Tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013: Thiếu vắng người trồng lúa
Những ông vua không ngai
Chỉ nghe xướng tên và một vài dòng thành tích, đã thấy thật đáng nể: “Vua tôm” ĐBSCL Võ Hồng Ngoãn; “vua kéo cắt tỉa” Tiền Giang - Lê Phước Lộc; “vua mít không hạt” Cần Thơ - Trần Minh Mẫn… Sáng chế máy bắt muỗi vừa góp phần phòng bệnh cho người và gia súc, vừa có sản phẩm cho chăn nuôi của ông Trần Văn Lía (Khánh Hòa); Sáng chế búa đập cho thợ rèn nông cụ, tăng năng suất hàng chục lần so với đập búa bằng tay của bà Trần Thị Hòe (Bà Rịa - Vũng Tàu);
Máy cày đa năng dễ sử dụng, trẻ con cũng cày được, làm cho con trâu bị “thất nghiệp” ở miền quê nghèo Đại Lộc (Quảng Nam) của nông dân Lương Minh Đồng.
Sáng chế máy phun thuốc và phân bón lá cho cây cao su, phun cao được tới 25 m… rồi những trang trại thu 80 tỷ đồng/năm ở Thanh Hóa, 20 tỷ đồng ở Nghệ An, 12 tỷ đồng ở Phú Thọ, 10 tỷ đồng ở Hà Tĩnh, Thái Bình… có khi chỉ là hộ SX thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, nhưng lại là cái được đáng nể phục của “ý chí không cam chịu đói nghèo, vừa nỗ lực làm giàu chính đáng cho gia đình mình, vừa quan tâm chia sẻ với những người khó khăn, hoạn nạn, giúp đỡ bà con lối xóm thoát nghèo.
Việc tụ họp nông dân xuất sắc về Thủ đô để vinh danh là việc làm rất đáng trân trọng của những nhà tổ chức. “Trong thời buổi “loạn” giải thưởng này, việc tổ chức một sân chơi cho nông dân như thế này là một cách làm hay, một sáng kiến đáng trân trọng, đáng biểu dương… có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích nông dân VN nhanh chóng đổi mới, tiếp cận thị trường chọn lựa được lợi thế cạnh tranh trong vùng sinh thái của mình…”, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo (Long An) đã nói về chương trình này.
Không có “vua lúa” và nguy cơ thiếu bền vững
Làm nông nghiệp ở nước ta hiện nay quả là gian nan, vất vả, rủi ro. “Đầu vào lộn xộn, đầu ra phập phù”, rồi thiên tai, biến đổi khí hậu… làm cho điệp khúc được mùa - mất giá, trồng - chặt liên tiếp xảy ra, người nông dân rất dễ bị đổ vỡ, tổn thương.
“Vua tôm” xứ Bạc Liêu Võ Hồng Ngoãn đã phải thốt lên: “Doanh nghiệp đầu vào, đầu ra họ không bao giờ lỗ, còn người nông dân ở giữa bị ép đến lòi con mắt. Có khi vụ tôm thắng mà không có đồng lãi nào, vậy mới đau chớ; còn khi con tôm bị bệnh, chết là sạt nghiệp. Nghề khác có thất cũng còn gỡ gạc lại được chút ít, chứ nuôi trồng thủy sản đã mất là trắng tay”.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà lão nông Đặng Văn Hùng ở Tân Biên, Tây Ninh làm 100 ha đất, nhưng chia ra 3 loại: 40 ha trồng cây cao su, 30 ha trồng mía, còn lại 30 ha trồng mỳ (sắn). Ông nói: “Làm vậy không bao giờ trắng tay. Mất thứ này, còn được thứ khác bù lại”.
Không hiểu sao, không có người trồng lúa giỏi nào được lọt vào danh sách vinh danh nông dân xuất sắc năm 2013? Việc những nông dân thông minh, có trình độ đã không chọn cây lúa làm phương tiện làm giàu đã nói lên sự thiếu bền vững không những chỉ với an ninh lương thực mà còn cả với nền nông nghiệp nói chung
Sẽ mãi đồng hành
Phát biểu tại buổi lễ tuyên dương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Nông dân VN chiếm 70% dân số, 50% lực lượng lao động xã hội. Họ đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Thực tế gần đây cho thấy những lúc đất nước gặp khó khăn, thử thách về thì chính nông nghiệp, nông thôn, nông dân lại là khu vực quan trọng nhất giúp đất nước giữ được sự ổn định tình hình, an sinh xã hội, từng bước khắc phục khó khăn, để vượt lên”.
Sáng kiến tổ chức tôn vinh nông dân hàng năm của ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI, Hội Nông dân VN tháng 7 vừa qua là: “Phải tri ân nông dân, không bởi chỉ vì họ là động lực chính của cách mạng mà với doanh nghiệp phân bón như chúng tôi họ còn là khách hàng”, đã ngay lập tức được TW Hội Nông dân VN, Ban Tuyên giáo TW ủng hộ.
Theo (NNVN) - LC