Tổng thống Benigno Aquino: Nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc
(Baonghean) - Việc đưa được vụ kiện ra Tòa trọng tài Liên Hợp quốc về "đường lưỡi bò" đã là một thành công đáng kể. Chưa dừng lại đó, chính quyền Manila tiếp tục quyết định tăng chi tiêu quân sự kỷ lục trong năm tới. Đó chính là những nỗ lực đáng ghi nhận của Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Benigno Aquino sinh ngày 8/2/1960, sau cuộc bầu cử năm 2010 với vai trò là người đại diện của đảng Tự do, ông được người dân tín nhiệm giữ chức cao nhất của đất nước Philippines. Là con trai duy nhất của cựu Tổng thống Corazon Aquino, trước khi bước vào chính trường, Benigno Aquino tốt nghiệp Trường Đại học Ateneo de Manila và từng bị thương trong cuộc đảo chính bất thành khi mẹ ông đang đương nhiệm chức Tổng thống. Năm 1998, ông được bầu vào Hạ viện với vai trò là người đại diện cho quận 2 của tỉnh Tarlac trong Quốc hội thứ 11 của Philippines. Vào năm 2007, ông được bầu làm Thượng nghị sỹ.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á ở Tokyo (Nhật Bản) hôm 3/6. |
Ngay khi còn nhỏ, ông đã gặp phải biến cố khi cha của ông (Benigno "Ninoy" Aquino, Jr là Phó Thống đốc tỉnh Tarlac) bị bắt và bị cáo buộc tội "ủng hộ việc phá hoại chính quyền bằng sức mạnh và vũ lực". Ninoy bị đem ra xử trước tòa án binh ở Fort Bonifacio tháng 8/1973. Ngày 25/8/1973, Ninoy viết một lá thư căn dặn con trai trong đó có đoạn: "Lời khuyên duy nhất cha dành cho con đó là sống tự trọng và có lương tâm. Không có nơi nào tốt đẹp hơn Tổ quốc của chúng ta. Không ai tuyệt vời hơn nhân dân của chúng ta. Hãy phục vụ họ bằng con tim, ý chí và tất cả sức mạnh của con. Con trai, cuộc sống đang ở trong tay của con". Và sau này, trong cuộc sống hay con đường hoạt động chính trị cũng như khi đã trở thành người lãnh đạo cao nhất đất nước Philippines, lời căn dặn của cha đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của ông. Mà cụ thể là việc Tổng thống Benigno Aquino đang nỗ lực lật chiếc “mặt nạ” của Trung Quốc khi nước này ngày càng bộc lộ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc ông thể hiện quyết tâm như vậy?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhận thấy rằng nguyên nhân xuất phát từ sai lầm của Bắc Kinh. Đó là việc nước này đã ngang nhiên đưa ra tấm bản đồ “hình lưỡi bò” phi pháp và phi lý “quét” đến hơn 80% diện tích Biển Đông và những tuyên bố chủ quyền hung hăng sau đó của nhiều nhà lãnh đạo cũng như học giả Trung Quốc trên các kênh ngoại giao, truyền thông... Sau đó, được đà lấn tới đến mức khó có thể chấp nhận được, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn ở Philippines, trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng, bồi đắp trái phép hàng loạt công trình có khả năng dùng cho mục đích quân sự ở Biển Đông được xem là một bước đi đẩy mọi thứ lên quá giới hạn của sự chịu đựng. Các nước lâu nay vốn chỉ dừng lại ở sự chỉ trích Trung Quốc hiểu rằng, nếu tiếp tục để mọi việc diễn ra như trong thời gian qua thì Trung Quốc sẽ ngày càng tiến gần sát hơn tới mục tiêu giành quyền kiểm soát ở Biển Đông. Vì thế, hành động đáp trả bằng biện pháp pháp lý là lựa chọn hợp lý nhất để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Và chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino không phải là ngoại lệ.
Trong nỗ lực đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA), giới phân tích cho rằng, đây là một bước đi khôn ngoan của Tổng thống Benigno Aquino và được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Bởi rõ ràng, cái gọi là “bản đồ đường 9 đoạn” mà Trung Quốc chỉ cơ sở để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông. Còn về mặt pháp lý với cơ sở áp dụng là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Trung Quốc đã từng đặt bút ký, có lẽ chỉ những người nghĩ ra nó mới công nhận nó. Thậm chí Tổng thống nước này còn có bài phát biểu cho rằng hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho ông nhớ tới phát xít Đức trước đây. Ông dẫn giải, do các nước lớn châu Âu không thể kịp thời ngăn chặn phát xít Đức từng bước xâm chiếm các nước láng giềng, điều đó làm nổ ra Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Sau khi đã thành công trong việc đưa Trung Quốc ra PCA, khiến giới chức cường quốc số 2 thế giới phải đuối lý và run sợ, bằng chứng là việc Bắc Kinh gần đây nỗ lực kêu gọi Manila “Nên đi đúng hướng, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn”. Biết rằng đàm phán song phương là không thể đối mặt một khi Trung Quốc thường áp dụng các mối quan hệ kiểu nước lớn, Tổng thống Benigno Aquino lại tiến thêm một bước dài nữa thể hiện nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông bằng việc quyết định tăng chi tiêu quân sự kỷ lục trong năm tới lên 25%. Tăng thêm 25% có nghĩa là quân đội Philippines năm 2016 sẽ có 25 tỷ pesos (552 triệu USD) để đầu tư cho việc củng cố chủ quyền của Manila ở Biển Đông. Số tiền này đối với mức chi khổng lồ của Trung Quốc (hơn 130 tỷ USD) là quá nhỏ bé, song cơ sở để Tổng thống Benigno Aquino tin vào việc có thể làm Trung Quốc bớt hung hăng hơn đó là sự ủng hộ của các đồng minh và cộng đồng quốc tế.
Cho đến lúc này, có thể nói dù phán quyết của tòa án thế nào, dù với con số 522 triệu USD sẽ làm sức mạnh quân sự của Philippines mạnh lên đến đâu, nhưng chắc chắn những động thái trên đã buộc Bắc Kinh phải cẩn trọng hơn đối với những tham vọng phi pháp trên Biển Đông. Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa (5/2016) Tổng thống Benigno Aquino sẽ rời khỏi chiếc ghế quyền lực nhất Philippines (Hiến pháp nước này chỉ cho phép mỗi tổng thống chỉ được 1 nhiệm kỳ 6 năm), hy vọng nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc của ông được đền đáp để Biển Đông sẽ ngày càng “lặng sóng”.
Cảnh Nam