TPP dưới góc nhìn của người trong cuộc
(Baonghean.vn) - Tờ The Diplomat mới đây có bài phỏng vấn ông Francisco Sanchez, nguyên Thứ trưởng Thương mại phụ trách Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và quan hệ kinh tế của Mỹ với các nước lớn ở châu Á. Báo Nghệ An giới thiệu đến độc giả một đoạn trích từ bài phỏng vấn này.
The Diplomat: TPP được miêu tả là khía cạnh “kinh tế” của chính sách tái cân bằng đang diễn ra của chính quyền Obama đối với châu Á. Ông có thể miêu tả một cách cụ thể khi hiệp định TPP được ký kết sẽ hỗ trợ các mục tiêu chiến lược dài hạn của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương như thế nào không?
Ông Francisco Sanchez: Trong lịch sử gần đây, các quan hệ kinh tế đã tỏ ra là một trong những cách tốt nhất để thắt chặt các mối quan hệ toàn cầu. Một ví dụ về việc này là mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Trong 40 năm qua, 2 quốc gia đã chuyển từ tình trạng chiến tranh sang tình trạng quan hệ đối tác thương mại. Thương mại hàng năm giữa Mỹ và Việt Nam hiện đạt mức hơn 36 tỷ USD và một cuộc thăm dò ý kiến hồi năm 2014 của Pew đã chỉ ra rằng hơn 75% người Việt Nam có cái nhìn tốt đẹp về Mỹ.
Trong thời gian tôi còn làm việc trong chính phủ, tôi đã chứng kiến ngay từ đầu việc các hiệp định thương mại mang lại cho các nhà lãnh đạo cách thức để cải thiện cuộc sống của người dân ra sao, đồng thời cũng xây dựng các mối quan hệ cá nhân chủ chốt. Do châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục trở nên quan trọng hơn về kinh tế và chính trị, tôi xem TPP là cách để Mỹ tăng cường các quan hệ với 4 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương thuộc khuôn khổ hiệp định này và cả với những nước có thể tham gia hiệp định trong tương lai.
Tổng thống Mỹ gặp gỡ lãnh đạo các nước tham gia TPP tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2014. Ảnh: AFP |
The Diplomat: Nếu có, thì các đàm phán TPP gây ảnh hưởng gì đối với các đàm phán về Hiệp ước Đầu tư Song phương Mỹ-Trung?
Ông Francisco Sanchez: Trung Quốc hiện không phải là một phần của TPP, tuy nhiên Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzkern đã nói rõ rằng thỏa thuận này rộng mở đối với tất cả các bên trong khu vực Thái Bình Dương, kể cả Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc đã quyết định theo đuổi những sáng kiến thương mại của riêng họ. Dù vậy, Hiệp ước Đầu tư Song phương Mỹ-Trung (BIT) vẫn đứng vững với tư cách là một chính sách lợi ích chung cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Nó sẽ thiết lập các quy tắc ràng buộc để dẫn dắt tương lai của các khoản đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc có lợi cho cả đôi bên. Là mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất trên thế giới với kinh ngạch thương mại đạt hơn 550 tỷ USD mỗi năm, những quy tắc như vậy là cần thiết để duy trì sự phát triển ổn định trong tương lai. Tôi cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều công nhận điều này. Tại cuộc gặp mới đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, ông Vương đã tuyên bố rằng 2 bên nên nhanh chóng hoàn thành BIT. Tôi cũng nghĩ rằng điều này sẽ sớm diễn ra.
The Diplomat: Mặc dù Mỹ và Ấn Độ hợp tác về một loạt vấn đề, chính phủ Mỹ lại chỉ trích đường hướng của New Delhi về sở hữu trí tuệ. Liệu đây là một lĩnh vực mà Washington và New Delhi sẽ “chấp nhận sự bất đồng” hay sẽ có sự nhượng bộ nào đó từ một bên đối với đường hướng của bên còn lại?
Ông Francisco Sanchez: Trong trung hạn, tôi cho rằng sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục chia rẽ Mỹ và Ấn Độ. Đây là một tình huống đáng tiếc, nhưng tôi không cho nó là vĩnh viễn. Thông qua sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ đang bắt đầu thay đổi nền kinh tế, giải phóng nguồn nhân lực dồi dào trong hơn 1 tỷ dân của họ. Nước này sẽ xây dựng nền kinh tế dịch vụ vốn đã mạnh mẽ và cũng sẽ bắt đầu phát triển khu vực sản xuất tụt hậu trước đây. Khi nước này bắt đầu chuyển mình, tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của Ấn Độ sẽ có những chuyển biến nhất định trong quan điểm về quyền sở hữu trí tuệ (…)
The Diplomat: Luật chống khủng bố mới của Trung Quốc, được công bố tại Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc gần đây của nước này, đặt ra những giới hạn đáng kể về cách các công ty công nghệ nước ngoài được phép sử dụng dữ liệu người dùng Trung Quốc. Theo đó, các công ty Mỹ có thể bị buộc phải rời khỏi thị trường Trung Quốc. Chính phủ Mỹ có thể làm gì để bảo vệ lợi ích của các công ty công nghệ Mỹ tại thị trường sinh lợi của Trung Quốc?
Ông Francisco Sanchez: (…)Luật chống khủng bố mới của Trung Quốc là ví dụ về một luật lệ của Trung Quốc đi quá xa về phạm vi điều chỉnh và đe dọa làm suy yếu các công ty công nghệ của Mỹ tại Trung Quốc một cách thiếu công bằng.
Chính phủ Trung Quốc phải hiểu rằng luật này sẽ ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế của chính họ, bằng việc khiến các nhà đầu tư quốc tế - không chỉ những người đến từ Mỹ - thận trọng về việc tiến hành kinh doanh tại đây. Tổng thống Obama đã xem vấn đề này là một ưu tiên. Ông đã huy động các thành viên trong nội các của mình đối thoại với các bộ trưởng chủ chốt của Trung Quốc và chính ông cũng đã lên tiếng về vấn đề này.
(…)
Thu Giang
(Theo The Diplomat)
TIN LIÊN QUAN |
---|