Tít tắp đồng vừng...

17/07/2014 11:00

(Baonghean) - Em đưa tôi về vùng đất bãi ngang, xã Diễn Trung (Diễn Châu) một ngày nắng nóng. Bắt gặp những cánh đồng vừng đương mùa ra hoa, dài ngút tầm mắt. Nhiều lưng áo ướt đẫm mồ hôi, nhấp nhô nón trắng đang miệt mài làm cỏ vừng. Tôi nắm tay em, nhìn những bông hoa vừng tím nhạt đung đưa trong gió, lòng vời vợi nhớ quê...

Bà Hồ Thị Tuyết, xóm 9, xã Diễn Trung (Diễn Châu) chăm sóc cánh đồng vừng.
Bà Hồ Thị Tuyết, xóm 9, xã Diễn Trung (Diễn Châu) chăm sóc cánh đồng vừng.

Ngày còn nhỏ, vào cuối mùa hạ, cánh đồng vừng bắt đầu ra hoa. Lũ trẻ chúng tôi thường chơi trốn tìm trong cánh đồng vừng có màu hoa tím nhạt ấy mặc cho nắng hè như đổ lửa. Để đến khi vãn cuộc vui, tay chân đứa nào đứa nấy lấm láp nhớt vừng, múc dăm bảy gàu nước rửa không sạch. Bà Thị Ngộ, nhà bên nhìn chúng tôi cười, rồi vẫy tay gầy gọi chúng tôi lại: "Cây vừng giòn lắm, sơ ý là gẫy thôi. Người dân quê mình sống nhờ vào mùa vừng cho hạt, đặt tất cả niềm tin, hy vọng vào mùa vừng. Các con được học hành, có cơm ăn áo mặc cũng nhờ một phần từ cánh đồng vừng này đây. Vì vậy, phải nhớ không được chơi trốn tìm ở cánh đồng vừng nữa nhé". Nói rồi, bà Ngộ lần lượt rửa sạch tay chân cho mỗi đứa. Sau này, tôi mới biết tại sao mỗi lần người dân quê tôi lội vào cánh đồng vừng, nhất là khi cây vừng vào mùa đơm hoa, kết hạt rồi thu hoạch, ai ai cũng vận chiếc áo mưa mỏng trên mình. Mỗi mùa vừng chín, bọn trẻ chúng tôi lại sang nhà bà Ngộ giúp bà nhặt trái vừng, làm sạch hạt vừng.

Mùa thu hoạch, sân nhà ai cũng trải đầy cây vừng, những trái vừng có màu vàng, to bằng đốt ngón tay người lớn, hình chữ nhật có răng cưa. Vừng trải dài dưới nắng hè cho đến lúc quả vừng khô, người dân quê tôi mới bắt đầu lựa quả vào thúng, lấy từng vốc bỏ sang một cái mẹt chà lấy hạt. Làm vừng rất cầu kỳ, bởi hạt nhỏ, phải làm cẩn thận mới sạch cát, sạch vỏ. Vì vậy, sau khi đã lựa hạt ra, người ta lại sảy đi sảy lại nhiều lần, sảy cho đến khi bốc nắm vừng bỏ vào lòng bàn tay, dùng ngón tay đưa đi đưa lại không thấy hạt cát, mới cất vừng vào chum hoặc đem bán.

Quê tôi có nghề đi biển và nghề làm ruộng, làm muối. Nhà tôi không có ruộng, chỉ sống bằng nghề biển khơi. Vào mùa vừng chín, bà Ngộ lại đem biếu bà con làng biển chúng tôi mỗi nhà một bơ đã được giã nhỏ thơm phức. Lần đầu tiên biết đến món vừng cũng là của bà Ngộ đem cho. Ăn vừng mùa đông hay mùa hè đều ngon đến lạ, ăn mãi không chán. Ngoài mùi thơm phức, vừng còn có vị béo, bùi mà không ngấy, đặc biệt không hề có sạn cát. Tôi đã hiểu, vì sao người dân trồng vừng như bà Ngộ cất công cầu kỳ ngồi làm sạch từng hạt là vậy.

Hồi ấy, quê tôi thường đem vừng bán vào mỗi dịp năm học mới. Bà Ngộ bảo, khi ấy có tiền bán vừng để mua sách giáo khoa, may quần áo cho con, cháu bước vào năm học mới. Không ai bán hết vừng mà chỉ bán đủ số tiền mình cần, đến khi cần mới bán tiếp. Quê tôi nhà nào cũng vậy cả, hạt vừng làm ra chủ yếu dùng để thay thức ăn, biếu anh em gần xa, chỉ khi quá túng thiếu mới đem bán.

Mẹ tôi thường mua về giã nhỏ làm thức ăn. Mỗi buổi đi học về, chị em tôi vào bếp lục bát cơm nguội, rải thìa vừng đen lên bát cơm ăn ngon lành. Giã vừng không hề dễ chút nào, một tay giã, một tay che miệng cối. Hồi ấy, chưa có cối xay như bây giờ, người dân quê giã vừng bằng cối đá, chày gỗ. Giã được vài cân mất cả đêm tròn. Điều đặc biệt, khi rang vừng, giã thì người đi ngoài cổng đều biết trong nhà đang giã vừng. Không phải tiếng thình thịch của chày mà là mùi thơm của vừng sau khi đã rang chín tỏa mùi thơm phức. Hạt vừng ngon thì đã đành nhưng để khi ăn vừng ngon phải kể đến "tay" rang vừng. Vì hạt nhỏ li ti nên người rang vừng phải biết cách hãm lửa, nếu lửa to quá dễ cháy. Vì vậy, người dân quê tôi thường dành củi để rang vừng. Rang nhiều thành quen, chỉ cần nghe mùi thơm của là biết vừng đã chín.

Dịp này, em đưa tôi về thăm quê em bãi ngang Diễn Trung nắng gió. Nhìn cánh đồng vừng ngút tầm mắt đương mùa ra hoa, kết trái tôi lại da diết nhớ quê hương. Cánh đồng vừng Diễn Trung càng về chiều càng nhiều nón trắng nhấm nhô, vạt lưng áo ướt dẫm mồ hôi, ai cũng đang say sưa làm cỏ vừng. Tôi và em cứ cuốn theo cánh đồng mãi cho tới lúc người phụ nữ tuổi ngoài 50 nở nụ cười tươi dưới vành nón trắng gọi tên em: "Cháu mới về à?". "Ô, dì Tuyết!". Em vội khoe: "Nhờ những ruộng vừng này mà các người con của dì Tuyết đều vào đại học, có việc làm ổn định ở Vũng Tàu đó anh!".

Quê em còn nghèo, nhưng ấm áp tình người. Tôi thấy được điều đó từ trong đôi mắt em, khi em giã cả lọ vừng đen thơm phức đem đến cho tôi. Em bảo: "Vừng quê em vừa mới trẩy, em làm cả buổi trưa cho anh đó".

Mẹ em từ trong bếp bước ra, đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu. Người mẹ lấm đầy bột gạo, vừa lấy khăn lau mồ hôi, mẹ rối rít mời chúng tôi vào nhà, rót nước, chuyện trò rất vui: "Mẹ đang làm bánh đa vừng, ngày mai bố vào Vinh, chị dâu con mê món này lắm". Rồi mẹ trách yêu con gái mình: "Răng về mà không gọi điện báo trước với mẹ. Cha đi biển rồi".

Lần đầu tiên mẹ em gặp tôi mà như thân quen đã lâu. Mẹ múc thau nước bảo tôi rửa mặt rồi trao tôi cốc nước. Mẹ em bảo: "Nước vừng đen nấu với đậu tằm và gạo đó, uống tốt lắm đó. Loại nước ni khi đói uống cũng chẳng can chi". Ở vùng bãi ngang này ai cũng uống nước vừng. Đơn giản thôi, lấy một nắm gạo, chút đậu tằm, chút vừng đã rang chín đem bỏ vào phích nước đã đun sôi đổ vào rứa là có “chè” vừng uống cả ngày. Bữa cơm trưa có món rau, củ, quả chấm với muối vừng đen thơm ngon đến lạ. Lâu lắm rồi, tôi mới được ăn muối vừng, uống nước vừng. Mẹ em cứ tíu tít khoe chuyện làng, chuyện xóm, chuyện cánh đồng vừng nhà này tươi tốt, nhà kia sai hoa, trông mẹ em thật vui khiến tôi cũng vui theo. Mẹ còn khoe: "Mùa vừng năm ngoái bán trúng giá lắm. Vừng đen 35 đến 37 nghìn đồng/1kg. Giờ chủ yếu bà con làm vừng đen cả, tỷ lệ dầu cao nên nhiều người mua. Người mua về bán lại cũng nhiều, người mua về ăn, làm quà cũng nhiều, hầu hết bán vừng tại nhà. Mùa vừng về làng quê rộn ràng không kể hết, nhà nhà thu hoạch vừng, lựa vừng, phơi vừng kín sân...”.

Rồi cũng vãn ngày được ở với mẹ, với quê em. Chúng tôi sắp những chiếc bánh đa vừng do chính tay mẹ tráng nướng và cả những lọ vùng mẹ đã rang giã nhỏ để đưa vào thành phố cho chị dâu, làm quà cho đồng nghiệp, niềm vui đong đầy trong mắt mẹ... Chúng tôi đi trên con đường trải dài trước mắt bạt ngàn cánh đồng vừng. Em hít hà từng làn gió đẫm vị quê nhà và cứ ngoái đầu nhìn lại mãi những cánh đồng vừng trải dài tít tắp, thấy dáng quê mình ở đó...

Thu Hương

Mới nhất
x
Tít tắp đồng vừng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO