Tổ chức Công đoàn Nghệ An sát cánh cùng doanh nghiệp
(Baonghean.vn) - Trong đại dịch, sự đồng hành và sẻ chia khó khăn của tổ chức công đoàn với doanh nghiệp càng trở nên ý nghĩa, giá trị. Đây là nền tảng cho sự gắn kết ngày càng bền vững, phát triển trong tương lai.
SÁT CÁNH TRONG GIAN KHÓ
Là một trong những địa phương có diễn biến dịch phức tạp, thời gian qua, tình hình kinh doanh, sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn tại Nghệ An rơi vào giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ: Sản xuất đình trệ, đơn hàng bị chậm tiến độ, kinh phí vận hành đội lên để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, những khủng hoảng tinh thần của người lao động...
Công đoàn KKT Đông Nam thăm hỏi và nắm bắt tình hình kinh doanh sản xuất và phòng chống dịch tại các doanh nghiệp. Ảnh: PV |
Trong thời điểm vô cùng nhạy cảm đó, cùng với Nhà nước và các tổ chức chính trị khác, tổ chức công đoàn đã có nhiều hoạt động quan tâm, chia sẻ với doanh nghiệp. Tại Nghệ An, không chỉ chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động, các cấp công đoàn còn hỗ trợ, sát cánh cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Đó không chỉ là những chỉ đạo sát sao trong đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; Không chỉ là những suất quà hỗ trợ cho nhiệm vụ “3 tại chỗ”; Không chỉ là những chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động – “tài sản vô giá” của doanh nghiệp...
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua, nhận thấy vấn đề sản xuất và vắc-xin cho công nhân, lao động là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các doanh nghiệp, Công đoàn Diễn Châu đã có kiến nghị, đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn được quay lại sản xuất sớm hơn dự kiến và ưu tiên tổ chức tiêm vắc-xin cho tất cả các công nhân, lao động. Đưa ra đề nghị này, bản thân những cán bộ công đoàn LĐLĐ huyện Diễn Châu cũng phải nỗ lực hết sức trong phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo các kế hoạch diễn ra một cách an toàn, thuận lợi nhất.
Chương trình tiêm vắc-xin Covid-19 cho gần 12.000 công nhân tại các công ty doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: PV |
Chỉ trong 3 ngày (từ 4-6/10), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Diễn Châu cùng với Liên đoàn Lao động huyện đã phối hợp tổ chức chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đồng loạt cho gần 12.000 công nhân tại các công ty doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện. Chương trình đã nhận được sự hoan nghênh từ tất cả những đơn vị tham gia bởi sự quyết liệt, chu đáo và cẩn thận trong tổ chức.
Tương tự, tại nhiều địa phương có đông doanh nghiệp như Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Đô Lương..., công đoàn cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho công nhân, lao động. Anh Lê Đình Thọ - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Chương cho biết: “Với vai trò là cán bộ công đoàn, cũng là thành viên của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện, trong quá trình tổ chức tiêm cho công nhân, chúng tôi đã cố gắng sắp xếp để đảm bảo lịch tiêm không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ kinh doanh, sản xuất và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp”.
Cán bộ công đoàn LĐLĐ thị xã Cửa Lò gắn danh sách các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động trước cổng các khu cách ly tập trung trên địa bàn thị xã. Ảnh: PV |
Trước và sau dịch, vấn đề tuyển dụng lao động cũng là một trong những khó khăn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị FDI với vốn đầu tư lớn và nhu cầu lao động cao. Trong vai trò kết nối, Công đoàn Nghệ An đã sớm bắt tay vào giải quyết vấn đề cung – cầu giữa lao động hồi hương từ các tỉnh, thành khác với doanh nghiệp trên địa bàn. “Chúng tôi đã trực tiếp khảo sát nhu cầu tuyển dụng của từng doanh nghiệp, tập hợp số liệu và cung cấp cho nhân dân, người lao động thông qua các hình thức như truyền thanh xã, dán thông báo, các nhóm zalo...” – ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu chia sẻ.
Hiện tại, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã tổng hợp số lượng công nhân cần tuyển dụng, yêu cầu công việc, ngành nghề hoạt động của các doanh nghiệp trên toàn tỉnh và LĐLĐ thị xã Cửa Lò đã dán thông tin này tại các điểm cách ly tập trung có đông lao động hồi hương trên địa bàn thị xã. “Vì công đoàn là tổ chức của người lao động và có cơ hội tiếp xúc nhiều với nhiều đối tượng lao động nên khi được tổ chức công đoàn đứng ra hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tuyển dụng cao hơn” – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Haivina Kim Liên (Nam Đàn) chia sẻ.
TỪ CHÂN THÀNH ĐẾN THẤU HIỂU
Được lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm, tặng quà nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) vừa qua, ông Kim Hyung Joo – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Havina Kim Liên (Nam Đàn) không giấu được niềm vui và sự tự hào. Ông nói: “Thời gian dịch bệnh vừa qua chúng tôi thật sự rất khó khăn. Nhưng may mắn là doanh nghiệp chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các cấp công đoàn trong ổn định tình hình sản xuất, phòng, chống dịch cũng như chăm lo cho công nhân. Tôi thật sự rất biết ơn điều này. Đó chính là món quà quý giá nhất mà chúng tôi được nhận từ các vị”.
Các cấp công đoàn Nghệ An đã thăm tặng quà cho 113 doanh nghiệp trên toàn tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 vừa qua. Ảnh: PV |
Chia sẻ của ông Kim Hyung Joo cũng chính là chia sẻ của Akihiko Rakusui - Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MLB Tenergy (Yên Thành), bà Cho Me Yong - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Kido Vinh (Đô Lương)... và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp khác. Với họ, công đoàn không chỉ là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, không chỉ giải quyết những vụ đình công... Công đoàn đã là người bạn lớn với nhiều mối quan tâm chung và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tại các địa phương, sự kết nối, đồng hành giữa LĐLĐ các huyện, thành, thị với doanh nghiệp trên địa bàn còn gần gũi hơn nữa. Tại huyện Thanh Chương, LĐLĐ huyện thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ cả những doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn. Anh Lê Đình Thọ chia sẻ: “Với tôi, doanh nghiệp và công đoàn chính là người một nhà, vị thế ngang bằng nhau với những thành viên chung là công nhân, lao động. Tôi sẵn sàng giúp đỡ họ những việc trong khả năng của mình một cách chân thành và không bao giờ đòi hỏi họ phải giúp lại mình. Với những doanh nghiệp chưa hiểu về vai trò của tổ chức công đoàn thì sự giúp đỡ, đồng hành đó lại càng phải vô tư, trách nhiệm”.
Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và công đoàn mang lại nhiều giá trị cho người lao động nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: PV |
Từ những lần thăm hỏi, những sự tư vấn giải quyết rắc rối trong quan hệ lao động, hướng dẫn làm các thủ tục giấy tờ..., những cán bộ Công đoàn LĐLĐ huyện Thanh Chương dần có được sự tin tưởng của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vì thế mà tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn, chủ động đóng kinh phí công đoàn mà không cần thuyết phục. Trong Đại hội khóa II của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại huyện Thanh Chương vừa qua, Chủ tịch LĐLĐ huyện đã được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành, Thư ký của hội. Sự tín nhiệm này giúp cán bộ công đoàn có cơ hội được đến gần hơn với doanh nghiệp, dễ dàng nắm bắt tình hình và triển khai các hoạt động chăm lo cho người lao động.
Chia sẻ về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và công đoàn, chị Nguyễn Thị Thu Hà – Chuyên viên Hệ thống chất lượng kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP May Minh Anh Kim Liên (KKT Đông Nam) nhấn mạnh: “Một doanh nghiệp quan tâm, gắn kết với tổ chức công đoàn sẽ có được rất nhiều lợi ích. Trước hết là người lao động được chăm sóc tốt hơn; từ đó, tinh thần làm việc của công nhân hăng hái hơn, năng suất cao hơn; hình ảnh thương hiệu của công ty trong mắt người lao động và nhân dân cũng tốt hơn...”.
Lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ sự biết ơn trước sự đồng hành, chia sẻ của tổ chức công đoàn trong khó khăn. Ảnh: PV |
Cũng theo chị Hà, để mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động ngày càng gắn kết, chủ doanh nghiệp phải nhận thức đúng tầm quan trọng của tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn phải là những người có trách nhiệm, tâm huyết và năng lực, các hoạt động phối hợp phải có sự minh bạch, rõ ràng.