Tôn tạo di tích nhà thờ họ - Cần đúng Luật Di sản

05/03/2014 09:54

(Baonghean) - Những năm gần đây, rất nhiều dòng họ đã tiến hành trùng tu, xây mới nhà thờ họ với mong muốn nơi thờ cúng tổ tiên dòng tộc được khang trang, to đẹp hơn. Tuy nhiên, điều đó đã ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, đánh giá để xếp bằng công nhận nhà thờ họ là di tích lịch sử - văn hóa.

Làm lễ tôn tạo nhà thờ họ Hồ (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sỹ Minh
Làm lễ tôn tạo nhà thờ họ Hồ (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sỹ Minh

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Quang (Nam Anh – Nam Đàn), xưa kia nhà thờ họ rất quy mô, thờ từ ông tổ Nguyễn Quang Thục và 4 người con của dòng họ từng theo vua Quang Trung đánh trận và đã hy sinh. Trải thời gian nhà thờ này xuống cấp dần, đồ tế khí mất hết… Đầu năm 2013, cả họ họp bàn và quyết định xây dựng lại nhà thờ. Và chỉ trong vòng 3 tháng, từ huy động con cháu khắp nơi được hơn 100 triệu đồng, dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 nhà thờ họ Nguyễn Quang được xây mới khang trang, to đẹp hơn trên nền đất xưa và khuôn viên được mở rộng hơn do gia đình ông Nguyễn Quang Xuân (xóm 4, Nam Anh) đã hiến hơn 30m2 đất vườn. Ông Xuân phấn khởi cho biết: “ Bằng sự nhất trí cao, tự nguyện đóng góp, nhà có điều kiện góp nhiều, nhà khó khăn hơn góp ít hơn; khó khăn quá thì đóng góp ngày công... đến nay, nhà thờ họ được xây dựng lại khang trang như thế này; cả dòng họ phấn khởi, những người già như chúng tôi thì thấy được vậy là an lòng”.

Cũng Tết năm Giáp Ngọ này, con cháu dòng họ Nguyễn Bá (xóm 2, Xuân Lâm, Nam Đàn) được về đón Tết ở ngôi nhà thờ họ được hoàn thành tháng 10/2013. Ông Nguyễn Bá Dương ở xóm 2 Xuân Lâm, cho biết: “Bao nhiêu năm qua nhà thờ họ chật chội, thấm dột, ẩm ướt, mỗi dịp giỗ tổ, con cháu ở xa về thắp hương lại áy náy không an tâm và rồi đã bàn bạc cách huy động nhanh nhất nguồn công đức của con cháu để xây mới lại nhà thờ”. Được biết, nhà thờ họ Nguyễn Bá chi Xuân Lâm là nơi thờ cúng tổ tiên, các bậc có công trong dòng họ Nguyễn Bá, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Bá Sáu từng tham gia cách mạng tiền khởi nghĩa…

Việc tôn tạo, xây dựng lại nhà thờ họ hiện nay đang được các dòng họ ở Nghệ An nói riêng hết sức quan tâm, trăn trở nhằm đáp ứng tâm nguyện trong con cháu. Đã có nhiều dòng họ xây mới nhà thờ trị giá lên đến tiền tỷ. Ví như ở Diễn Châu có nhà thờ họ Trương – Diễn Kỷ xây dựng hết 1,6 tỷ đồng; nhà thờ họ Vũ làng Đông Thanh – Diễn Mỹ 2 tỷ đồng… Sau khi tôn tạo, xây mới nhà thờ họ khang trang, to đẹp hơn; căn cứ gia phả, di tích nhà thờ họ và quy định của Nhà nước, nhiều dòng họ lại có mong muốn nhà thờ họ mình được công nhận di tích lịch sử văn hóa. Ông Nguyễn Quang Vinh, 85 tuổi, là con cháu dòng họ Nguyễn Quang ở xóm 4, Nam Anh, Nam Đàn, cho hay, sau khi xây mới nhà thờ tổ, ông đã dịch hết cuốn gia phả của dòng họ, sau khi biết rõ ông Tổ là vị tướng có công giúp Nguyễn Huệ - Quang Trung dẹp giặc, ông làm các tờ trình trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét để nhà thờ dòng họ được cấp bằng di tích văn hóa – lịch sử. Nhưng cũng như nhiều nhà thờ họ khác, hiện nay nhà thờ họ Nguyễn Quang của ông Vinh có phần tích (tức là đang thờ cúng những người có công với dân với nước) nhưng phần di sản (gồm nhà thờ, sắc phong, hương án …) lại không giữ được. Trong khi, theo Luật Di sản, thì một di tích được công nhận trước tiên phải đảm bảo đầy đủ cả hai phần trên. Sau khi các ngành liên quan kiểm tra thấy có đủ điều kiện làm hồ sơ, thì cán bộ di tích mới hướng dẫn cho dòng họ các thủ tục tiếp theo. Chính vì không hiểu rõ Luật Di sản mà rất nhiều nhà thờ họ tự động phá dỡ nhà thờ cũ, xây mới hoàn toàn, như vậy là đã phá bỏ phần di sản – phần quan trọng trong công tác bảo tồn, để gìn giữ giá trị di tích.

Trao đổi với ông Phan Văn Hùng – Phó Ban quản lý di tích và danh thắng Nghệ An, được biết hiện nay thực trạng di tích nhà thờ họ trên địa bàn tỉnh đang đặt ra cho các nhà quản lý nhiều trăn trở. Bởi đa số các di tích này đều giao cho con cháu trong dòng họ quản lý, bảo vệ và đương nhiên kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích đều do con cháu trong dòng họ đóng góp. Vì thế, nhiều dòng họ đã không thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa, là trùng tu tôn tạo lại sai nguyên tắc (làm to hơn, biến đổi di tích hoặc trưng bày đồ tế khí không phù hợp). Ngoài ra một số dòng họ sau khi trùng tu, tôn tạo nhà thờ đều mong muốn nhà thờ dòng họ mình được cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa, trong khi thực tế dòng họ đó chưa đủ cơ sở để công nhận, khiến cho cán bộ làm công tác quản lý rất mất thời gian trong quá trình kiểm tra, giải thích.

Như thế, vấn đề đặt ra ở đây là dù từ nguồn kinh phí nào thì khi trùng tu, tôn tạo các di tích nói chung phải trình xin ý kiến của các ban, ngành liên quan. Đối với một số di tích nhà thờ dòng họ cũng vậy, không thể vì lý do kinh phí là của nhân dân thì nhân dân có quyền trùng tu thế nào là tùy ý, vì như thế vô hình trung đã làm biến dạng di tích và vi phạm Luật Bảo tồn, tôn tạo di tích.

Thanh Thủy

Mới nhất
x
Tôn tạo di tích nhà thờ họ - Cần đúng Luật Di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO