Tổng cục Thủy lợi làm việc với Sở NN & PTNT Nghệ An
(Baonghean.vn) - Sáng 14/8, đoàn công tác Bộ NN&PTNT do đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT Nghệ An về vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 625 hồ đập, là tỉnh có số lượng hồ đập nhiều nhất cả nước (chiếm 10% số lượng hồ đập cả nước). Tuy nhiên, phần lớn các hồ đập có thời gian sử dụng từ 30- 50 năm, quá trình sử dụng ít được đầu tư tu bổ, không an toàn trong những tháng cao điểm mùa mưa. Nhiều bộ phận như thi công công trình, phần đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ, hệ thống kênh mương... qua hàng chục năm sử dụng và khai thác cũng đã có những dấu hiệu xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu.
Trong khi đó, công tác phân cấp quản lý cũng còn những bất cập, chồng chéo khiến việc nâng cấp, tu bổ, phân công trách nhiệm gặp nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, sự cố vỡ đập đã không ít lần xẩy ra ở những hồ đập có dung tích nhỏ, phần lớn do địa phương (huyện, xã quản lý), gây ra những thiệt hại về kinh tế cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh cùng cán bộ Sở NN&PTNT thăm công trường thi công đập Thạch Tiền (Hưng Nguyên).
Tại buổi làm việc, đại diện Sở NN&PTNT Nghệ An đã nêu lên những bất cập trong công tác quản lý, đó là số lượng hồ đập lớn nhưng địa hình, giao thông vào các hồ đập bị chia cắt; việc mua sắm vật tư tại chỗ thiếu kinh phí khiến công tác PCLB tại các hồ đập rất khó khăn. Công tác vận hành tại một số hồ đập cũng chỉ làm theo kinh nghiệm, cảm tính do thiếu các hồ sơ thiết kế, thông số kỹ thuật... Bên cạnh đó, việc xâm chiếm hành lang an toàn hồ đập hiện nay đang diễn ra khá phổ biến, công tác xử lý chưa được làm triệt để...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng, ngoài việc làm tốt công tác phân cấp quản lý, Sở NN&PTNT Nghệ An cần thực thi tốt pháp luật về an toàn hồ chứa. Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ đang rất quan tâm. Hiện nay, vốn để xây dựng các công trình đang khan hiếm, các địa phương cần chủ động với nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nội lực để đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn. Đồng thời làm tốt công tác kiện toàn ban chỉ huy, trực ban nghiêm túc khi có sự cố xẩy ra; lựa chọn đơn vị khảo sát thiết kế, thi công đủ năng lực; xây dựng phương án PCLB ở các hồ chứa, chú trọng di dân vùng hạ lưu... Về một số vướng mắc trong phân cấp quản lý, thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi sẽ có ý kiến đề xuất để các địa phương phân cấp quản lý theo cơ chế mở, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng các hồ đập...
Sau buổi làm việc, đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi đã đi kiểm tra tình hình thi công đập Thạch Tiền tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên.
Hoàng Long