Tình yêu thương thắp sáng ước mơ

18/09/2014 16:38

(Baonghean) - Bố mất cách đây 4 năm do bạo bệnh, mẹ tha phương tìm kế sinh nhai, anh em Vi Văn Tú (1997) và Vi Văn Trường (1999) sống nhờ sự cưu mang, đùm bọc của họ hàng, làng xóm. Điều đáng nói là mặc dù gặp phải nỗi bất hạnh, 2 cậu bé người Thái này đã không buông xuôi theo số phận, và không thôi mơ ước...

Hạnh phúc ngắn ngủi

Con đường về xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) quá gập ghềnh, người dân nơi đây thường nói đùa là đường không có “ổ gà”, chỉ toàn là “ổ trâu”, “ổ voi”. Toàn xã hiện nay có chưa đầy 5 km đường bê tông, đường nhựa gần như “vắng bóng”. Ngôi nhà nhỏ ấy nằm bên tuyến đường lầy lội sau cơn mưa, thuộc địa bàn xóm 11. Chúng tôi đẩy cánh cửa khép hờ, một cậu bé đang ngồi ăn trưa, khẩu phần chỉ là một gói cơm nếp nhỏ. Tay cậu đang băng bó vì mới bị ngã gãy. Cậu bé Vi Văn Trường, học sinh lớp 9, Trường THCS Tiên Kỳ. Nhìn khắp một lượt trong nhà, chỉ có 1 chiếc giường và chiếc ghế băng cũ kỹ. Hỏi về hoàn cảnh gia đình, đôi mắt của Trường chợt rơm rớm, rồi những dòng nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt trẻ thơ. Câu chuyện của cậu hòa cùng nước mắt và chen cả những tiếng nấc nghẹn ngào. “Bố cháu mất từ năm 2010, mẹ đi vào miền Nam làm thuê, anh trai đang học dưới Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Một mình cháu ở nhà...” - Vi Văn Trường mở đầu dòng tâm sự của mình.

Vi Văn Trường học bài.
Vi Văn Trường học bài.

Bố của Trường là Vi Văn Định (sinh năm 1975), mẹ là Võ Thị Lưu (sinh năm 1977). Cuộc sống ở Tiên Kỳ khó khăn, vất vả, vợ chồng anh Định đưa hai con về quê nội ở bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) để làm ăn sinh sống. Nhưng ở nơi xa xôi, heo hút của đất Con Cuông, cuộc sống cũng không có gì khấm khá hơn. Cái đói, cái nghèo vẫn bám riết, có những hôm cả nhà không có đủ cái ăn. Tuổi nhỏ của Trường và anh trai (Vi Văn Tú) là những ngày tháng lăn lóc trên nương hoặc lán canh rẫy, lớn dần trên lưng gầy của mẹ. Thấy hoàn cảnh gia đình Trường khó khăn, bên ngoại bàn bạc để vợ chồng anh Định trở lại Tiên Kỳ làm ăn. Bởi lẽ, họ hàng bên ngoại khá đông, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ, cưu mang.

Thế là gia đình nhỏ của Trường khăn gói trở lại nơi mình đã ra đi, tiếp tục với công việc cày sâu, cuốc bẫm. Được họ hàng giúp đỡ, cuộc sống có phần đỡ vất vả, khó khăn hơn. Căn nhà cũ bị mối xông sắp đổ, tấm lợp bị thủng từng mảng, những ngày mưa, nước lênh láng khắp nền. Vợ chồng anh Định được ngân hàng cho vay 16 triệu đồng và được anh em hỗ trợ làm lại căn nhà xây, lợp ngói với diện tích khoảng 40m2. Chưa thể gọi là rộng, nhưng là niềm vui của tất cả các thành viên trong gia đình. Từ đây, không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa to, gió lớn, không còn cảnh ôm đồ đạc sang gửi nhỏ hàng xóm...

Nhưng rồi, sống trong ngôi nhà mới chưa lâu, nợ nần vẫn chưa trả hết, gia đình bé nhỏ ấy đã phải rơi vào cảnh ly tán. Đầu tiên là anh Vi Văn Định - người trụ cột của gia đình ra đi đột ngột sau cơn bạo bệnh, bỏ lại người vợ và hai đứa con thơ. Mất đi người chồng, mất đi chỗ dựa, chị Võ Thị Lưu hoàn toàn gục ngã, tưởng chừng như không thể nào gượng nổi. Suốt mấy tháng trời, chị thẫn thờ như người mất hồn, suốt mấy đêm không ngủ vì xót xa, vì nghĩ đến những tháng năm phía trước. Chị biết, nếu trụ lại ở quê nhà, với sức vóc của một người phụ nữ, chị không thể làm việc để kiếm đủ cái ăn cho cả 3 mẹ con. Chưa kể, khoản nợ ngân hàng và những người họ hàng vẫn còn đó. Vậy là chị Lưu quyết định vào miền Nam kiếm sống, tích cóp tiền gửi về cho các con và dành dụm để trả nợ. Ngày chị bước chân ra đi, Tú và Trường cứ ôm chặt lấy chân mẹ khóc nức nở. Người mẹ như tan nát cõi lòng. Đã mấy lần định quay vào nhà, nhưng rồi nghĩ đến cảnh các con đói khát, chị Lưu lại quyết ra đi. Trên chuyến xe vào Nam, người mệt lả, nhưng nước mắt chị cứ trào ra...

Mẹ vào Nam kiếm sống, anh em Tú, Trường ở nhà tự lo tất cả mọi việc, từ cơm nước đến học hành. Trong thoáng chốc, hai cậu bé họ Vi đã mất đi tình yêu thương của người cha, thiếu vắng sự quan tâm của người mẹ. Nỗi bất hạnh giáng xuống cuộc đời hai đứa trẻ quá sớm, tựa như những mầm non trong cơn bão tố bất ngờ. Tiền mẹ gửi về tháng có, tháng không, nên cái ăn hàng ngày, hàng tháng của Tú và Trường khá bấp bênh. Tháng nào mẹ không có tiền gửi về, hai đứa ở nhà lâm vào cảnh bữa no, bữa đói. Có lúc, mấy ngày liền ăn không đủ no, khuya về cái bụng cứ sôi réo. Các dì bên ngoại và hàng xóm giúp đỡ bằng cách đem đến cho ít gạo và thức ăn, nhưng không thể làm thường xuyên, bởi ai cũng phải lo cho gia đình mình. Thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sách vở, nhưng Tú và Trường vẫn thường xuyên đến lớp, chăm chỉ học hành, được thầy cô, bạn bè yêu mến và quan tâm giúp đỡ. Năm 2013, tốt nghiệp THCS, Vi Văn Tú thi đậu vào Trường THPT - DTNT tỉnh, người dân xã Tiên Kỳ xem đây là một “kỳ tích”. Vì lẽ, được vào học ngôi trường này là niềm mơ ước của bao con em đồng bào dân tộc thiểu số khắp toàn tỉnh, không ít gia đình có điều kiện nhưng con cái vẫn không thể lọt vào!

Vươn lên từ yêu thương

Hơn 1 năm nay, anh trai xuống học ở Thành phố Vinh, một mình Vi Văn Trường ở trong căn nhà trống trải. Khi xưa, gia đình còn 4 thành viên, ngôi nhà có thể hơi chật. Nay ở một mình, Trường cảm thấy nó quá rộng, một phần vì không có thứ đồ đạc gì, một phần vì thiếu hơi ấm tình thương... Cũng như trước đây, cái ăn hàng ngày của cậu nhờ vào số tiền mẹ gửi về và sự hỗ trợ của họ hàng, làng xóm. Giờ đây, một buổi đến trường, buổi còn lại, ai thuê việc gì Trường đều nhận để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Người trong xóm thường thuê cậu chăn trâu, cuốc cỏ, đào hố trồng cây - những công việc vừa sức. Khi chúng tôi đến, Trường vừa mới bị gãy tay mấy ngày nên không đi làm thêm được việc gì. Chi phí thuốc thang, chạy chữa do vợ chồng bà Võ Thị Hoàng là chị gái của mẹ chu cấp. Còn bữa trưa hôm đó là do bà Lan, một người hàng xóm đem sang.

Tiền điện hàng tháng Trường dùng được gia đình bên cạnh trả giúp. Nhìn cảnh sống côi cút và thiếu thốn của Trường, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ, dù ít dù nhiều. Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, chủ nhiệm lớp cho biết: “Ở lớp, Trường là một học sinh ngoan, lễ phép và có ý thức trong học tập. Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phải sống tự lập, nhưng em vẫn luôn nỗ lực vượt lên”. Vi Văn Trường chia sẻ: “Thiếu cái ăn, cái mặc, phải sống một mình lâu dần rồi cháu cũng quen. Cháu chỉ sợ những đêm mưa gió, mất điện, thấy xung quanh quá trống trải và lạnh lẽo. Những lúc như thế, cháu rất muốn khóc. Nhưng phải cố nén lại...”. Rồi cậu kể về những giấc mơ, ngôi nhà chợt bừng sáng, bố và mẹ đi xa về mang theo bao nhiêu là đồ đạc, nào ti vi, bàn ghế, sách vở, áo quần và ôm lấy cậu vỗ về, cưng nựng.

Tiếng con chim lạc đàn đã làm cậu tỉnh giấc, xung quanh vẫn lặng ngắt như tờ, bóng đêm đang bao phủ khắp núi rừng, làng bản. Lần khác, cũng trong đêm khuya vắng, cậu mơ màng nghe tiếng gõ cửa, rồi tiếng của mẹ gọi tên mình. Tung chăn bật dậy mở cửa, cậu chỉ nghe tiếng gió lùa và tiếng suối chảy xa xa. Bà Võ Thị Hoàng, dì ruột của Trường cho biết: “Đã mấy lần, vợ chồng chúng tôi bảo chuyển đồ sang ở với gia đình, để có thể thường xuyên chăm lo, nhưng nó không chịu. Có lẽ, nó không muốn ngôi nhà của mình thiếu vắng hơi người”. Hỏi về niềm mơ ước, Trường bộc bạch: “Cháu muốn được học lên, sau này có nghề nghiệp, giúp đỡ mẹ”.

Vi Văn Tú.
Vi Văn Tú.

Rời Tiên Kỳ, chúng tôi trở về Thành phố Vinh và đến Trường THPT DTNT tỉnh tìm gặp Vi Văn Tú. Cậu học trò này có thân hình gầy gò, nước da hơi tái, nhưng có cặp mắt rất sáng và khuôn mặt toát lên vẻ thông minh. Khi biết chúng tôi vừa ở Tân Kỳ xuống, Tú liền chia sẻ: “Nghe nói em Trường ở nhà bị ngã gãy tay, nhưng cháu không về thăm được. Không biết hôm nay em đã đỡ hơn chưa?”. Sau tiếng thở dài, Tú nói mà nước mắt rưng rưng: “Nhà giờ chỉ còn 3 mẹ con, nhưng mỗi người ở một nơi. Cháu được học ở đây cũng tạm ổn rồi, không phải lo gì nhiều. Chỉ thương mẹ đi làm xa vất vả, thương em phải ở nhà một mình và tự lo liệu lấy mọi việc”. Sở dĩ Tú nói bản thân mình tạm ổn vì khi vào học trường DTNT, cậu được Nhà nước chăm lo gần như mọi khoản, từ chỗ ăn, chỗ ở đến sách vở. Thi thoảng, mẹ gửi về cho cậu vài ba trăm ngàn để mua quần áo, nhu yếu phẩm và tài liệu tham khảo.

Năm học này, Tú lên lớp 11, sở trường của cậu là các môn khoa học tự nhiên. Trong mắt các thầy cô giáo và bạn bè, Vi Văn Tú là cậu học trò ngoan ngoãn, hiền lành, học lực khá. Đặc biệt, từ khi bước vào trường, cậu là một lớp trưởng gương mẫu, nhiệt tình, năng động và có uy tín, được thầy cô yêu quý, được bạn bè tin tưởng. Hỏi về mơ ước tương lai, cậu tâm sự: “Còn gần 2 năm nữa cháu mới tốt nghiệp THPT. Cháu quyết định sẽ đăng ký dự thi vào Trường Sỹ quan Lục quân để sau này trở thành một sỹ quan giỏi”.

Qua liên lạc, chúng tôi được biết chị Võ Thị Lưu (mẹ của hai đứa trẻ) hiện đang làm công nhân may mặc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng tháng, chị làm việc cật lực, liên tục tăng ca nhưng thu nhập cũng chỉ được khoảng 4 triệu động. Chi phí thuê trọ, ăn uống đắt đỏ, rồi phải dành dụm tiền trả nợ làm nhà nên không còn được mấy tiền gửi về cho các con. Những tháng đau ốm, phải lo thuốc thang, không thể tăng ca, tiền lương ít sẽ không có để gửi về. Chị Lưu nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Đi làm ăn xa, bỏ các con ở nhà, tôi cũng đau lòng lắm, nhưng trước mắt chưa có cách nào khác. Tết vừa rồi tôi cũng không về được, phải dành tiền để gửi về cho hai đứa. Nhiều đêm, tôi thức trắng và khóc, khóc vì thương nhớ các con, chúng còn nhỏ dại quá...”.

Gia đình chị Lưu giờ mỗi người một nơi, nhưng họ luôn nhớ và nghĩ đến nhau. Sự sẻ chia, đùm bọc của họ hàng, làng bản, thầy cô, bè bạn và toàn thể cộng đồng sẽ làm sáng mãi tình yêu thương và sự gắn bó. Đây chính là động lực giúp các thành viên trong gia đình, đặc biệt là anh em Tú - Trường có đủ nghị lực, sức mạnh để vượt lên khó khăn, đến với ước mơ...

Công Kiên

Mới nhất
x
Tình yêu thương thắp sáng ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO