Tony Jaa - ngôi sao Thái Lan tỏa sáng ở Hollywood

03/04/2015 08:47

Ngưỡng mộ Lý Tiểu Long, siêu sao võ thuật xứ Chùa Vàng đã đặt bước chân đầu tiên đến Hollywood trong phim "Fast & Furious 7", bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ chinh phục điện ảnh Mỹ.

Sinh năm 1976, tuổi thơ của Jaa trải qua ở ngôi làng nghèo đói trong rừng gần biên giới Campuchia, tỉnh Surin, Thái Lan. Cậu bé sợ tiếng đạn pháo của quân Khmer đỏ nên thường chạy đi tìm chỗ nấp. Thế nhưng, cậu được cân bằng nhờ tình bạn với hai chú voi con có tên Flower (Hoa) và Leaf (Lá). Ngày nào dẫn voi đi tắm sông, Jaa cũng thích nhảy từ trên lưng voi xuống nước rồi bơi lội, đùa nghịch cùng chúng. Tập nhảy và bơi nhiều năm giúp cậu có bắp chân khỏe. Cũng chính tuổi thơ gắn bó cùng hai con voi thân thiết đã giúp Jaa sau này lấy cảm hứng cho hai tác phẩm đặc sảnThe Protector - xoay quanh câu chuyện tình bạn người và voi.

“Hồi nhỏ, tôi làm bạn với voi. Tôi học cách thân thiết với chúng, coi chúng không chỉ là thú cưng mà còn là thành viên trong nhà. Bạn có thể học được kỹ năng cưỡi voi tuyệt vời, học cách ngồi lưng voi để chúng dùng vòi múc nước rồi phun ngược bắn vào bạn, nhưng không ai dạy được bạn cách làm bạn với voi”, tài tử kể trên USA Dojo.

tony2-6513-1427891286.jpg

Tony Jaa trong một thế võ Muay Thái.

Là cậu bé hiếu kỳ, Jaa thường rời nhà đi xem chiếu bóng ở những sân đất chung trong làng vào buổi tối. Các phim đó hầu hết là phim Hong Kong của Lý Tiểu Long và Thành Long. “Chúng làm tôi mê mẩn. Các nhân vật đều rất anh hùng, đánh võ đẹp, làm tôi khao khát được như họ”. Năm 10 tuổi, Jaa bắt đầu học quyền Muay cơ bản, sau một lần bị bắt nạt. Jaa dọa tự tử nếu bố không cho tham gia lớp võ. “Tôi rất khác những thiếu niên khác. Những năm bé, thời gian của tôi chỉ dành cho việc luyện tập và thiền 8 tiếng mỗi ngày. Tôi tập tới mức di chuyển được chính xác như các bậc thầy”, anh kể lại trên Time.

15 tuổi, Tony Jaa tìm đến võ sư nổi tiếng Phanna Rithikrai - người cũng chuyên đóng thế các cảnh hành động cho các phim điện ảnh Thái. Ở đây, Jaa được truyền gần hết môn võ Muay cổ truyền của người Thái. Quá mê võ, Tony Jaa muốn bỏ học văn hóa nhưng được thầy thuyết phục vừa đi học vừa tập võ với thầy. Năm 17 tuổi, Tony trúng tuyển vào Học viện thể dục nghệ thuật. Cùng lúc làm thêm ở các trường quay của sư phụ Rithikrai, Tony Jaa dành thời gian luyện Taekwondo, Aikido, Capoeira, Wu Shu, Karbi Krabong, múa kiếm và thể hình. Anh bắt đầu tìm cách để có vai đóng thế, tiếp cận giấc mơ điện ảnh.

Sau phim tham gia đóng thế là Mortal Kombat 2, Tony dần nổi lên với khả năng đánh võ tuyệt mỹ dù ngoại hình không đẹp. Qua các video tự quay thể hiện những cú đá cao không tưởng và lối biểu diễn uy lực, anh lọt vào mắt xanh của đạo diễn Pranchya Pinakaew khi ông đang tìm sao chính cho Ong-bak.

Thành danh châu Á

Ong-bak - dự án đầu tiên Tony Jaa đóng vai chính khi anh 27 tuổi, ra mắt năm 2003 và gây tiếng vang châu Á ngay lập tức. Phim có ngân sách một triệu USD được bán sang thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, thu về 20 triệu USD. Trong phim, Tony Jaa vào vai một võ sĩ Muay trẻ đi tìm một đầu tượng Phật thiêng bị đánh cắp khỏi ngôi làng trên bản. Nhiều người nhận định tuy diễn xuất còn non, tài nghệ võ thuật của anh chinh phục được công chúng. Đặc biệt, những pha phóng nhảy người mạo hiểm, xoay người hai vòng trên không trung rồi tung cú đá của anh được ví như những pha nhảy mạo hiểm của Thành Long trong Police Story (Câu chuyện Cảnh Sát).

Sau Ong Bak là The Protector (2005). Kịch bản của The Protector tương tự, kể về hành trình một võ sĩ Thái có khuôn mặt hiền khô đáng mến và tay đấm sắt, sang Australia tìm chú voi yêu quý. Trong dự án thu về 25 triệu USD, Tony Jaa chứng minh sự thay đổi vượt bậc.

tony1-3084-1427891286.jpg

Tony Jaa trong phim "The Protector".

Cách diễn xuất của Tony Jaa học hỏi đúng công thức của Thành Long. Anh luôn tự diễn mọi cảnh mạo hiểm, không cần dây cáp, không sử dụng người đóng thế và hạn chế hết mức công nghệ vi tính, dành nhiều đất kịch bản cho những pha biểu diễn võ chân thực. Những chiến dịch quảng bá phim của Tony Jaa đều nhấn mạnh đến yếu tố này. Tuy nhiên, khác với Thành Long hay Lý Liên Kiệt, Jaa gây ấn tượng với khán giả ở những chuyển động biến hóa rất võ, làm người xem cảm thấy mình đang thưởng thức võ Muay chân thực. Ngoài ra, những câu chuyện phim của Tony Jaa cũng mang đậm bản sắc văn hóa Thái.

Cũng chính vì hạn chế công nghệ và tăng tính thật của các pha võ, những phim của Tony Jaa được chuẩn bị trong thời gian rất lâu. “Ở phim Ong-bak, tôi từng tập luyện với huấn luyện viên trong một năm. Dự án mất ba năm tiền kỳ. Còn với The Protector, chúng tôi muốn khán giả xem xong phải đặt câu hỏi: Tại sao chúng tôi lại làm được thế. Và chúng tôi đã làm được điều đó".

Sau khi tham gia phần hai của Ong-bak (2008), tài tử nghỉ ngơi, về quê nhà đi tu một thời gian, rồi tái xuất với dự án The Protector 2 (2013). Với bốn tác phẩm, Tony Jaa được người hâm mộ phim võ châu Á và châu Âu biết tiếng. Viết về điện ảnh Thái Lan trong cuốn The Asian Influence on Hollywood Action Films, tác giả Barna William Donovan dành một chương nói về các phim của Tony Jaa, trong đó khẳng định: “Phim của anh không chỉ giúp anh thiết lập lượng fan trên thế giới mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phim Thái”. Đã kết hôn, thành danh tại châu Á, được Hollywood mến mộ, nhưng anh vẫn muốn đặt chân sang Hollywood, làm việc trên trường quay Hollywood, cùng các êkíp tại đây.

Đóng phim Mỹ đầu tiên, làm kẻ thù cuối cùng của Paul Walker

Trước khi Fast & Furious 7 ngỏ lời mời Tony Jaa tham gia, nhiều dự án khác từng chào đến anh nhưng là những vai nhỏ, nên quản lý của Tony đều từ chối. “Với Fast & Furious 7 thì không thể từ chối được. Được tham gia phim là niềm tự hào của tôi. Người Thái rất mê Fast & Furious, tôi cũng mê Fast & Furious”.

39 tuổi, lần đầu tiên được đặt chân đến Los Angeles, Mỹ, tài tử chia sẻ mình chưa già. “Ước mơ từ hồi nhỏ của tôi là đến Hollywood nhưng tôi chưa bao giờ dám chia sẻ nó với ai, ngay cả khi tôi đã đứng đầu ngành công nghiệp phim ở nước tôi. Giờ tôi đã có cơ hội được giao vai hoàn hảo để phô diễn tài năng”.

tony3-3279-1427891286.jpg

Tony Jaa và Vin Diesel ở hậu trường "Fast & Furious 7".

Kinh nghiệm thu được từ những phim hành động một thập kỷ qua giúp Tony tự tin làm việc ở Hollywood nhưng anh vẫn nói: “Tôi thấy mình như đang đi du học. Ở đây – Mỹ, tôi cảm thấy mình giống như đang trong lớp học và mọi thứ đều rất mới mẻ. Trước đây, tôi từng hay lo lắng, giống như một người bị nhốt trong phòng và rất sợ hãi lúc cửa mở. Giờ tôi đã có chìa khóa và hành trình phiêu lưu thật mạo hiểm.

Khi Jaa đến trường quay Tinseltown của Fast & Furious 7, đạo diễn James Wan đưa bản thảo phân vai, anh đọc rồi góp ý về các cảnh hành động của mình. Trong phim anh vào vai Kiệt, một ác nhân làm tay sai của phe phản diện, tìm mọi cách cản trở kế hoạch của nhóm Vin Diesel, đối đầu chính với Paul Walker. Tài tử có 8 tuần ghi hình ở Atlanta, và chia sẻ không gặp vấn đề gì khi diễn cùng các sao Mỹ, đặc biệt là diễn các cảnh hành động chiến đấu với nhân vật của tài tử quá cố Paul Walker. Ở trường quay, anh được chào đón nồng nhiệt, đi chơi, tụ tập ngoài giờ và trao đổi ý tưởng.

Tony Jaa từ chối tiết lộ mức lợi nhuận cho Fast & Furious 7, bảo rằng anh là mắt xích của hệ thống toàn cầu và mọi thứ giờ làm việc với quản lý và đại diện Hollywood. “Tôi chỉ tập trung cho công việc và chuyện tiền bạc không làm tôi xao nhãng”. Anh chia sẻ thêm: “Tôi chưa vội, tôi muốn đi từng bước một. Tôi sẽ không giới hạn bản thân ở phim nào, lãng mạn hay giật gân, hành động tôi cũng sẽ đóng”.

Fast & Furious 7 là dự án tiếng Anh đầu tiên của Tony Jaa. Diễn xuất với nhiều pha hành động mạo hiểm, uy lực của anh trong các cảnh nghẹt thở đối kháng với Paul Walker khiến fan hài lòng. Với những gì đang thể hiện, Tony Jaa khẳng định người hâm mộ Thái Lan nói chung và fan toàn cầu nói riêng có thể chờ đợi sự nổi danh ở Bắc Mỹ của ngôi sao võ thuật châu Á.

Theo VNE

Mới nhất
x
Tony Jaa - ngôi sao Thái Lan tỏa sáng ở Hollywood
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO