Tình trạng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè ở TP. Vinh-Bài 1: Mất mỹ quan, an toàn giao thông đô thị

20/05/2015 07:56

(Baonghean) - Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đô thị ở ta - chuyện tai nghe nhiều, mắt thấy nhiều và những lộn xộn xô bồ ấy tưởng như là “chuyện thường ngày ở phố”, cứ tặc lưỡi cho qua!. Thực tế, thì tình trạng ấy là sự bất chấp các chủ trương chỉ đạo của các cơ quan chức năng, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến an toàn cho người tham gia giao thông trên các tuyến phố. Và, đô thị Vinh loại 1 cũng không nằm ngoài những hệ lụy...

Vi phạm phổ biến

Dạo một vòng các tuyến đường phố trong nội thành Thành phố Vinh, không khó để nhận ra đa số các hành lang an toàn giao thông, vỉa hè đều bị lấn chiếm để phục vụ mục đích cá nhân, chủ yếu là các loại hình kinh doanh khác nhau. Qua quan sát, có thể phân thành hai loại chính: kinh doanh tại chỗ và kinh doanh lưu động. Đối với loại thứ nhất, đó là những hộ sống ở mặt đường, tận dụng khoảng không gian hành lang an toàn giao thông để bày bán, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, xe đạp, xe máy,… từ đó hình thành những tuyến phố “chuyên doanh” có khi quy mô trên dưới 10 hộ sống kề cận.

Lấn chiếm lề đường Xô viết Nghệ Tĩnh (TP. Vinh). (ảnh lớn)
Lấn chiếm lề đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP. Vinh). (ảnh lớn)

Tuy nhiên, những hộ kinh doanh theo hình thức này hầu hết đều có giấy phép kinh doanh, nghiêm túc chấp hành việc đóng thuế và tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông có thể chấp nhận được ở một mức độ nào đó. Nghĩa là, với đặc điểm kinh doanh ổn định, các hộ kinh doanh thường không trưng dụng toàn bộ không gian hành lang mà dành lại một phần nhất định để không ảnh hưởng đến lưu thông dưới lòng đường.

Trong khi đó, loại hình kinh doanh lưu động mới thực sự là vấn nạn kinh niên, khó kiểm soát. Ấy là, những hàng ăn, giải khát hay buôn bán nhỏ vỉa hè, tùy thuộc địa điểm, mặt hàng kinh doanh và thời điểm trong năm, trong ngày... mà có sự biến động ở hình thức và số lượng các hộ kinh doanh kiểu này.

Nếu xét về địa điểm, những nơi tập trung đông hàng quán vỉa hè thường là những tuyến đường lớn, nơi tập trung đông người qua lại như ga tàu, bến xe, trường học, chợ, các điểm vui chơi giải trí,…Xét theo thời gian, buổi sáng có các quán hàng bán đồ ăn phục vụ học sinh hay người lao động như xôi, bánh mướt, cháo, phở,… buổi chiều và tối có các quán ăn vặt, giải khát, quán bia,…

Đối với mặt hàng kinh doanh, tuỳ thuộc vào khu vực mà các hộ kinh doanh “nhanh nhạy” nắm bắt nhu cầu và các dịch vụ, sản phẩm đi kèm như dán vỏ, bán sim điện thoại; bán bánh mỳ ở các cửa ngõ thành phố nơi có xe khách đi qua;… Những loại hình kinh doanh như thế này thường chỉ cần một vài chiếc bàn, ghế và những dụng cụ đơn giản, linh động phục vụ kinh doanh nên tính cố định hầu như không có. Người kinh doanh có thể chỉ bán một vài tiếng đồng hồ trong ngày và thay đổi địa điểm kinh doanh dễ dàng.

Trong thời điểm mùa hè như hiện nay, nổi lên hiện tượng các quán ăn, giải khát vỉa hè “mọc” nhan nhản vào mỗi buổi chiều tối, chiếm giữ gần như toàn bộ nhiều đoạn vỉa hè ở phố lớn, đẩy người đi bộ xuống lòng đường, thậm chí đủ loại phương tiện của khách dừng đỗ cản trở giao thông rất lớn. Đây là nơi lui tới ưa thích của giới trẻ, bởi 3 lý do: thuận tiện cho việc đi lại; đáp ứng nhu cầu giải khát ngày hè và gặp gỡ bạn bè; giá cả phải chăng.

Trong đó, những tụ điểm lớn nhất phải kể đến khu vực sân Bưu điện tỉnh; sân trước Nhà sách Bắc miền Trung; dọc đường Đinh Công Tráng, đường Trường Thi (khu vực đối diện Quảng trường Hồ Chí Minh); đường Quang Trung; khu vực xung quanh sân bóng phường Hưng Bình;… Bạn Trần Thị Xuân Thu, sinh năm 1991, hiện đang là nhân viên Ngân hàng Bảo hiểm tiền gửi Bắc Trung bộ, đang ngồi uống nước với nhóm bạn trên vỉa hè đường Quang Trung, chia sẻ: “Tối nào bọn mình cũng hẹn nhau đi chơi; các địa điểm giải trí trong thành phố thì chưa nhiều, ăn uống trong các nhà hàng, quán cà phê mãi cũng chán. Rủ nhau ra đây ngồi vừa thoáng mát, vừa tiện lợi. Chỉ cần mấy cốc nước và một đĩa hạt hướng dương là tha thồ tán gẫu cả buổi tối rồi”.

Anh Phạm Kiều Hưng, 33 tuổi, trú phường Trường Thi thì cho hay: “Thỉnh thoảng tôi vẫn đưa vợ và con đi công viên, quảng trường, tới rạp xem phim, nhưng thực sự là những điểm giải trí ấy đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Nhiều hôm chán cảnh chen lấn, đông đúc, cả gia đình “tấp” vào hàng giải khát vỉa hè, dân dã nhưng thoáng đãng, thoải mái hơn nhiều. Nếu chọn được địa điểm đẹp như đối diện quảng trường, vườn hoa, công viên thì rất thú”... Lại cũng có người chọn các quán giải khát vỉa hè làm nơi lui tới để… ủng hộ cho việc kinh doanh của bạn bè, người thân của mình. Bạn Q.A, chủ một quán trà chanh trên đường Quang Trung cho biết: “Có nhiều thời gian vào buổi tối nên mình nảy ra ý định mở quán trà chanh. Lợi nhuận không bao nhiêu nhưng cái chính là bạn bè có nơi tụ họp, gặp gỡ. Vừa vui lại vừa lành mạnh, tiết kiệm. Mà vốn để mở quán cũng không nhiều lắm”.

Gọi là quán, nhưng thực ra những hàng giải khát kiểu này thường chỉ cần vài chiếc bàn ghế nhựa, một số loại nước giải khát đóng chai và đồ ăn vặt bán sẵn, cốc, đĩa,…là đã có thể kinh doanh. Nguồn điện chiếu sáng cũng được tận dụng ngay từ các cửa hàng, nhà dân xung quanh, nên người kinh doanh hầu như không mất chi phí lắp đặt cơ sở ban đầu. Nếu vì lý do thời tiết mà nghỉ bán hay đổi địa điểm, thì việc dọn dẹp, vận chuyển cũng rất đơn giản, nhanh gọn. Đó cũng chính là “mô hình” chung của hầu hết các quán kinh doanh ăn uống, giải khát vỉa hè, buôn bán nhỏ lẻ hiện nay. Tuy nhiên, việc kinh doanh như vậy là vi phạm như thế nào?

Khó kiểm soát, xử lý

Giải toả hành lang an toàn giao thông (khu vực Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh).
Giải toả hành lang an toàn giao thông (khu vực Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh).

Ông Nguyễn Tam Kỳ, Chủ tịch UBND phường Lê Mao, nơi có những tuyến đường “nóng” về vấn nạn kinh doanh lấn chiếm vỉa hè như đường Đinh Công Tráng, đường Thái Phiên, đường Hồng Bàng,… khẳng định: “Mọi hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để phục vụ mục đích cá nhân đều vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế để kiểm soát triệt để tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông là một vấn đề nan giải, chỉ có thể kìm chế ở mức độ vừa phải, hạn chế ảnh hưởng thái quá đến các phương tiện lưu thông”.

Cũng theo ông Kỳ, có 2 lý do khiến việc xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông không được triệt để. Lý do thứ nhất là đặc điểm lưu động, không cố định của các hộ kinh doanh, gây khó khăn cho việc kiểm tra, quản lý. Những hộ kinh doanh trên vỉa hè không có giấy phép kinh doanh, có khi đến từ ngoài địa bàn phường nên việc nhắc nhở, quản lý thường xuyên là không thể. Lý do thứ hai là lực lượng của Đội Quy tắc phường - đội trực tiếp thực hiện các đợt ra quân, đẩy đuổi, kiểm soát trật tự hè phố quá mỏng, phương tiện và kinh phí hoạt động còn hạn chế nên hiệu quả hoạt động chưa thực sự cao.

Dưới sự chỉ đạo của thành phố, phường Lê Mao đã tham gia vào liên phường gồm: Hồng Sơn, Lê Mao, Quang Trung, Hưng Bình, Hưng Phúc để phối hợp, điều động lực lượng chung thực hiện ra quân định kỳ ở các phường theo kế hoạch hàng tháng. Ngoài ra, phường cũng phối hợp với Công an thành phố, công an phường và Đội Quản lý trật tự đô thị, tham gia vào các chiến dịch đẩy đuổi, giải toả hành lang an toàn giao thông.

Tuy nhiên, chỉ có thể kìm hãm hiện tượng này ở một chừng mực nhất định hoặc trong những thời gian cao điểm, diễn ra các sự kiện quan trọng. 4 tháng đầu năm 2015, phường Lê Mao đã thực hiện tổng cộng 53 đợt ra quân (tương đương với 53 ngày), xử lý, thu phương tiện kinh doanh, phạt tiền theo quy định... với nhiều hộ, cá nhân kinh doanh trên vỉa hè. Tuy nhiên, ông Kỳ nhận định rằng các biện pháp, động thái trên chỉ như “khuấy ao bèo”...

Ông Đỗ Đình Thông, Phó Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị Thành phố Vinh cũng cho biết: “Hiện nay, có 3 lực lượng đang hoạt động song song, độc lập, nhưng thường xuyên phối hợp với nhau để cùng quản lý trật tự hành lang an toàn giao thông. Đó là: Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố; Đội quy tắc trật tự đô thị thuộc các phường xã; Công an (trong đó có Đội cảnh sát trật tự thuộc Công an thành phố và công an phường). Tuy nhiên, tổng cộng nhân lực của cả 3 lực lượng này chưa đến 200 người, để quản lý chặt chẽ các tuyến phố của 25 phường, xã đang là điều cực kỳ khó”. Ngoài ra, lực lượng này không chuyên trách nhiệm vụ giải toả hành lang giao thông mà chỉ kiêm nhiệm, nên mỗi tháng chỉ có thể duy trì 10 - 15 buổi ra quân đẩy đuổi, dẹp trật tự. “Nhưng chỉ được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Thậm chí chúng tôi vừa đi khỏi, người ta đã lập tức bày bàn ghế bán hàng như không!..”.

Giải pháp xa?...

Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Vinh giải tỏa hành lang đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Vinh giải tỏa hành lang đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Liệu có giải pháp triệt để nào cho vấn nạn này? Nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng kinh doanh nhỏ lẻ, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, có thể thấy đây là hiện tượng cân bằng “cung - cầu”. Bởi một khi người dân còn có nhu cầu giải khát ở những địa điểm thuận tiện, giá cả phải chăng thì sẽ khó có thể dẹp bỏ triệt để các hàng quán vỉa hè.

Đó cũng chính là một phần của quy luật điều tiết, cân đối trong xã hội, tạo việc làm cho một bộ phận người lao động nhất định. Như vậy, câu hỏi đặt ra không hẳn là làm thế nào để dẹp bỏ hoàn toàn các hàng quán vỉa hè - một điều hầu như “bất khả thi” - mà là làm thế nào để tạo điều kiện cho một bộ phận người lao động trong xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân mà không ảnh hưởng đến cảnh quan, trật tự đô thị và an toàn giao thông?

Nên chăng, cần đưa ra những giải pháp hướng tới dân sinh nhưng không phi quy hoạch, như là quy định các tuyến phố cho phép bán hàng ở vỉa hè và những tuyến phố cấm triệt để? Dĩ nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần có sự phối hợp của các cấp, ngành và cơ quan chức năng. Phân nhiệm, phân vùng để xác định rõ ở đâu, lúc nào thì cần tập trung toàn lực giải toả triệt để và điều động lực lượng nào là hiệu quả nhất. Còn nếu tiếp diễn như hiện nay thì các hàng quán vỉa hè tự phát, không có quy hoạch, kiểm soát sẽ là những địa điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ như mất trật tự an ninh đô thị, ô nhiễm môi trường hay một vấn đề “đến hẹn lại “nóng” lên mỗi dịp vào hè là an toàn vệ sinh thực phẩm!

Ngọc Anh - Thục Anh

Mới nhất

x
Tình trạng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè ở TP. Vinh-Bài 1: Mất mỹ quan, an toàn giao thông đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO