TPP là gì?
(Baonghean) - Đang ngồi đọc báo thì vợ mình lân la đứng bên cạnh, hỏi mình vẻ thẹn thùng:
- Anh ơi, đài báo mấy hôm nay đưa tin liên tục về cái Hiệp định tên Lê-Tê-Phê hay là Phê-Tê-Tê gì đấy, nó là như thế nào anh nhỉ?
Mình thả ngay tờ báo xuống, ra giọng đầy “phẫn nộ”:
- Trời ơi, Tê Pê Pê (TPP) chứ Tê, Phê gì ở đây. Cả một cái Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương của người ta mà cô xuyên tạc méo mó đi thế kia, thật không thể tưởng tượng nổi. Để tôi giải thích cho cô nghe, TPP là Hiệp định đàm phán giữa 12 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta. Nếu được thông qua và đi vào hiện thực hoá, hàng rào thuế quan giữa các nước trong khối sẽ được gỡ bỏ hoặc giảm bớt đối với một số mặt hàng. Điều này hết sức có lợi cho việc giao thương trong khối với nhau, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, không phân biệt giữa các nước giàu nghèo.
- Nếu thế thì vợ chồng mình có hy vọng mua xe ô tô nhập ngoại mà không lo tiền thuế nhập khẩu nữa phải không anh? Nhưng như vậy, đồng nghĩa với việc nhiều mặt hàng, sản phẩm nội địa sẽ khó mà cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. Nói gì thì nói, trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta vẫn còn thua kém các nước phát triển trên thế giới?
- Đúng là các ngành như công nghiệp, kỹ thuật của chúng ta sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với bề dày phát triển của các nước khác. Nhưng đổi lại, chúng ta sẽ có cơ hội phát huy các ngành lợi thế truyền thống, cụ thể là nông nghiệp. Lúa, gạo và nông sản của chúng ta sẽ tiếp cận các thị trường trong khối với ưu tiên vượt trội về thuế, tăng sức cạnh tranh với các “đối thủ” khác.
- Có nghĩa là khi TPP hoàn thành, chúng ta chỉ nên tập trung phát triển những lĩnh vực mình có lợi thế? Thế thì vợ chồng mình về quê mua đất để chăn nuôi, trồng trọt dần thôi anh ơi!
- Về mặt lý thuyết, đó chính là mục tiêu của TPP. Nhà kinh tế học nổi tiếng David Ricardo đã đưa ra một học thuyết mang tên Học thuyết lợi thế so sánh. Theo đó, ông phân tích rằng thay vì phát triển một nền kinh tế tập trung, nơi mà mỗi nhân tố cấu thành “kiêm nhiệm” nhiều chức năng, thì nên để cho mỗi thành phần kinh tế tập trung làm việc mà mình có lợi thế nhất. Như vậy, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất, vừa gia tăng mối liên hệ giữa các thành phần kinh tế để hướng tới mục tiêu tất cả cùng có lợi. Nhưng trên thực tế thì sẽ rất khó để đạt đến mô hình kinh tế như vậy trên quy mô đa quốc gia một cách tuyệt đối, bởi nói gì thì nói, mỗi quốc gia vẫn có sự độc lập, tự đáp ứng được nhu cầu của mình ở một mức độ nhất định.
- Nhưng vừa rồi các nước đã hoàn thành đàm phán, đang chờ thông qua ở một số nước nữa thôi, chứng tỏ dù có khó đến đâu thì lợi ích to lớn mà TPP đem lại vẫn là động lực cực kỳ lớn đối với các nước?
- Tất nhiên rồi, bởi vì tinh thần của TPP chính là nền tảng của hội nhập mà chúng ta đang tích cực hướng đến!
Hải Triều