Tòa án LHQ bác bỏ cáo buộc diệt chủng của cả Croatia và Serbia

03/02/2015 22:48

(Baonghean.vn) - Ngày 3/2, Tòa án Công lý Quốc tế đã bác bỏ cáo buộc diệt chủng từ Serbia và Croatia trong cuộc chiến tranh ly khai khỏi Nam Tư của Croatia.

Chính phủ Croatia cáo buộc Serbia đã phạm tội diệt chủng ở thị trấn Vukovar và nhiều nơi khác vào năm 1991. Serbia sau đó đã đệ đơn yêu cầu phản tố đối với việc trục xuất hơn 200.000 người Serbiara khỏi Croatia.

Khoảng 20.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh từ năm 1991 đến 1995, chủ yếu là người Croatia.

Khoảng 20.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến giành độc lập của Croatia (Ảnh: Reuters)
Khoảng 20.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến giành độc lập của Croatia (Ảnh: Reuters)

Thị trấn Vukovarcủa Croatia đã bị tàn phá khi bị người Serbia chiếm đóng trong ba tháng vào năm 1991. Hàng vạn người Croatia đã buộc phải di tản, và khoảng 260 người đã bị bắt giữ và giết chết. Bốn năm sau đó, “Chiến dịch Bão táp” của quân đội Croatia đã oanh tạc hầu hết diện tích của khu vực Krajina thuộc Serbia, khiến khoảng 200.000 người bị mất nhà cửa.

Phát biểu tại tòa án hôm thứ Ba 3/2, Thẩm phán Peter Tomka đã bác yêu cầu bồi thường của cả Croatia và Serbia.

Hàng vạn người Serbia đã bị mất nhà cửa sau “Chiến dịch Bão táp” của quân đội Croatia  (Ảnh: AFP)
Hàng vạn người Serbia đã bị mất nhà cửa sau “Chiến dịch Bão táp” của quân đội Croatia (Ảnh: AFP)

Lực lượng hai bên đã thực hiện nhiều hành vi bạo lực trong chiến tranh, thẩm phán Tomka cho biết. Tuy nhiên, không bên nào có thể cung cấp đầy đủ bằng chứng để chứng minh "mục đích cụ thể cần thiết đối với hành vi diệt chủng của mình".

Croatia đã đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế - tòa án tối cao của Liên Hợp Quốc - vào năm 1999, cáo buộc Serbia, lúc đó do Tổng thống Slobodan Milosevic nắm quyền, đã nhắm mục tiêu vào dân tộc người Croatia trong cuộc xung đột.

Họ muốn Serbia phải bồi thường thiệt hại "về người và tài sản cũng như nền kinh tế và môi trường của Croatia".

Trong năm 2010, Serbia đã phản ứng với đơn kiện của Croatia bằng một đơn kháng cáo, và nói rằng dân tộc Serbia đã bị trục xuất khi Croatia thực hiện các hành động nhằm chiếm lại lãnh thổ bị chiếm giữ bởi người Serbia vào năm 1995

Phóng viên BBC Anna Holligan tại thành phố Den Haag, Hà Lan cho biết tội diệt chủng là hình thức nghiêm trọng nhất và khó khăn để chứng minh nhất trong số các tội ác quốc tế.

"Sự thanh lọc sắc tộc không phải là tội diệt chủng", thẩm phán Tomka nói trong phán quyết của mình chống lại tuyên bố của Serbia.

"Hành vi thanh lọc sắc tộc có thể là một phần của một kế hoạch diệt chủng nhưng chỉ khi có ý định nhằm tiêu diệt hoàn toàn nhóm mục tiêu của mình."

Thẩm phán Peter Tomka (giữa) đã bác yêu cầu bồi thường của cả Croatia và Serbia (Ảnh EPA)
Thẩm phán Peter Tomka (giữa) đã bác yêu cầu bồi thường của cả Croatia và Serbia (Ảnh EPA)

Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic trước đó mô tả bản án có lẽ là "một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với mối quan hệ song phương với Croatia".

"Nó có thể sẽ là sự kết thúc cho một quá trình đã kéo dài 15-20 năm và sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến của cả hai bên trong việc chứng minh ai là kẻ tội phạm nguy hiểm nhất", ông nói với các phóng viên vào ngày Chủ Nhật vừa rồi.

Bộ trưởng Tư pháp Croatia, ông Orsat Miljenic trước đó cho biết mục tiêu chính của chính phủ là "trình bày những gì đã xảy ra trong chiến tranh và đó chính là sự xâm lược đối với Croatia".

Quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng trong năm 2012 quốc gia Serbia đã tức giận khi Chỉ huy của “Chiến dịch Bão táp”, ông Ante Gotovina, đã được xóa tên khỏi các cáo buộc của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Tuần trước, trước khi bản án diễn ra, 1 cư dân của thị trấn Vukovar, Kata Lozancic nói với hãng tin Reuters, cô tin rằng tội ác diệt chủng đã từng diễn ra trong thị trấn của mình. "Tất cả mọi thứ từ các địa điểm văn hóa và thiên nhiên cho tới con người, tất cả đã bị phá hủy" cô cho biết.

Một người tị nạn ở Serbia đã bày tỏ sự bất bình trước tuyên bố chính phủ của Croatia. "Họ đã trục xuất người Serbiachúng tôi, và bây giờ họ nói rằng mình không phải là tội phạm, mà là chúng tôi," cô nói với hãng tin Reuters.

Phạm Tiến Hoàn (Theo BBC)

Tòa án LHQ bác bỏ cáo buộc diệt chủng của cả Croatia và Serbia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO