TP Vinh: Diện mạo mới về giao thông đô thị

18/04/2014 18:58

(Baonghean) - Giao thông là vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất của đô thị, vừa đảm bảo huyết mạch lưu thông, vừa đảm bảo chức năng mỹ quan đô thị và tính đồng bộ về hạ tầng. Với chức năng là trung tâm vùng của Bắc Trung Bộ, Vinh đang có nhiều lợi thế để phát triển giao thông, giảm tải ùn tắc và đảm bảo cho đô thị loại 1 phát triển.

Phố Quang Trung, Thành phố Vinh.
Phố Quang Trung, Thành phố Vinh.

Nếu đi công tác ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vài ngày, đặc biệt là vào mùa hè, nhiều người sẽ có cảm giác là muốn về Vinh ngay, để được đi trên những con phố rộng và không có cảnh ùn tắc giao thông, thoát khỏi ngột ngạt của tắc đường, bụi. Vinh - đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh ra đời sau nên đã sớm quy hoạch được mạng lưới giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng đa dạng, rộng thoáng, tạo thành đầu mối trong kết nối, giao lưu với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thủy - Giảng viên Học viện chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khi vào Vinh công tác cho biết: “Đường phố Vinh rộng, cây xanh bắt đầu cho bóng mát. 2 bên đường vỉa hè đã được lát gạch sạch sẽ, tạo cho thành phố thoáng đãng”. Không chỉ cô Thủy mà nhiều du khách khác và các chuyên gia nước ngoài đến Vinh đều có có cảm nhận như vậy. Hệ thống giao thông đã được mở mang nhiều, nhất là ở vành đai thành phố, các tuyến phố xây dựng sau đều được quy hoạch với nhiều làn đường, đảm bảo lưu thông cho nhiều phương tiện.

Trong hơn 8 năm thực hiện Quyết định số 239 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ, hàng loạt tuyến đường, các hạng mục công trình giao thông đã, đang được đầu tư xây dựng mới cũng như nâng cấp, cải tạo, như Quốc lộ 46 đoạn tránh Thành phố Vinh; Đại lộ Vinh– Cửa Lò, đường Vinh- Cửa Hội; các tuyến chính ven sông Lam, cầu Bến Thủy 2, các bến xe Bắc Vinh, Nam Vinh; cải tạo mở rộng sân bay Vinh; xây dựng mới trung tâm dừng, đỗ xe tại thành phố; cải tạo Cảng Bến Thủy, Đại lộ Lê Nin với 6 làn xe nối các cơ quan hành chính của tỉnh ra tận Sân bay Vinh. Sân bay Vinh nối với Quốc lộ 46 xuống Cửa Lò chỉ hơn 12 km. Đường du lịch sinh thái ven sông Lam bao quanh TP. Vinh nhằm tăng cường tính đồng bộ và khả năng kết nối giao thông một cách thuận lợi giữa Vinh, Nghệ An với các địa phương trong vùng và quốc tế.

Trong nội thành, hệ thống giao thông các phường, xã được quy hoạch hợp lý thành các ô bàn cờ, thuận tiện và đảm bảo cấp thoát nước khi mưa lũ. Hệ thống đường liên phường, xã hầu hết đã bê tông hóa, an ninh trật tự ngày một đảm bảo. Các khu phố được quy hoạch theo chức năng đặc thù ngành nghề, tạo nên những phố nghề như phố “thời trang” Đặng Thái Thân, phố “ăn đêm” ở Cổng Thành cổ, phố “tài chính, ngân hàng” ở đường Quang Trung, phố “công nghệ thông tin” ở đường Minh Khai, phố “đồ gỗ” ở đường Trần Phú....

Thành phố Vinh đã phát huy được thế mạnh của giao thông tổng hợp từ đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy, giao thông công cộng như xe buýt, vỉa hè cho người đi bộ... Các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh luôn tạo cơ hội, thời cơ cho Vinh được đầu tư, phát triển xứng tầm. Từ 2005- 2012 là thời kỳ phát triển rực rỡ của giao thông Vinh với nhiều tuyến đường được đầu tư, xây dựng mới. Hiện nay, Vinh đang được đầu tư thi công công trình cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc - Nam (phường Cửa Nam), có tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với khẩu độ 11 nhịp, trong đó bố trí 1 nhịp vượt đường sắt 24m và 10 nhịp dẫn 33m, chiều rộng toàn cầu 20m.

Sân bay Vinh đang được xây dựng là sân bay quốc tế với tần suất gia tăng liên tục của các chuyến bay trong nước. Đầu năm 2014, sân bay Vinh mở thêm tuyến bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn. Đây chính là lợi thế so sánh đáng kể của thành phố trong quá trình phát triển trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ.

Theo thống kê, khối lượng vận chuyển hàng hóa, dịch vụ giai đoạn 2006 – 2013 trên địa bàn TP. Vinh tăng bình quân 17,2%/năm (từ 2,3 triệu tấn năm 2005 lên 7 triệu tấn năm 2013); khối lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy tăng bình quân 20,4%/năm trong cùng giai đoạn (từ 1,8 triệu hành khách năm 2005 lên 6,6 triệu hành khách năm 2013); đường hàng không tăng từ 257 nghìn khách năm 2009 lên 1 triệu khách năm 2013; doanh thu từ hoạt động vận tải hành khách và dịch vụ tăng từ 135 tỷ đồng năm 2005 lên 760 tỷ đồng năm 2013; hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa và dịch vụ đã thu hút và tạo việc làm cho khoảng lên 6 triệu lao động trong và ngoài địa bàn thành phố.

Giao thông Thành phố Vinh mặc dù rộng thoáng như vậy, đa dạng và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, lưu thông Bắc - Nam nhưng nhìn chung các công trình giao thông ở Vinh vẫn chưa có điểm nhấn, chưa có tính hiện đại và tính thẩm mỹ. Nhiều công trình bị đình trệ trong giải phóng mặt bằng, thi công kéo dài. Đền bù giải phóng mặt bằng các tuyến đường như 72m Vinh - Cửa Lò, Quốc lộ 1A kéo dài và gây tốn kém nhân lực, vật lực của Nhà nước. Kinh tế suy thoái đã làm cho nguồn vốn thực hiện bị cắt giảm, đầu tư cho giao thông đang trông chờ vào Nhà nước mà chưa phát huy được tính xã hội hóa trong đầu tư xây dựng công trình.

Tình trạng tắc đường bắt đầu xẩy ra, đặc biệt ở các nút giao ngã tư ga, ngã tư vườn hoa tam giác, ngã tư chợ Vinh... trong một số ngày, giờ cao điểm. Trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường trong thành phố còn nhiều hạn chế. Tình trạng bố trí điểm đỗ, dừng cho các phương tiện, bến xe ngầm chưa được thực hiện. Thành phố Vinh với lợi thế có sông Lam, núi Dũng Quyết nhưng chưa phát huy được các lợi thế này trong kết cấu hạ tầng giao thông, kiến trúc để tạo thành các điểm du lịch hấp dẫn. Tại các vòng xuyến, các ngã tư, ngã năm, nút giao đường tránh Vinh... hệ thống biển dẫn chưa đầy đủ. Một số đường nội thị còn ổ gà, ổ voi. Bên cạnh đó mạng lưới giao thông chưa tính đến yếu tố “trung tâm vùng”, chưa có những con đường đẹp về kiến trúc và cảnh quan. Hệ thống cây xanh hầu hết còn nhỏ, thảm cỏ đơn điệu, chưa thu hút được ý thức của người dân trong chăm sóc và đầu tư cho cây xanh đường phố. Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường Thành phố Vinh chưa thực hiện tốt; các công trình đang xây dựng gây ra nhiều bụi bẩn; nhiều điểm tập kết rác được bố trí ngay bên đường làm mất mỹ quan đô thị. Việc xả rác của người dân còn bữa bãi. Đó là những hạn chế cần được chấn chỉnh.

Mới đây, ngày 11/3/2014, tại Công văn 1263/UBND.VX, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã có ý kiến chỉ đạo TP. Vinh đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, xây dựng Thành phố Vinh hiện đại, xanh - sạch - đẹp. Công văn nêu rõ: Thời gian gần đây, do có nhiều công trình đang thi công trong nội thành nên vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng; trật tự an toàn giao thông trên các tuyến phố lộn xộn; các biển hiệu quảng cáo tư nhân có nội dung, hình thức phản cảm, sai quy định, lấn chiếm khoảng không, lề đường; một số hộ dân vứt rác không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị... nên nhân dân và du khách đến thăm thành phố có nhận xét không tốt.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu TP Vinh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các sở, ngành chấn chỉnh tình trạng trên.

Châu Lan

Mới nhất

x
TP Vinh: Diện mạo mới về giao thông đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO