TP Điện Biên Phủ công bố đặt tên đường Võ Nguyên Giáp
Sáng 25-4, UBND TP Điện Biên Phủ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ công bố quyết định đặt tên Đường Võ Nguyên Giáp và Quảng trường 7-5.
Dự buổi lễ có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND, MTTQ và đại diện các tổ chức chính trị xã hội tỉnh Điện Biên; đại biểu quận Ba Đình (TP. Hà Nội). Cùng dự buổi lễ có bà Võ Hạnh Phúc và ông Võ Hồng Nam (con Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cùng một số người thân. Đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng đã đến chứng kiến buổi lễ.
Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ phát biểu. |
Phát biểu trước khi công bố hai quyết định, đồng chí Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ khẳng định, việc đổi tên Đường 7-5, trục lộ chính của TP Điện Biên Phủ thành Đường Võ Nguyên Giáp và Hội trường Trung tâm hội nghị văn hóa thành Quảng trường 7-5 rất có ý nghĩa; là nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân các dân tộc TP Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên; thể hiện lòng biết ơn với công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Thay mặt đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP Điện Biên Phủ, chúng tôi xin hứa sẽ đem hết khả năng, trách nhiệm, khai thác, sử dụng và bảo quản, giữ gìn hai công trình này bền, đẹp, xứng với niềm tin mà Tỉnh ủy, UBND và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã giao cho”, đồng chí Nguyễn Văn Dự cho biết.
Đồng chí Trần Thanh Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Điện Biên công bố Quyết định. |
Được sự ủy quyền của UBND tỉnh Điện Biên, đồng chí Trần Thanh Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Điện Biên đã công bố Quyết định số 05/2014-UBND về việc đổi tên Đường 7-5 thành Đường Võ Nguyên Giáp và Quyết định số 06/2014-UBND về việc đổi tên Quảng trường trung tâm hội nghị văn hóa thành Quảng trường 7-5.
Ông Võ Hồng Nam, con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu ý kiến |
Đường Võ Nguyên Giáp ở TP Điện Biên Phủ có chiều dài gần 7km, mặt đường rộng 32m. Điểm đầu của đường được tính từ cầu Huổi Phạ - lý trình 71+286 và điểm cuối của con đường là cầu bê tông giáp ranh với huyện Điện Biên – lý trình 78+251,4. Con đường này đi qua các phường Him Lam, Tân Thanh, Mường Thanh của TP Điện Biên Phủ, nơi từng diễn ra các trận chiến đấu ác liệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ khi xưa, và nằm song trùng với Quốc lộ 279 đi thẳng lên cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Trước đó, thể theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân các dân tộc Điện Biên, ngày 1-4, kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh Điện Biên (khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết của UBND tỉnh Điện Biên về việc này.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ sau khi công bố quyết định. |
Ông Võ Hồng Nam đã xúc động khi nói lời cảm ơn tấm lòng tri ân đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Điện Biên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng nghìn liệt sĩ đã hy sinh để Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ông Nam cho rằng, việc làm này càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tiếp đó, ông Võ Hồng Nam đã nhắc lại lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (4-2004). Đại tướng mong muốn các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc Điện Biên đoàn kết, kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, giữ gìn các di tích lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để giáo dục cho con cháu đời sau. “Cha tôi và những đồng đội đã ngã xuống cùng các cựu chiến binh đã thực hiện trọn vẹn Mười lời thề quân nhân”, ông Võ Hồng Nam khẳng định.
Theo QĐND