Tình yêu thương được trao truyền...

01/10/2014 09:45

(Baonghean) - Bố mẹ công tác huyện xa. Tròn 1 tuổi con được gửi về quê để bà nội chăm sóc. Tuổi thơ con lớn lên bằng nước cơm thêm một chút đường, cháo trắng thêm tý thịt băm, tấm bánh đúc chấm mật bà mua; bằng lời ru à ơi, những tích cổ có hậu bà kể; bằng khoảng trời xanh ngắt, hàng bờ rào mạn hảo vương dây tơ hồng và chiếc sân con lát gạch vuông, bà dạy con chập chững bước đầu tiên; bằng những quả canh giới ngọt thanh, vàng như hạt ngô, quả mận quân ngọt chát đỏ tím trên vòm cây xanh ngắt… Bên bờ ao, mỗi chiều con vẫn ngồi chờ bà đi chợ làng xa. Con đường đỏ chạy dài, băng qua những cánh đồng, hướng về phía núi. Con hay khóc nhè, bà vẫn bảo mai bố, mẹ sẽ đi trên con đường trở về mua bao nhiêu là bánh kẹo cho “chích bông”.

Bố mẹ về thành phố định cư. Con rời vòng tay bà, xa mùi rơm rạ về nhà trẻ thành phố. Đôi guốc mộc nhỏ xíu bà đẽo, con vẫn đi lách cách suốt 2 năm trời sau đó. Cuộc sống gia đình khá dần lên, bữa cơm đã có thịt. Bà thương cháu thỉnh thoảng nhờ o, chú gửi lên bánh trái, con gà, con vịt bà nuôi được ở quê. Vậy mà con nhớ vô cùng bát canh bí nấu tép, đĩa trứng tráng vàng ươm bà rán tuyệt nhiên không bỏ bột ngọt và đượm vị nước mắm. Đến bây giờ con vẫn rất thích những món ăn đó.

Mỗi bữa cơm, bà ăn rất ít, chỉ một bát nhỏ. Con nhỏ dại nên rất “sợ” những bát cơm đầy bà xới cho con. Nỗi “sợ” của con xuất phát từ việc biếng ăn - đứa trẻ 5, 6 tuổi nào cũng vậy. Mỗi bữa ăn thì nhẩn nha, không tập trung song lại sợ bố mẹ mắng vì ăn chậm và làm đổ cơm lên ghế, lên chiếu… Con vẫn nhớ vào một ngày chưa xa: Đến bữa cơm tối, bà lại xới cho con bát cơm đầy. Sợ mất chương trình “Bông hoa nhỏ” vào lúc 19 giờ. Đón bát cơm từ tay bà, con đã gắt gỏng “Xới ri mần răng ăn hết”. Trước lời hỗn phép của con, bà chỉ lặng thinh. Sau bữa cơm, bố đánh con, bà hết lời xin đòn roi cho cháu!

Thêm ít tuổi, được học hành, nghe nhiều chuyện xưa bà kể hơn. Con đã hiểu về bát cơm đầy bà vẫn xới… Xưa, tiếng là con nhà sung túc nhưng bát cơm bà ăn chỉ non nửa, trong bát cơm chủ yếu là khoai khô cắt lát. Một miếng khoai dính ba, bốn hạt cơm. Thức ăn chủ yếu là mắm muối, những con tép mà cố đánh được ở đầm là thứ hiếm hoi… Ngày Tết của bà và bố, o, chú cũng có bánh chưng, bánh tét. Nhưng trong lớp lá chuối, lớp nếp mỏng tang là khoai, là sắn. Nhân miếng chả cuốn làm bằng thịt gỡ từ xương bò, xương lợn trộn với miến, mộc nhĩ. Nhường cơm cho con cháu, bà vẫn mải miết xuống ruộng, chạy chợ phiên với cái bụng đói.

Bây giờ, bà đã xa. Chắt của bà và là con của con, cũng đã bằng tuổi đứa cháu hư ngày xưa lỡ gắt gỏng với bà. Mỗi bữa con không xới cho chắt của bà bát cơm đầy ắp nữa. Con biết bát cơm vơi bao giờ cũng dễ ăn hơn với trẻ. Cơm áo bây giờ đã không còn là nỗi lo, nhưng con không cho phép chắt của bà làm đổ bất cứ hạt cơm nào – hạt cơm từ công sức của những người một nắng hai sương làm ra hạt gạo. Mỗi hạt cơm đều chứa đựng một chút yêu thương trao gửi, là bài học ý nghĩa lớn của bà dành cho con cháu, phải không bà!.

Thanh Sơn

Mới nhất
x
Tình yêu thương được trao truyền...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO