Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon - Nhà lãnh đạo "toàn cầu"

29/05/2015 10:41

(Baonghean) - Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Á và châu Âu, cuộc nội chiến tại Yemen và những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông... luôn là những “điểm nóng” được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm trong những ngày gần đây. Dù vấn đề khác nhau, xảy ra ở những châu lục khác nhau, nhưng có một nhân tố không bao giờ thiếu trong những “điểm nóng” này - Liên hợp quốc. Liên tục xuất hiện với những lời cảnh báo, kêu gọi, những giải pháp được đề xuất - đó là hình ảnh của nhà lãnh đạo “toàn cầu” Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên hợp quốc

“Cứu tinh” của người di cư

Ở cả châu Âu và Đông Nam Á, tình trạng di cư trái phép đã diễn ra từ nhiều năm qua. Nhưng nó thực sự được nhìn nhận là một cuộc khủng hoảng, là vấn đề cấp bách sau một “mồi lửa kích hoạt”. Nếu ở châu Âu, “mồi lửa” đó là vụ việc chìm tàu ngoài khơi Địa Trung Hải khiến gần 900 người thiệt mạng, thì ở Đông Nam Á, “mồi lửa” là sự kiện cảnh sát Thái Lan phát hiện một hố chôn tập thể được cho là những người nhập cư từ Myanmar và Bangladesh tại một địa điểm ở tỉnh Songkhla, giáp với Malaysia. Ngay khi vấn đề di cư được nhìn nhận như một cuộc khủng hoảng cần có những biện pháp khẩn cấp, Liên hợp quốc đã có mặt. Người ta chưa thể quên tình cảnh khốn khổ của hàng nghìn người di cư mắc kẹt trên những chiếc thuyền của bọn buôn người ở biển Andaman và Eo biển Malacca hồi giữa tháng 5. Khi ấy, các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều từ chối tiếp nhận người di cư. Nếu chiếc thuyền nào trôi dạt vào vùng biển của các nước này, những người trên thuyền chỉ được nhận thức ăn, nước uống, những hỗ trợ y tế cần thiết rồi lại bị đẩy ngược ra biển, tiếp tục cuộc hành trình vô định không biết đâu là bờ. Các cơ quan của Liên hợp quốc đã kêu gọi ba nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan chấm dứt ngăn cản các thuyền di cư cập bến, góp phần lớn trong quyết định của Malaysia và Indonesia sau đó là sẽ cung cấp lều lán tạm thời cho người di cư bị mắc kẹt trên biển với điều kiện những người này có thể được tái định cư hoặc cho hồi hương trong vòng 1 năm. Dù chưa phải là một giải pháp triệt để, song đây đây được đánh giá là bước đột phá đầu tiên sau nhiều tuần các quốc gia trong khu vực không sẵn sàng gánh trách nhiệm. Mới đây nhất, ngày 27/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thông qua cố vấn đặc biệt của mình về Myanmar – ông Vijay Nambiar để cùng cam kết hợp tác giải quyết trình trạng di cư bất hợp pháp.

Tổng thư ký Ban Ki-moon trong chuyến thăm Việt Nam.
Tổng thư ký Ban Ki-moon trong chuyến thăm Việt Nam.

Trong khi đó, ở bên kia bán đầu, châu Âu cũng nhận được quan tâm không kém của ông Ban Ki Moon trong vấn đề di cư trái phép. Liên tục trong những ngày cuối tháng 5 này, trong bất cứ cuộc gặp nào tại châu Âu, Tổng thư ký Ban Ki-moon đều không quên kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn của châu lục trong chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn người di cư trên Địa Trung Hải. Trong khuôn khổ chuyến thăm trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) chiều 27/5, ông Ban Ki-moon đã nhấn mạnh EU cần tập trung cứu sống người di cư trên biển khi xử lý vấn đề về nạn nhập cư bất hợp pháp, đồng thời nhấn mạnh EU cũng đang rất cần người nhập cư để bù đắp cho tốc độ tăng dân số thấp và tình trạng già hóa dân số. Trước đó, trong cuộc họp báo tại Dublin cùng với Thủ tướng Ireland Enda Kenny, ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu nhìn nhận vấn đề di cư theo cách toàn diện và tập trung hơn. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của người đứng đầu Liên hợp quốc đã được đền đáp khi Cơ quan Biên giới Frontex của EU cho biết họ sẽ mở rộng các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, đồng thời tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần số nguồn lực được sử dụng trong các chiến dịch hỗ trợ người nhập cư hiện nay.

Hạ nhiệt “chảo lửa” Yemen

Mang lại hy vọng cho hàng chục nghìn người di cư, và đó cũng là điều mà người ta hy vọng ông Ban Ki-moon cùng với tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới mà ông đang lãnh đạo có thể mang lại cho hàng triệu người dân Yemen. 1.850 người thiệt mạng, hơn 7.000 người bị thương, hơn 545.000 người phải rời bỏ nhà cửa – những gì mà người Yemen phải hứng chịu trong 3 tháng qua sẽ chưa dừng lại ở những con số này nếu các bên xung đột chưa tìm ra một giải pháp ngoại giao. Với một cuộc chiến mang màu sắc mâu thuẫn tôn giáo không chỉ trong nội bộ mà còn ở cấp độ khu vực, người ta đang chờ đợi vai trò tích cực hơn nữa của Liên hợp quốc với tư cách một bên trung gian, độc lập với các chiến dịch không kích của liên quân Arab ở Yemen. Cho đến thời điểm này, Tổng thư ký Ban Ki-moon vẫn đang hết sức nỗ lực để thể hiện vai trò đó. Hồi giữa tháng 5, với sự trung gian của Liên hợp quốc, các bên tham chiến tại Yemen đã đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời trong vòng 5 ngày, và quãng thời gian ngắn ngủi đó là vô cùng quý giá để giải quyết các vấn đề nhân đạo cho người dân Yemen như di chuyển người dân ra khỏi vùng chiến sự, cung cấp thực phẩm, thuốc men… Tất nhiên, mục tiêu của ông Ban Ki-moon không dừng lại ở đó. Điều ông mong muốn là đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một giải pháp hòa bình cho đất nước Trung Đông này. Mặc dù cuộc đàm phán dự kiến vào ngày 28/5 đã không thể diễn ra do những điều kiện đưa ra của cả phiến quân Houthi lẫn chính quyền của Tổng thống lưu vong Mansour Hadi, song chắc chắn ông Ban Ki-moon sẽ không buông bỏ. Hôm 27/5, ông đã kêu gọi đặc phái viên của Liên hợp quốc về tình hình Yemen là ông Ismail Ould Cheikh Ahmed “tăng gấp đôi nỗ lực tham vấn” để tổ chức một hội nghị về tình hình Yemen càng sớm càng tốt.

Không “rời mắt” khỏi Biển Đông

Trong những ngày qua, việc Trung Quốc liên tục có các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng quy mô lớn làm thay đổi nguyên trạng cấu trúc nhiều đảo, đá và bãi ngầm đang làm dậy sóng dư luận quốc tế. Hàng loạt quan chức cấp cao các nước như Mỹ, Australia, Phillipines đều lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các hành động này của Trung Quốc, và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng không phải là ngoại lệ. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào cuối tuần trước, Tổng thư ký Ban Ki Moon đã chia sẻ quan điểm, sự quan ngại sâu sắc của Việt Nam, ASEAN, các nước G7 trước các hành động của Trung Quốc – những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, DOC, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông và khu vực. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki Moon mong muốn các bên liên quan cùng đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, mong các nước ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông Ban Ki-moon cũng khẳng định Liên Hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ về vấn đề này nếu các bên liên quan đề nghị, đồng thời cho biết cá nhân ông sẵn sàng tham gia những cuộc thảo luận đa phương về vấn đề này.

Cho đến nay, những người di cư trên biển đã được an toàn? Những người dân Yemen đã được hưởng một cuộc sống yên bình? Biển Đông đã “lặng sóng”? Chưa, tất cả những vấn đề gai góc này đều chưa có được lời giải cuối cùng. Nhưng trên chặng đường đầy khó khăn của các quốc gia, các khu vực để đi tới đích cuối cùng, người ta luôn thấy bóng dáng của Tổng thư ký Ban Ki-moon. Trong một cuộc gặp gỡ với báo chí hồi cuối năm 2014, ông Ban Ki-moon đã nói một câu: “Hãy có tầm nhìn toàn cầu. Các bạn đến từ quốc gia nào không quan trọng, tấm hộ chiếu chỉ phục vụ mục đích hành chính”. Có lẽ, đó chính là lời khuyên mà ông dành cho bản thân mình, để “căng mình” trong mọi điểm nóng của thế giới với hình ảnh một nhà lãnh đạo “toàn cầu”.

Thúy Ngọc

Mới nhất

x
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon - Nhà lãnh đạo "toàn cầu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO