"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn"

20/09/2014 10:29

1. Ngày mới “chân ướt chân ráo” đến nhận chức HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam, trông bộ dạng thư sinh của ông Miura, nhiều chuyên gia bóng đá và các phóng viên thể thao khi đó đã nghĩ có lẽ chúng ta chọn nhầm người “cầm lái”. Có nhiều người đã vội lên mạng tìm kiếm thông tin về ông thầy người Nhật này và lập tức lên tiếng chỉ trích cách chọn người của VFF khi thấy bảng thành tích ít ỏi cộng với vóc dáng “phi thể thao” của ông. Khi ông có mặt trên sân Vinh xem trận đấu giữa SLNA và SHB.Đà Nẵng ở vòng 16 mùa giải 2014, lúc phỏng vấn ông, thấy dáng người nhỏ thó của vị HLV này, tôi vẫn có cảm giác ngờ ngợ liệu ông có phải là dân thể thao hay không? Nhưng rốt cuộc, chỉ một thời gian ngắn, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, chỉ trích từ giới truyền thông lẫn một số chuyên gia bóng đá Việt Nam, ông vẫn mẫn cán với công việc của mình và trả lời bằng những chiến thắng đầu tay của đội tuyển Olympic Việt Nam với chiến thắng 4-1 trước Olympic Iran đã làm nên “cơn địa chấn” ở Busan Hàn Quốc, đưa Olympic Việt Nam vượt qua vòng bảng tại Asiad 17.

HLV Miura (phải) và  trợ lý  ngôn ngữ xem trận đấu SLNA gặp SHB.Đà Nẵng mùa giải 2014 trên sân Vinh.
HLV Miura (phải) và trợ lý ngôn ngữ xem trận đấu SLNA gặp SHB.Đà Nẵng mùa giải 2014 trên sân Vinh.

Có thể còn quá sớm để nói về thành tích của ông Miura, nhưng cái cách ông tuyển chọn cầu thủ và truyền cảm hứng cho họ khi xung trận, đã làm cho bóng đá Việt Nam có một làn gió mới, sự tự tin mới khi đối đầu với các nền bóng đá có đẳng cấp hơn. Hy vọng rằng, với sự cần mẫn, quyết đoán của mình, HLV Miura sẽ giúp các CĐV Việt Nam có thêm những niềm vui, sự thăng hoa ở kỳ thế vận hội đang diễn ra trên đất Hàn Quốc và ở AFF Suzuki Cup 2014 sắp tới, và xa hơn là SEA Games 2015…

2. Khi cầu thủ Công Phượng tỏa sáng ở các giải đấu vừa qua, nhiều CĐV và các chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng: Tại sao một cầu thủ giỏi như Công Phượng mà bị “lò” đào tạo SLNA loại? Câu trả lời rất đơn giản rằng: “Hồi đó các bài thi năng khiếu cậu ấy đều đạt, thậm chí là xuất sắc, nhưng về tiêu chuẩn thể lực thì bị thiếu 3 kg so với quy định nên bị loại”. Một trong những điểm yếu của bóng đá Việt Nam lâu nay là thể lực, nên khi cầu thủ quá nhỏ con thì khó mà vượt qua được “vòng gửi xe đạp” tại các lò đào tạo trẻ. Vậy nhưng tại sao Học viện HAGL-Arsenal-JMG lại chọn cầu thủ nhí này? Nguyên nhân là do các ông thầy của học viện này thấy năng khiếu đá bóng của Công Phượng xuất sắc nên họ quyết định gọi bố Công Phượng đến, khi thấy ông có thể hình vào loại khá nên họ quyết định nhận Công Phượng. Theo lý giải của các chuyên gia ở Học viện HAGL - Arsenal - JMG thì khi đó họ tin rằng nếu được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chắc chắn Công Phượng sẽ được cải thiện về hình thể, ít ra là sẽ bằng người bố của em, còn tố chất - năng khiếu bẩm sinh thì hiếm người có được nên họ quyết định không bỏ sót tài năng này. Nhờ sự quyết đoán của các thầy ở HAGL, Công Phượng đã tìm được nơi để thể hiện niềm đam mê, chứng minh được phẩm chất chơi bóng của mình. Những giây phút tỏa sáng ở Giải U19 Đông Nam Á vừa qua là những bước khởi đầu của Công Phượng – người được ví là “Messi Việt Nam”. Mà Messi cũng là một trong những mẫu hình cầu thủ nhỏ con nhưng lại là tay săn bàn thượng hạng, từng 3 lần nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Những thành công bước đầu của HLV Miura lẫn Công Phượng đã xóa đi những nghi ngờ mà xen vào đó thậm chí là cả sự tiếc nuối của những người đã nhận xét về họ khi chỉ nhìn qua bề ngoài!

Đức Dũng

Mới nhất

x
"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO