Tọa đàm giới thiệu sách: Xây dựng, phát triển văn hóa đọc
(Baonghean) - Sau thành công của các buổi tọa đàm giới thiệu sách tạo được dấu ấn đáng chú ý: “Kỷ niệm văn chương”, tác giả Hồ Phi Phục; “Đỗ Lai Thúy - Từ “Chân trời có người bay” đến “Vẫy vào vô tận” với câu chuyện trí thức Việt Nam”... đến nay, các đơn vị phối hợp thực hiện quyết định sẽ tổ chức định kỳ mỗi tháng một buổi tọa đàm sách. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS - TS Phan Huy Dũng - Phó Chủ nhiệm khoa Sư phạm Ngữ văn (Trường Đại học Vinh) - đơn vị đồng phối hợp tổ chức, người trực tiếp tham gia các buổi tọa đàm với tư cách là một diễn giả.
Phóng viên: Thưa PGS – TS Phan Huy Dũng, ông có thể cho biết những cảm nhận của mình về hình thức Tọa đàm giới thiệu sách mà khoa Sư phạm Ngữ văn, Nhà Xuất bản Trường Đại học Vinh, Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã và đang phối hợp thực hiện?
PGS-TS Phan Huy Dũng: Theo tôi, Tọa đàm giới thiệu sách là một hoạt động thực sự cần thiết. Trước hết, nó cần thiết cho các bên phối hợp tổ chức. Đối với khoa Sư phạm Ngữ văn, ĐH Vinh thì đây là một dịp để người ta biết nhiều hơn về khoa: ngoài đào tạo, nghiên cứu, khoa còn có những việc làm có ý nghĩa khác nữa phục vụ cho hai hoạt động mũi nhọn kể trên. Với Tạp chí Văn hóa Nghệ An hay Nhà Xuất bản Đại học Vinh, đây là dịp để các đơn vị khẳng định ý nghĩa tồn tại của mình trên phạm vi, lĩnh vực hoạt động được giao, khẳng định trách nhiệm trước công chúng và toàn xã hội.
PGS-TS Phan Huy Dũng (đứng) trao đổi tại buổi Tọa đàm giới thiệu sách của tác giả Đỗ Lai Thúy. |
Với các tác giả được giới thiệu sách, tọa đàm tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với công chúng, bạn đọc, để lắng nghe những ý kiến nhận xét, đánh giá về tác phẩm của mình. Qua giao lưu, sự “hiểu biết lẫn nhau” giữa tác giả và độc giả được thiết lập, duy trì; những thông tin phản hồi từ phía công chúng được tác giả nắm bắt, từ đó, có thể có những điều chỉnh cần thiết.
Thông qua những buổi tọa đàm này, độc giả có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các tác giả, các “nhà chuyên môn”. Từ đó, nhu cầu tìm đọc các tác phẩm được giới thiệu hay có liên quan sẽ hình thành và được kích thích. Các cuộc tọa đàm không chỉ có ý nghĩa đối với người trực tiếp tham gia mà còn có khả năng tạo được cộng hưởng rộng rãi hơn một khi nó được đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhìn từ đây, có thể thấy Tọa đàm giới thiệu sách là hoạt động thực sự cần thiết đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc.
Phóng viên: Theo ông, hình thức Tọa đàm giới thiệu sách có ý nghĩa như thế nào đối với việc định hướng văn hóa đọc trong đời sống hiện nay?
PGS-TS Phan Huy Dũng: Có thể nói rằng việc tổ chức tọa đàm giới thiệu sách cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu, hướng tới mục đích lớn là phục vụ cộng đồng, xây dựng, phát triển văn hóa đọc. Trước khi tọa đàm, tác giả và ấn phẩm được giới thiệu có thể chưa được nhiều người biết, dễ bị chìm khuất giữa vô vàn tác giả, ấn phẩm khác. Nội dung tọa đàm cũng vậy. Khi chưa nêu lên, nó có thể chưa được người ta nhìn nhận là “vấn đề” cần phải quan tâm. Qua những gì trao đổi tại tọa đàm, người ta sẽ thấy rõ đâu là vấn đề “nóng”, thực sự có ý nghĩa.
Nói cụ thể hơn, thông qua tọa đàm, công chúng sẽ được gợi ý về tọa độ sách cần đọc. Sách thì nhiều và sách nào cũng có đủ lý do cần ra mắt, cần được đọc. Tuy nhiên, với độc giả, văn hóa đọc chỉ hình thành khi họ xác định được vùng sách phải ưu tiên đọc. Sau đó, phạm vi sách được đọc sẽ mở rộng dần cùng với sự mở rộng hiểu biết về các vấn đề hữu quan.
Thực tế mà nói, chất lượng của buổi tọa đàm cao hay thấp, gợi ý tích cực của buổi tọa đàm nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào chất lượng các ý kiến phản biện, trao đổi. Ví như buổi tọa đàm về hai cuốn sách của Đỗ Lai Thúy. Vấn đề xác định khái niệm trí thức, trí thức Việt Nam, vấn đề thân phận của trí thức khi được nêu lên, được thảo luận tập trung sẽ lập tức hướng độc giả nghĩ tới những cuốn sách về trí thức cần tìm đọc như “Trí thức Nga” của Nhà Xuất bản Tri thức, nghĩ tới các cuộc tranh luận trên báo chí gần đây về danh xưng trí thức, nghĩ tới những sáng tác mà ở đó nhân vật trí thức được quan tâm thể hiện của Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Anh Thái,... Như vậy, tọa đàm về một cuốn sách cụ thể là bước khởi động tích cực, hướng độc giả rộng rãi tìm tới nhiều cuốn sách khác nữa để có được một cái nhìn tổng quan về vấn đề được bàn.
Các cuộc tọa đàm còn có ý nghĩa tư vấn cách đọc, cách phát hiện vấn đề, cách lĩnh hội những tư tưởng, luận điểm, cốt lõi của sách, của tác giả. Những điều tác giả phát biểu về cuốn sách của mình trong cuộc tọa đàm rất cần được lắng nghe, dù chúng thực chất cũng chỉ là một ý kiến giữa vô số ý kiến. Đối với người đọc, những thông tin về quá trình viết sách và điều tác giả trăn trở giúp ta có thêm cứ liệu để hình thành luận điểm đánh giá của mình.
Tham mưu về cách đọc gắn liền với tham mưu về cách bày tỏ thái độ, ý kiến đối với sách. Đến với các cuộc tọa đàm là đến với những cuộc trao đổi nhã nhặn mà thẳng thắn với tinh thần tôn trọng người đối thoại, tôn trọng những ý kiến khác biệt. Đây hẳn nhiên là một gợi ý tích cực cho việc xây dựng văn hóa tranh luận vốn rất có vấn đề hiện nay ở ta. Giữa văn hóa đọc và văn hóa tranh luận có mối quan hệ chặt chẽ. Có đọc thì mới có tranh luận và có tranh luận thì hoạt động đọc mới đạt tới chiều sâu cần thiết. Tất cả đều cần một sự hành xử có văn hóa, đạt chuẩn mực.
Văn hóa đọc không chỉ là chuyện đọc nhiều sách mà còn là chuyện chọn đúng sách để đọc và hình thành thói quen bộc lộ ý kiến một cách có văn hóa. Đọc, theo góc độ nào đó cũng chính là việc tìm kiếm thông tin và học cách xử lý thông tin từ trong sách.
Độc giả đến dự tọa đàm giới thiệu sách của tác giả Hồ Phi Phục. |
Phóng viên: Được biết, sau 3 lần tổ chức tọa đàm giới thiệu sách thành công, các bên phối hợp đã quyết định sẽ tổ chức đều đặn theo định kỳ một tháng một buổi tọa đàm. Ông đánh giá như thế nào về “tiềm năng” tác giả, tác phẩm, vấn đề để lựa chọn tổ chức tọa đàm một cách lâu dài?
PGS-TS Phan Huy Dũng: Tôi cho rằng tiềm năng phát triển của hoạt động tọa đàm giới thiệu sách là rất lớn. Có nhiều tác phẩm hay cần được giới thiệu để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nhu cầu nhận thức, nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng. Dĩ nhiên tôi đang đề cập mảng sách được xuất bản bằng con đường chính thống. Trước yêu cầu của xu thế hội nhập và hòa giải, hòa hợp dân tộc, trước sự cần thiết phải xóa đi những mặc cảm để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm phát triển đất nước, trách nhiệm của giới phê bình, nghiên cứu trong việc giới thiệu tác giả, giới thiệu sách đến với công chúng khá nặng nề. Vẫn còn nhiều mảng sáng tác, nhiều tác phẩm của nhiều tác giả ở các vùng miền và các giai đoạn khác nhau có đóng góp đối với lịch sử văn học Việt Nam cần được soi chiếu bằng ánh sáng của trí tuệ, khoa học để nhìn nhận rõ các giá trị đích thực.
Bên cạnh việc giới thiệu tác phẩm cụ thể, còn rất nhiều nội dung có thể tổ chức tọa đàm như: nhận diện, cắt nghĩa các xu hướng tìm tòi trong văn học; lý giải các khuynh hướng tiếp nhận hay nhu cầu thưởng thức của độc giả hiện nay... Ví như tại sao bây giờ trên các giá sách lại tràn ngập truyện ngôn tình? Hoặc tại thời điểm này nên tìm đọc cái gì, tác phẩm nào? Các vấn đề về thái độ và trách nhiệm của người trí thức trước thời cuộc, hay giới hạn thế hệ của văn nghệ sỹ mỗi giai đoạn, thời kỳ... Đó thực sự là những nội dung có “tính vấn đề”, luôn khơi gợi nhu cầu tìm hiểu, nhận biết, trao đổi.
Ngay hoạt động sáng tác của các tác giả Nghệ An từ xưa đến nay vẫn tiềm tàng nhiều vấn đề có thể lựa chọn làm nội dung tọa đàm. Và cần khẳng định tọa đàm là hoạt động nhằm tôn vinh những tìm tòi, suy nghĩ mới, tôn vinh ý thức dấn thân của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình vì tương lai tốt đẹp của văn hóa, văn học Việt Nam. Đây không phải là nơi thể hiện tinh thần “cánh hẩu” hay thái độ bè phái, cũng không phải là nơi xưng tụng riêng cá nhân nào, mà là nơi gợi mở những cách thức, phương pháp tiếp cận đúng đắn đối với văn hóa, văn học, đối với sách, trên tinh thần phụng sự vô tư.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS-TS Phan Huy Dũng!
Ngô Kiên (Thực hiện)