Tổng thống Putin ký sắc lệnh tăng quân: Nga sẽ quyết chiến với Ukraine đến cùng?
Tổng thống Nga Putin ngày 25/8 đã ký sắc lệnh gia tăng quy mô của lực lượng vũ trang Nga, đảo ngược những nỗ lực suốt nhiều năm qua của Điện Kremlin nhằm tinh gọn quân đội.
Cuộc tập trận Vostok 2018 diễn ra tại vùng Ngoại Baikan (miền Đông nước Nga). Ảnh: Modern Diplomacy |
Ông Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi
Sắc lệnh được đăng trên trang web của Điện Kremlin, yêu cầu nâng số quân nhân tại ngũ của Nga thêm 137.000 người lên 1,15 triệu người tính đến tháng 1/2023 và đề nghị chính phủ dành ra một khoảng kinh phí để chi trả cho họ.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, ông Putin ban bố sắc lệnh thay đổi quân số của các lực lượng vũ trang nước này. Các quan chức Nga không đưa ra bất cứ lời giải thích nào về quyết định của tổng thống và truyền hình nhà nước Nga cũng đề cập khá ít đến vấn đề này.
Theo New York Times, sắc lệnh được ban bố vào thời điểm chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang bước sang tháng thứ 7 với những bước tiến chậm chạp. Nga dường như chưa thể hoàn thành tất cả các mục tiêu mà nước này đặt ra ngay từ đầu cuộc chiến. Giao tranh kéo dài cùng những tổn thất trên chiến trường trong thời gian qua đã khiến Moscow phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Mặc dù Nga không công bố con số thương vong chính thức kể từ khi phát động chiến dịch quân sự nhưng các quan chức của Mỹ và Anh dự đoán, số binh sỹ Nga thương vong có thể lên đến 80.000 người.
Bất chấp những thách thức mà Nga đang phải đối mặt sau 6 tháng chiến sự ròng rã, Tổng thống Putin dường như không có kế hoạch rút lui và việc ban bố sắc lệnh được coi là dấu hiệu thể hiện quyết tâm của ông, hai cây bút Anton Troianovski và Ivan Nechepurenko của New York Times nhận định.
Dara Massicot - nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của Rand Corporation, chuyên về các vấn đề quốc phòng của Nga cho rằng: “Đây không phải là động thái mà bạn thực hiện khi bạn dự đoán cuộc chiến sẽ kết thúc nhanh chóng. Trái lại, bạn phải làm điều đó khi có kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài”.
Trước đó, những nhân vật theo đường lối cứng rắn tại Nga đã hối thúc Điện Kremlin thực hiện hành động quyết liệt hơn tại Ukraine hoặc huy động thêm nguồn lực để hoàn thành mục tiêu. Lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ hơn sau vụ đánh bom xe khiến nhà bình luận chính trị Darya Dugina – con gái của triết gia nổi tiếng người Nga Alexander Dugin thiệt mạng, hoặc vụ tấn công nhằm vào trụ sở Hạm đội Biển Đen trên Bán đảo Crimea.
Hiện giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra rất ác liệt tại mặt trận phía Đông và phía Nam. Kiev đang tìm cách ngăn chặn các bước tiến của Nga ở phía Đông song song với việc đẩy mạnh cuộc phản công ở phía Nam. Nhiều quan chức Ukraine cảnh báo, giai đoạn sắp tới sẽ rất nhiều chông gai. Ông Oleksiy Danilov - Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho rằng: “Mọi thứ không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó khăn. Nếu ai đó nghĩ rằng chúng ta đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất và giai đoạn còn lại sẽ thuận lợi hơn thì điều này hoàn toàn sai lầm”.
Lo lắng về giai đoạn sắp tới, chính phủ Ukraine đang nỗ lực vận động hành lang để tạo ra một mặt trận thống nhất ở phương Tây và kêu gọi họ tiếp tục viện trợ vũ khí, tiền bạc. Thời gian gần đây, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã tăng cường cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine.
Trước đó hôm 24/8, Tổng thống Biden đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá gần 3 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay dành cho Ukraine, nâng tổng giá trị viện trợ quân sự chính quyền Biden hứa dành cho Kiev kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2/2022 lên tới hơn 13,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 2 tỷ USD trong giai đoạn 2014 – 2021. Dù được sự hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây, quân đội Ukraine vẫn không thể giành lại được các vùng lãnh thổ đã mất từ tay Nga bất chấp việc thực hiện một loạt cuộc tấn công chính xác tầm xa nhằm vào hậu cứ của đối phương.
Nga sẽ tăng quy mô của lực lượng vũ trang như thế nào?
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, nước này đang thực hiện chiến dịch quân sự với tốc độ chậm hơn, để giảm đáng kể thương vong đối với dân thường. Còn Tổng thống Putin tuyên bố rằng, quân đội Nga đang “giải phóng” khu vực miền Đông theo từng bước bất chấp lời kêu gọi của nhiều nhân vật cứng rắn trong nước cho rằng Nga cần phải tiến xa hơn nữa. Mặc dù Điện Kremlin khẳng định, chiến dịch quân sự đang diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng các nhà phân tích vẫn nỗ lực suy đoán động thái tiếp theo của Tổng thống Putin: Liệu ông đang chuẩn bị tăng cường tiến độ của chiến dịch quân sự, duy trì nhịp độ hiện tại hay tìm cách chấm dứt chiến tranh?
Hầu hết các nhà phân tích Nga đều cho rằng, việc cố gắng dự đoán động thái của ông Putin – người từng là điệp viên kỳ cựu của Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (HGB) là thách thức lớn và hiếm khi có căn cứ để đánh giá. Nhưng sắc lệnh mà Tổng thống Putin ban bố ngày 25/6 cho thấy ông đã sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi.
Nhiều chuyên gia quân sự đang đặt câu hỏi, làm cách nào quân đội Nga có thể thực hiện nhiệm vụ gia tăng quân số và huy động các tình nguyện viên khi không có một dự thảo lớn hoặc lệnh tổng động viên.
Dưới thời Tổng thống Putin, quân đội Nga đã nỗ lực chuyển đổi từ một lực lượng phụ thuộc nhiều vào lính nghĩa vụ thành một quân đội chuyên nghiệp. Trong nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng Nga đã gia tăng hợp đồng tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp đồng thời cắt giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 27 tuổi xuống còn 1 năm. Điện Kremlin khẳng định rằng, chỉ những quân nhân chuyên nghiệp và binh sỹ tình nguyện tham chiến ở Ukraine.
Ông Michael Kofman, chuyên gia quân sự về Nga tại CNA - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Arlington, Virginia (Mỹ) cho rằng: “Sắc lệnh này không nhất thiết phải tạo tiền đề cho một bản dự thảo lớn hơn hoặc một cuộc tổng động viên. Đây có thể là cách thức thúc đẩy các nỗ lực tuyển dụng quân nhân của Nga”.
Theo chuyên gia Kofman, quân đội Nga có thể tăng quân số bằng cách bổ sung vào hàng ngũ các lực lượng vũ trang của phe ly khai ở miền Đông Ukraine, đặc biệt là khi một số vùng lãnh thổ trong khu vực có kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân để sáp nhập Nga. Ông Putin chưa thông báo về bất kỳ cuộc điều động quy mô lớn nào, mặc dù các nhà phân tích và quan chức phương Tây dự đoán ông sẽ phải làm như vậy để bù đắp tổn thất nhân lực trên chiến trường Ukraine.
Các nhà quan sát nhận định, giới chức Nga có thể khuyến khích quân nhân chuyên nghiệp ký hợp đồng phục vụ bằng cách đưa ra những ưu đãi hấp dẫn và những lợi ích đặc biệt. Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Putin đã ký đạo luật bãi bỏ giới hạn độ tuổi 40 đối với các quân nhân chuyên nghiệp ký hợp đồng nghĩa vụ quân sự.
Ông Pavel Luzin, một nhà phân tích quân sự Nga, cho rằng sắc lệnh mới sẽ giúp tăng quy mô lực lượng vũ trang Nga lên đến mức tương đương năm 2000, khi các binh sĩ Nga tham chiến trong cuộc chiến thứ hai ở Chechnya. Sắc lệnh sẽ cho phép quân đội Nga tăng tuyển dụng lính nghĩa vụ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, hoặc kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy vậy, với dân số ngày càng giảm của Nga và những tổn thất do cuộc xung đột tại Ukraine gây ra, Moscow sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đưa ra, chuyên gia này đánh giá./.