"Tổng thống Mỹ ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông"
Theo nhận xét của các chuyên gia, quan điểm của Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề Biển Đông là hết sức rõ ràng và mạnh mẽ, khi ông chủ nhà Trắng tuyên bố ủng hộ ASEAN đồng thời chỉ trích Trung Quốc có những hành động gây hấn tại khu vực này, sau các hành động đưa giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và nhiều tàu quân sự vào vùng biển Việt Nam.
Theo nhận xét của các chuyên gia, quan điểm của Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề Biển Đông là hết sức rõ ràng và mạnh mẽ, khi ông chủ nhà Trắng tuyên bố ủng hộ ASEAN đồng thời chỉ trích Trung Quốc có những hành động gây hấn tại khu vực này, sau các hành động đưa giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và nhiều tàu quân sự vào vùng biển Việt Nam.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại chung hôm 28/5, ông Obama cảnh báo những bất ổn trên thế giới nếu không được giải quyết có thể đe doạ các đồng minh của Mỹ và cuối cùng có thể khiến Mỹ sẽ phải động quân.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chào cờ trước khi phát biểu tại Học viện Quân đội Mỹ ở West Point (Nguồn: Getty Images) |
“Căng thẳng dù chỉ mang tính khu vực như ở miền Nam Ukraine hay ở Biển Đông nhưng nếu không kiểm soát sẽ tác động tới các đồng minh của chúng ta và quân đội của chúng ta sẽ phải vào cuộc”, ông Obama nói trước các sĩ quan vừa tốt nghiệp của Học viện Quân đội Mỹ tại West Point (New York) và được truyền trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình ở Mỹ.
Sau đó, ông Obama còn khẳng định “Mỹ ủng hộ các nước ASEAN trong quá trình thương thảo xây dựng bộ Quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền hàng hải ở Biển Đông, và đang hành động để giải quyết tranh chấp này thông qua luật pháp quốc tế”.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Washington D.C, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Đại học George Mason cho biết, quan điểm của chính quyền Mỹ trước vấn đề Biển Đông như vậy là rõ ràng và nên được đặt trong bối cảnh chính quyền ông Obama thời gian qua đã liên tục nêu quan ngại trước các hành động của Trung Quốc.
“Chúng ta phải hiểu rằng đây không phải là một bài diễn văn tập trung vào một nước nào hay Trung Quốc, và ông Obama nói như thế là đủ khi đề cập tới bộ Quy tắc ứng xử và cơ sở luật pháp quốc tế. Thời gian vừa qua, hàng loạt các quan chức các cấp của chính quyền Mỹ đã đặt vấn đề là các hành động của Trung Quốc như thế là hung hăng, là khiêu khích thì tôi thấy là đã rất mạnh mẽ rồi”, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.
Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu về châu Á của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS có trụ sở ở Washington D.C có quan điểm tương tự khi cho rằng Tổng thống Obama không cần phải tập trung cho bất cứ vấn đề cụ thể nào dù là Syria, Iran, hay Ukraina thì ông cũng đã gửi một thông điệp mạnh mẽ liên quan tới căng thẳng ở Biển Đông.
“Trước các sĩ quan vừa tốt nghiệp thì Tổng thống Obama không thể nói cụ thể về các giải pháp ngoại giao hay các vấn đề pháp lý, nhưng tôi nghĩ thông điệp gửi gắm về vấn đề Biển Đông ở đây là mạnh mẽ rồi. Tổng thống nói về vai trò của Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, và lần đầu tiên nhắc tới vai trò quan trọng của Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc”, ông Poling trả lời phóng viên TTXVN.
“Tổng thống Obama cũng rất khéo léo khi sử dụng từ ngữ để đưa ra một thông điệp rằng Mỹ có thể can thiệp quân sự khi cần, ấy là khi ông nói căng thẳng ở Ukraine hay Biển Đông hiện tại chưa tới mức cần Mỹ phải động quân, nhưng nếu tới một ngưỡng nguy hiểm mà lợi ích của Mỹ hay đồng minh của Mỹ bị đe doạ, thì đó là điều không tránh khỏi”.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama còn kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc, cho rằng sự thông qua của cơ quan lập pháp Mỹ sẽ giúp chính quyền Mỹ thuận lợi hơn trong việc kêu gọi Trung Quốc hành xử theo Công ước này.
Tổng thống Obama chọn thời điểm để nói về chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời điểm có nhiều chỉ trích về sự thụ động của Mỹ trước các vấn đề của thế giới, cho rằng việc “lãnh đạo từ phía sau” tất sẽ làm nước Mỹ thất bại, và nhiều khu vực trên thế giới trở nên đặc biệt căng thẳng, đòi hỏi một vai trò tích cực của Mỹ.
Chuyên gia Gregory Poling cho rằng tới thời điểm này Mỹ đã ủng hộ Việt Nam khá mạnh mẽ trước vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, còn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam cụ thể như thế nào phụ thuộc vào kết quả chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry./.
Theo TTXVN