TP Vinh: Thợ gội đầu, nhân viên bán hàng hành nghề bói toán công khai

21/03/2016 20:04

(Baonghean)-Từng là thợ gội đầu, nhân viên bán hàng ở siêu thị nhưng lại bỏ việc hành nghề mê tín dị đoan một cách công khai tại TP Vinh.

Gần chục năm nay, cô P, ở khối 1, Hà Huy Tập (TP Vinh) được xem là một người bói bài có tiếng. Chỉ cần đến đầu ngõ số 19, đường Nguyễn Sỹ Sách, hỏi thăm nhà cô P thì ai cũng biết. Ngôi nhà ba tầng khang trang, nhưng “phòng làm việc” lại nằm ở nơi cao nhất; khách đến xem phải gửi xe ở nhà bên cạnh. Để lên được đến “phòng” làm việc của cô P, khách lại phải đi bằng một chiếc cầu thang riêng xoắn ốc. Trước nhà và nơi hành nghề của cô P đều có tờ giấy dán dòng chữ: “Làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều”.

“Quy định” là thế, nhưng những người có kinh nghiệm đã từng đi xem bói ở đây đều biết, muốn xem được nhanh phải đặt lịch trước, hoặc đi từ tờ mờ sáng. Khi phóng viên trong vai người đến xem bói tại đây, dù đã gần hai giờ chiều nhưng vẫn còn khoảng 9, 10 người ngồi xếp hàng ở phòng chờ ngoài. Phía trong, còn đến 5, 6 người đợi đến lượt.

Khách đến xếp hàng chờ xem bói ở nhà cô P ( khối 10, phường Hà Huy Tập-TP Vinh)
Khách đến xếp hàng chờ xem bói ở nhà cô P ( khối 10, phường Hà Huy Tập-TP Vinh)

Qua quan sát, nơi “làm việc” của cô P, chỉ là căn phòng nhỏ chừng 15m2. Đây cũng chính là phòng thờ của gia đình. Trong căn phòng này, bàn của “thầy” được xếp ngay ngắn ở trong góc, trên bàn là một tập giấy nhỏ và một hộp gỗ. Khách mỗi lần đến lượt sẽ ngồi vào chiếc ghế đối diện “thầy”. Người đứng chờ sẽ ở phòng ngoài, ngăn cách bằng chiếc cửa kính. Cô P, nhiều năm nay chỉ xem bói bài. Khi cần kiểm chứng thêm thông tin thì “thầy” sẽ sử dụng thêm điện thoại để truy cập trên mạng.

Ngồi chừng 1 tiếng, chúng tôi thấy có 3 người được thầy xem. Tùy vào yêu cầu của mỗi người “thầy” sẽ phán khác nhau, tuy nhiên chỉ xoay quanh chính các chủ đề về làm ăn, tình duyên, con cái.

Trò chuyện với bà H, trông xe cho khách đến xem bói, được biết, cô P trước đây làm nghề gội đầu, sơn móng tay, móng chân. Từ 8 năm nay, bỗng chuyển nghề sang làm nghề bói bài. Khách đông lắm. Từ chỗ chẳng có gì thế mà giờ mua được ô tô xịn, xây nhà cao tầng.

Tìm đến khối 11, phường Quang Trung (TP Vinh), chúng tôi cũng bắt gặp cảnh hàng chục người ngồi xếp hàng ở nhà cô H để chờ xem bói. Tất cả những người đến đây, nhanh thì phải đợi 2 tuần, còn chậm hơn cũng phải từ 30 – 40 ngày mới được cô xếp lịch. Khách lạ mới đến cũng không phải băn khoăn nhiều, bởi ngay trong nhà đã có một tờ giấy ghi sẵn số điện thoại của cô cũng hướng dẫn tỉ mỉ: “Muốn xem gia sự thì xin đăng ký qua số điện thoại/Khi nhắn được tin nhắn cô sẽ không gửi tin nhắn hồi đáp lại/khi nào xếp được lịch cụ thể sẽ chính thức gọi điện thông báo...”.

Trò chuyện với bác L, nhà ở gần cô H được biết: Trước đây cô H bán hàng ở một siêu thị. Cách đây hai năm, bỗng dưng bỏ nghề, chuyển sang xem bói bởi “có được lộc của ông Hoàng Mười”. Mới vào nghề, nhưng nhờ có tiếng “lên đồng”, xem bói được phần âm nên khách của cô H khá đông. Hàng ngày, cô sẽ “lên hương” hai lần lúc 8 giờ sáng, 14 giờ chiều và mỗi một ngày cô chỉ xem 26 người. Với khách xem gia sự, giá trung bình một lần là 100.000 đồng/người. Thanh niên thì có giá “hữu nghị” 50.000 đồng/người. Bác L cũng cho biết thêm: Cô H xem khá có tiếng nhưng chủ yếu là khách ở nơi khác đến. Còn trong xóm, họ chị xem một lần cho biết rồi chẳng mấy ai xem nữa, chắc là “bụt chùa nhà không thiêng”.

Nguyễn Thị Kiều Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung: Hiện trên địa bàn phường Quang Trung đang có một số người hoạt động nghề bói toán, có người là người dân của phường, có người là từ nơi khác đến tạm trú. Thực tế, đây là hoạt động bị nghiêm cấm nhưng việc xử phạt hết sức khó khăn và phường chưa tiến hành xử phạt bất cứ trường hợp nào.
Khách xếp hàng chờ xem bói ở nhà cô H ( khối 11, phường Quang Trung-TP Vinh)
Khách xếp hàng chờ xem bói ở nhà cô H ( khối 11, phường Quang Trung-TP Vinh)
Ông Phạm Nghĩa Dũng – Chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh gửi đến UBND, Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành, thị về tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, đề nghị các đơn vị không để hoạt động mê tín dị đoan diễn ra; đồng thời tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc hoạt động này. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được báo cáo của các địa phương về tình trạng vi phạm. Nếu có trường hợp vi phạm do cơ sở báo cáo lên, chúng tôi sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm túc, triệt để theo đúng quy định của pháp luật”..

Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định về “Tội hành nghề mê tín dị đoan”. Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
TP Vinh: Thợ gội đầu, nhân viên bán hàng hành nghề bói toán công khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO