, trong khi khu vực DN ngoài nhà nước đạt tỷ lệ thấp nhất, chỉ 47,2%. Các ngành có dự báo khả quan về khối lượng sản xuất quý 4 tăng so với quý 3 là ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu với tỷ lệ DN dự báo tăng là 70,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là 64,5%; sản xuất trang phục là 56,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất là 53,6%.
Sản xuất tại Nhà máy Tôn Hoa Sen (Khu công nghiệp Nam Cấm). Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Về đơn đặt hàng: Điều đáng mừng là quý 3/2015, có tới 80,2% số DN khẳng định số lượng đơn hàng mới đã tăng lên và giữ ổn định, trong đó có 34,2% DN đánh giá tăng đơn hàng. Trong khi đó, chỉ có 19,8% DN đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm đi. Cùng xu hướng đó, tỷ lệ các DN dự báo quý 4, số lượng đơn hàng mới khả quan hơn, với 87,3% DN dự báo tăng và giữ ổn định. Trong đó, khối DN FDI có 47,8% DN dự báo đơn hàng mới tăng, tiếp đến là khu vực DNNN với 43,4% DN, DN ngoài nhà nước có 41,8%. Những ngành có tỷ lệ DN dự báo cao là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu với 58,3%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học với 56,1%; công nghiệp chế biến chế tạo khác với 55,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế và ngành sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc thiết bị cùng đạt 50%, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 49,1%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất đạt 48,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan đạt 47,8%; sản xuất xe có động cơ 47,6%; sản xuất trang phục đạt 47,3%; sản xuất và chế biến thực phẩm đạt 46,6%.
LƯỢNG TỒN KHO GIẢM
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuộc điều tra xu hướng SX-KD bao gồm 4.028 DN đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, và số DN thực tế đã trả lời trong quý 3 đạt trên 80%. Những thông tin chủ yếu thu thập từ các DN để phản ánh về xu hướng SX-KD gồm: đánh giá của DN về xu hướng tổng quan tình hình SX-KD, biến động về số lượng đơn đặt hàng và đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng về tồn kho thành phẩm, nguyên, vật liệu; chi phí sản xuất, giá bán bình quân cho một sản phẩm, biến động về quy mô lao động, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Kết quả điều tra được tính toán phản ánh xu hướng SX-KD của quý hiện tại so với quý trước và dự báo xu hướng quý tới.
Theo đó, trong tháng 9/2015, về đơn hàng xuất khẩu: có 80,2% DN cho rằng số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý 3 tăng và giữ ổn định, trong đó 51,7% DN đánh giá ổn định và 28,5% DN đánh giá tăng. Các DN dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý 4 khả quan hơn với 86,9% DN dự báo tăng và giữ ổn định, trong đó số DN dự báo tăng là 37,6%. Xét theo khu vực, các DN FDI dự báo tăng khả quan nhất với 41,5% DN dự báo tăng, DNNN có 29,6% DN dự báo tăng và DN ngoài nhà nước có 35,7% DN cùng dự báo đáng mừng này.
Về tồn kho sản phẩm: Có 21,7% DN đánh giá lượng sản phẩm tồn kho tăng, 47,4% DN cho biết lượng tồn kho giữ nguyên và 30,9% DN cho biết đã giảm khối lượng thành phẩm tồn kho quý 3 so với quý 2. Dự kiến quý 4 tới đây, có tới 50,3% DN giữ dự báo sẽ giữ ổn định lượng hàng tồn kho, 33,5% DN dự báo lượng tồn kho giảm, chỉ 16,2% DN dự báo lượng hàng tồn kho tăng. Trong đó, ngành sản xuất đồ uống có 27,1% DN dự báo tăng, ngành in và sao chép bản ghi các loại có 25% DN dự báo tăng, ngành thuốc, hóa dược và dược liệu có 24,3% DN; ngành điện tử, máy tính có 24,3% DN cùng dự báo này. Các ngành có DN dự báo giảm là ngành thuốc có 66,7% DN, ngành khoáng phi kim và sản xuất kim loại có 39% DN và ngành kim loại đúc sẵn có 38% DN dự báo giảm.
Về tồn kho nguyên, vật liệu, có tới 80,3% DN đánh giá giữ nguyên và giảm, trong đó có 51,9% DN giữ nguyên, 28,4% DN giảm, trong khi đó chỉ có 19,7% DN đánh giá tăng. Cũng xu hướng đó, dự báo quý 4/2015 cho biết, có 85,1% DN dự báo khối lượng tồn kho giữ nguyên và giảm, trong đó có 564,4% DN dự báo giữ nguyên, chỉ có 14,9% DN dự báo tăng. Về chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm, có 90,3% DN đánh giá chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm chính quý 3 so với quý 2 đã tăng lên và giữ nguyên, trong đó có 26,7% DN đánh giá tăng, chỉ có 9,7% DN đánh giá giảm đi. Dự báo quý 4 có tới 67,7% DN dự báo giữ ổn định chi phí sản xuất, 20,5% dự báo tăng.
DỰ BÁO SK-KD QUÝ 4 KHÁ THUẬN LỢI
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, biến động lao động quý 3 vừa qua cho biết, có 86,9% DN khẳng định quy mô lao động giữ ổn định và tăng, trong đó 70,1% DN khẳng định ổn định, 16,8% DN khẳng định tăng. Xu hướng biến động lao động có chiều hướng tăng lên ở quý 4 khi có 90,8% DN dự kiến tăng lao động, và giữ ổn định. Khu vực FDI dự báo số lượng lao động quý 4 tăng lên và giữ ổn định với 92,6% DN, khu vực ngoài nhà nước là 90,2% thấp nhất là DNNN, nhưng cũng chiếm tỷ lệ cao với 89,4%. Điều này cho thấy có cơ sở vững chắc cho việc tăng hiệu quả hoạt động SX-KD.
Thêm vào đó, về sử dụng công suất máy móc, thiết bị, tỷ lệ bình quân quý 3 là 75,9%, trong đó, khu vực DN FDI có hệ số sử dụng cao nhất với 80,9% công suất, tiếp đến là khu vực DNNN với 77,7% công suất và thấp nhất là khu vực ngoài nhà nước với 73,5% công suất. Những ngành có hệ số cao trên 80% công suất là sản xuất trang phục, da và các sản phẩm liên quan, sản phẩm điện tử, máy tính và quang học. Trong khi đó, có tới 45,6% DN sử dụng từ 70 - 90% công suất, 31,4% DN sử dụng từ 90 - 100% công suất máy móc, thiết bị.
Nhìn chung, với tỷ lệ có tới 80,1% DN đánh giá tình hình SX-KD quý 3 khả quan hơn và giữ ổn định so với quý 2, trong đó có 36,6% DN đánh giá tăng lên và 43,5% DN giữ ổn định, có thể nói tình hình kinh tế đất nước tương đối ổn định, có chiều hướng phát triển tốt. Theo đó, các ngành có dự báo SX-KD quý 4 tốt hơn và khả quan nhất là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu với 67,6% DN xác nhận; ngành sản xuất thuốc và các ẩn phẩm điện tử, máy tính, quang học có 66,1% DN có dự báo lạc quan, còn ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế là 53,8%, sản xuất trang phục là 50,4%, ngành sản xuất và chế biến thực phẩm là 48,8%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan là 48,8%, ngành dệt là 46,7%, ngành cao su và platic là 46,2%. Điều này cũng cho thấy, cơ sở cho đà phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế là khá rõ nét. Không những thế, còn đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra là cao hơn dự báo trước đây như nhận định của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm.
Sông Hồng