Tổng thống Mahmoud Abbas gặp khó?

19/06/2015 09:02

(Baonghean) - Một năm sau khi thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc với sự tham gia của đảng Fatah và Phong trào Hồi giáo Hamas, người dân Palestine hy vọng sẽ được sống trong hòa bình, bởi ai cũng biết từ lâu Phong trào Hồi giáo Hamas là trở ngại lớn nhất trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Thế nhưng hôm 17/6 vừa qua, Chính phủ đoàn kết dân tộc của Thủ tướng Rami Hamdalla đã đệ đơn từ chức và được chấp thuận. Điều này cũng đồng nghĩa với bản kế hoạch hòa bình ở giải Gaza mà Tổng thống Mahmoud Abbas gây dựng và theo đuổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn…

Mahmoud Abbas, tên thường gọi là Abu Mazen chào đời tại Safed, thuộc vùng đất Palestine đặt dưới sự ủy trị (một hình thức quản lý thuộc địa sau đại chiến thế giới lần thứ nhất) của nước Anh vào ngày 26/3/1935. Mahmoud Abbas và gia đình đã chạy trốn tới Syria trong cuộc biến động bang Do Thái năm 1948 và trở về Palestine vào năm 1995. Ông là một trong số ít các sáng lập viên còn sống của phong trào Fatah, nhóm chính trị lớn nhất trong tổ chức PLO. Trong thời gian sống lưu vong ở Qatar cuối thập kỷ 50, ông đã tập hợp nhóm người Palestine tranh đấu vì một nhà nước độc lập cho dân tộc. Về sau tất cả những người này đều trở thành các nhân vật chủ chốt của PLO.

So với các bạn chiến đấu khác, Mahmoud Abbas nổi lên như một nhà trí thức cao cấp. Ông từng học cử nhân luật tại Trường Đại học Damas (năm 1985) trước khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ lịch sử tại Học viện Đông Phương Moscow (năm 1982) và là tác giả của một số cuốn sách nghiên cứu về đề tài lịch sử rất có giá trị tại vùng đất quê nhà cùng một số đề tài khác. Trong đó phải kể đến đề tài "Mối quan hệ bí mật giữa chủ nghĩa phát xít Đức (Nazism) và chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism)". Ngay sau khi công bố đề tài này, nhóm Do Thái chỉ trích gay gắt học vị tiến sỹ của ông.

Tổng thống M.Abbas (phải) và Thủ tướng R.Hamdallah gặp gỡ  thành viên nội các mới của Palestine cách đây 1 năm.
Tổng thống M.Abbas (phải) và Thủ tướng R.Hamdallah gặp gỡ thành viên nội các mới của Palestine cách đây 1 năm.

Mahmoud Abbas xây dựng được một mạng lưới các mối quan hệ đầy quyền lực với các nhà lãnh đạo Ảrập và giám đốc những cơ quan tình báo có nhiều ảnh hưởng. Điều này đã giúp ông trở thành người gây quỹ rất thành công cho PLO và nắm vai trò quan trọng về an ninh trong nội bộ tổ chức từ đầu thập kỷ 70. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan phụ trách quan hệ đối nội và đối ngoại của PLO vào năm 1980. Ông là trụ cột trong việc khởi xướng mối quan hệ đối thoại với các phong trào hoà bình và cánh tả Do Thái trong những năm 1970. Ngoài ra, ông cũng đóng vai trò trong việc duy trì mối quan hệ này trong những năm tháng khó khăn trước khi cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine được khởi động. Một trong những thành tựu lớn trong đời hoạt động chính trị của Mahmoud Abbas trước khi trở thành Tổng thống đương nhiệm là việc được công nhận như kiến trúc sư của tiến trình hoà bình Oslo. Chính ông đã tháp tùng Chủ tịch Yasser Arafat tới Nhà Trắng năm 1993 để ký Hiệp ước Oslo.

Tháng 4/2003, Mahmoud Abbas được bầu làm Thủ tướng đầu tiên của Chính quyền dân tộc Palestine nhưng phải từ chức chưa đầy 4 tháng cầm quyền do bất đồng trong việc kiểm soát các lực lượng an ninh Palestine và cũng muốn nhằm giải toả bế tắc của bản lộ trình hoà bình Trung Đông; năm 2004 ông được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine và năm 2005 ông được bầu làm Chủ tịch Chính quyền dân tộc Palestine. Cũng trong năm 2005, trong cuộc bầu cử Tổng thống chính thức sau sự “ra đi” gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Yasser Arafat tại Paris (Pháp), Mahmoud Abbas đắc cử tổng thống và hiện đang giữ chức vụ cao nhất ở Palestine.

Trở lại với cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ, trên thực tế cả Fatah và Hamas đều đấu tranh vì một nhà nước Palestine độc lập với Israel, tuy nhiên sự khác biệt về quan điểm chính trị, tư tưởng và cách thức đấu tranh với Israel đã ngăn cản hai lực lượng nắm quyền cai quản hai vùng lãnh thổ của Palestine tìm được tiếng nói chung suốt nhiều năm qua. Quan điểm xuyên suốt của Fatah là ôn hòa, thế tục và theo đuổi con đường đàm phán ngoại giao với Israel, trong khi đó Hamas lại cực đoan và kiên quyết không công nhận sự tồn tại của chính quyền Do Thái. Và với sự cực đoan, bạo lực của Hamas, chính quyền Tel Aviv nhiều lần phát động tấn công vào Dải Gaza, trong đó có cuộc tấn công kéo dài gần 1 tháng đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, biến nơi đây thành một đống đổ nát, hoang tàn mà theo tính toán thì phải đến hàng thập kỷ và hàng chục tỷ đô la mới có thể khôi phục được.

Điều đáng mừng duy nhất và cũng làm sáng lên hy vọng về một quốc gia độc lập đối với cộng đồng quốc tế và chính người dân Palestine là sau chiến tranh, cả Fatah và Hamas đã cùng gạt đi những bất đồng tưởng như không gì san lấp được để ngồi vào đàm phán. Vì vậy, việc Hamas sẵn sàng từ bỏ quyền thống trị Gaza và thuận theo đường lối lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas, dưới ngọn cờ của Tổ chức Giải phóng dân tộc Palestine (PLO) không chỉ là chuyển biến quan trọng ở nội bộ Hamas mà còn là một sự thay đổi lớn với cục diện chính trị tại Palestine.

Tuy nhiên, khi còn chưa kịp mừng, tiến trình hòa bình Trung Đông hay còn dang dở thì ngày 17/6 vừa qua, nghĩa là sau 1 năm thành lập, Chính phủ đoàn kết dân tộc có sự tham gia của Tổ chức Hamas lại sụp đổ. Và cũng theo thông tin mới nhất thì hiện chưa biết khi nào Thủ tướng Rami Hamdalla đứng ra thành lập chính phủ mới do Tổng thống Mahmoud Abbas thành lập thì Hamas có được tham gia hay không? Nhưng điều mà người ta đã biết là hiện Hamas đã phản đối quyết liệt quyết định này. Và trong trường hợp chính phủ mới không có sự hiện diện của Hamas, nhiều khả năng Kế hoạch hòa bình với giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại song song - Do Thái và Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas lại sẽ rơi vào một chu kỳ bế tắc mới.

Cảnh Nam

Mới nhất

x
Tổng thống Mahmoud Abbas gặp khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO