Tổng Bí thư: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ quyết liệt hơn, không ngừng, không nghỉ

Phạm Bằng 30/06/2022 14:15

(Baonghean.vn) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và có hiệu quả như thời gian qua; và trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không ngừng, không nghỉ. 

Kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý trong 10 năm qua

30/06/2022

Sáng 30/6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022.

Tại điểm cầu Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cựcchủ trì hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư; Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 4.100 điểm cầu tại 8 ban, bộ, ngành Trung ương; 63 tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương với sự tham dự của hơn 81.000 đại biểu trên toàn quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản

Hội nghị đã được nghe đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thành uỷ Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao... trình bày các tham luận về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; nêu lên những bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tăng cường, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh, đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng, bàn về những vấn đề liên quan đến "chống giặc nội xâm", giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta, được cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, quan trọng, sâu sắc của các đơn vị, địa phương, mang đến cho hội nghị một tinh thần phấn chấn, đoàn kết, trách nhiệm và thống nhất cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Hội nghị không chỉ có ý nghĩa tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới với quan điểm không ngừng, không nghỉ, làm thật sự trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, "đây là yếu tố quyết định những công việc khác"; làm sao chống sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Cường

Điểm mới là Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Vì thế, đây còn là dịp phổ biến kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho cấp tỉnh học tập, để làm sao "bịt đi những lỗ hổng, chặn đứng những việc làm ti tiện, đớn hèn, vi phạm phẩm chất đạo đức" theo tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Các đại biểu tham gia tại điểm cầu tại Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đã đạt được những kết quả đáng mừng. Qua đó khẳng định rằng, công tác này đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể quan trọng, toàn diện để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ, trong xã hội, thực sự trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận.

Tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta, khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. "Chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và có hiệu quả như thời gian qua".

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo các địa phương tham dự Hội nghị. Ảnh: Phạm Cường

Để đạt được những kết quả đó, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp.

Sự nỗ lực quyết tâm của các cơ quan tham mưu, của cấp uỷ, tổ chức, Đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tố tụng từ Trung ương đến địa phương. Sự cộng hưởng của các kết quả, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí; sự đồng lòng, khích lệ của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, một số ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao; chưa có sự chuyển biến mạnh; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù" hung ác, gây nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Xử lý cả hành vi bao che, dung túng cho tham nhũng

Qua thực tiễn 10 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lên nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, sự quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tổng Bí thư cho rằng, phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Vì vậy, phải có thái độ cương quyết, không khoan nhượng, phải hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người được giao chức vụ không ngừng rèn luyện, tự soi, tự sửa, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm soát hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo các địa phương tham dự hội nghị tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: Phạm Cường

"Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn, bất kể đó là ai", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và nhấn mạnh "ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm".

Nhấn mạnh quan điểm, phòng chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm", Tổng Bí thư cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng vô cùng phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, không ngừng ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự với một bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Để xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không muốn tham nhũng"; xây dựng cơ chế đảm bảo để "không cần tham nhũng".

Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự Hội nghị. Ảnh: Phạm Cường

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không thể chủ quan, thoả mãn, né tránh, cầm chừng. Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Trong đó, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện là chìa khoá quan trọng. Để phòng ngừa, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.

Ngoài xử lý các hành vi tham nhũng thì cần xử lý cả hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng. Tiến hành đồng bộ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý hành chính và xử lý hình sự. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng phải xứng đáng làm công tác phòng, chống tham nhũng, phải giữ mình, phải trong sáng.

Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự Hội nghị. Ảnh: Phạm Cường

Nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh quan điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng là tiếp tục xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, hành vi bao che tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

"Từ những kết quả, kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đạt được hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của Nhân dân. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải vững", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh./.

Tổng Bí thư: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ quyết liệt hơn, không ngừng, không nghỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO