Tổ quốc gọi tên mình!

06/06/2014 10:15

(Baonghean) - Trong tiết trời oi bức của ngày đầu tháng 6, bầu không khí tuổi trẻ cùng chung tay hướng về biển đảo quê hương tại Trường Quân sự Nghệ An như càng nóng hơn. Những bàn tay nắm lấy những bàn tay, hàng triệu trái tim đang cùng nhịp đập hướng về biển đảo quê hương. Đó cũng chính là thông điệp mà chương trình Giao lưu: Tuổi trẻ Nghệ An với biển đảo quê hương muốn gửi gắm…

Mở đầu chương trình là lời bài hát “Tôi đang lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”, như lời hiệu triệu hàng ngàn con tim khối óc bùng cháy một khát khao được làm việc gì đó có ý nghĩa góp phần giữ gìn lãnh hải thiêng liêng. Những cảm xúc như nghẹn ngào khi nghe anh Võ Trung Tao, người đã tham gia giải phóng Trường Sa năm 1975 kể lại: “2h sáng ngày 22/4/1975, phân đội của chúng tôi mang số hiệu 125 được lệnh lặn xuống nước và đánh áp vào đảo Song Tử Tây, chỉ sau 2 giờ chúng tôi đã giành được chủ quyền của hòn đảo này. Trên đà chiến thắng, tôi và các đồng đội tiếp tục giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết. Khi đã giành được chủ quyền Trường Sa, tôi và 17 đồng đội được giao nhiệm vụ ở lại trên đảo Sinh Tồn để tôn tạo lại cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Không thể nói hết những tự hào, những thiêng liêng trong những ngày đầu giành lại chủ quyền…”.

Ân cần thăm hỏi thân nhân các liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma.
Ân cần thăm hỏi thân nhân các liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma.

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Những tưởng, nhân dân ta được sống trong hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước phát triển. Nhưng ở biển khơi, với tham vọng của mình, Trung Quốc đã thực hiện các hành vi chiếm đóng một số đảo chìm, các bãi đá thành căn cứ quân sự, để có thể đặt chân vào khu vực Trường Sa. Lúc này quân đội ta lại phải đứng trước những thử thách trong nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải Hoàng Sa – Trường Sa. Anh Lê Hữu Thảo, người trực tiếp chiến đấu vào ngày 14/3/1988, lúc đó là Tiểu đội trưởng, trực tiếp chỉ huy các chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma, xúc động nhớ lại: “Khi theo dõi diễn biến trên Biển Đông tôi không khỏi dâng trào cảm xúc căm hờn khi nhớ đến sự hy sinh của 60 chiến sỹ quân đội ta vào ngày 14/3/1988.

Ngày ấy các chiến sỹ ta chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, nhưng vẫn một lòng kiên trung bám biển. Tôi còn nhớ liệt sỹ Đậu Văn Tư ở Nghi Yên – Nghi Lộc trước giờ hy sinh còn nói với tôi “Thưa đồng chí, tôi sẵn sàng nhận lệnh”, chỉ sau ít phút anh đã bị tàu Trung Quốc nã súng, máu anh nhuộm đỏ một vùng biển xanh…”. Dưới khán đài em dâu của liệt sỹ Đậu Văn Tư cũng có mặt tay vân vê vạt áo, nước mắt chực trào: “Trước đó, anh có viết thư về cho bố mẹ tôi: Con đang phải đi làm nhiệm vụ ngoài đảo, ít lâu nữa con về thôi. Ở nhà bố mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, em trai hãy thay anh chăm sóc bố mẹ nhé, lúc nào về anh sẽ thưởng to… Vậy mà đợi mãi vẫn không thấy anh về…”.

Trong những tấm gương kiên trung thời bình có hình ảnh những người phụ nữ “đảm việc nước, giỏi việc nhà” để chồng yên tâm canh giữ nơi đảo xa. Trong những tấm gương đó có chị Nguyễn Thị Tuyết, vợ Thiếu úy Nguyễn Trung Thành – xóm Thái Bình – Phúc Thọ (Nghi Lộc), một mình chị với 2 đứa con thơ dại, với 2 sào lúa đang vào vụ gặt, lại phải đảm nhận nhiệm vụ nữ y tá Trạm xá xã. Từ hơn 2 tháng nay không nhận được tin tức của chồng nơi đảo xa, lòng chị không khỏi lo lắng. Nhưng mỗi khi mẹ chồng chị dò hỏi: “Con có nhận được tin tức của thằng Thành không, chị đều nói dối: Anh vẫn khỏe mẹ à”. Đêm giao lưu như lắng lại khi nghe đoạn hội thoại của chị Tuyết với chồng: “Em có khỏe không? Anh vẫn khỏe bố mẹ và em cùng các con đừng lo lắng nhé”; “Anh cũng yên tâm, ở nhà bố mẹ, em và các con vẫn khỏe”, “à, anh ơi …”. Những câu nói ngắt quãng, nghẹn ngào, những khoảng lặng chất chứa bao nhớ mong, thương yêu… Tin vui đến với chị Tuyết khi người dẫn chương trình thông báo: “Thiếu úy Nguyễn Trung Thành vừa được tặng bằng khen của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vì những hành động dũng cảm, tham gia xử lý thành công nhiều tình huống phức tạp trên vùng lãnh hải nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981…”.

Các CCB Trường Sa giao lưu với tuổi trẻ Nghệ An
Các CCB Trường Sa giao lưu với tuổi trẻ Nghệ An

Có mặt trong buổi giao lưu, ngư dân Nguyễn Văn Bình, dân quân biển Nghi Hải – TX. Cửa Lò, chia sẻ mộc mạc: “Chúng tôi lên án hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc với ngư dân, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và chúng tôi sẽ cương quyết bám biển. Anh em chúng tôi sẽ đoàn kết, các tàu sẽ liên kết lại để bảo vệ nhau. Chúng tôi nguyện làm cột mốc trên biển”.

Dưới khán đài rất nhiều bạn trẻ mắt ngấn nước, dõi lên màn hình, lòng dâng lên niềm tự hào và cả sự quyết tâm “thế hệ trẻ hôm nay nguyện sẽ noi gương các anh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc… ”- Bạn Trương Thị Minh Tâm – sinh viên Đại học Y khoa Vinh chia sẻ.

Anh Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Trong những ngày qua tuổi trẻ tỉnh nhà đã có nhiều việc làm, hành động thiết thực cùng hướng về biển đảo quê hương. Hơn bao giờ hết những ngày này các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, hành động nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tin mãnh liệt của thế hệ trẻ vào truyền thống giữ nước của dân tộc ta. Bằng những hành động, những việc làm cụ thể tuổi trẻ Nghệ An sẽ cùng đồng hành với lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển đang ngày đêm gìn giữ từng tấc đất nơi đảo xa”.

Đón nhận những món quà ý nghĩa của tuổi trẻ Nghệ An trong buổi giao lưu hôm nay Thiếu tá Nguyễn Hồng Quế, Đảng ủy viên Cảnh sát biển vùng 1, Chính trị viên Hải đội 102 khẳng định: “Đất liền hãy yên tâm! Đã có chúng tôi, những người Cảnh sát biển mưu trí ngày đêm bám trụ ngoài lãnh hải, sẽ không có thế lực nào lay chuyển nổi lòng yêu nước của dân tộc ta… ”.

Chương trình giao lưu đến hồi kết, nhưng triệu triệu trái tim đã, đang và luôn luôn hướng tới Biển Đông. Bài hát cất lên: “Cùng siết chặt tay cùng hướng tới tương lai” như thôi thúc, như giục dã: Khi Tổ quốc cần, tuổi trẻ luôn sẵn sàng...

Khôi Nguyên - Thành Duy

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Tổ quốc gọi tên mình!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO