Trà chanh giá 12.000 đồng ngày nắng nóng
Những ngày nắng nóng, các điểm bán trà chanh tại vỉa hè, lòng đường Hà Nội thu về tiền triệu, nhưng cũng cạnh tranh với nhau khá khốc liệt.
Thường xuyên cùng bạn bè đến uống trà chanh tại khu vực phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Long cho biết, từ 8h tối là lúc các quán nước tại đây đông khách nhất. “Lúc đó người đi chơi mới đông, cái nóng ban ngày cũng bị xua tan bởi những luồng gió mát”, anh Long cho biết. Quán trà chanh anh và bạn bè thường xuyên tụ tập, tối nào cũng có khoảng vài trăm lượt khách ra vào.
Nắng nóng, giá trà chanh cũng từ 10.000 đồng “leo” lên 12.000 đồng/cốc. Đây là mức giá chung của hầu hết các quán tại khu vực phố cổ. “Người bán trà chanh cạnh tranh gay gắt lắm, nhưng vẫn thống nhất một mức giá như vậy. Bán thấp hơn cũng không được, cao hơn cũng chả xong. Có giá chung rồi, không ai dám phá”, một người bán nước trước Nhà Thờ Lớn tiết lộ. Tại Hà Nội, khu vực này nổi tiếng với các quán trà chanh từ năm 2011-2012. Sau vài năm, giá loại đồ uống bình dân này, từ 5.000-7.000 đồng, đắt gấp đôi.
Cuộc chiến giành khách hàng, khu vực bán trà chanh ngày càng mạnh mẽ do có nhiều quán kinh doanh loại đồ uống giải khát này mọc lên. |
Anh Quang, chủ một quán trà chanh ở phố cổ cho biết, vào những ngày nắng nóng, mỗi buổi tối dọn hàng, anh bán được 200-300 cốc. Chưa kể các loại đồ uống khác, chỉ riêng trà chanh, anh Quang đã thu về 2,5-3,5 triệu đồng. “Quán hơi nhỏ nên số lượng chỗ ngồi cho khách không nhiều. Còn những quán nhiều diện tích, mỗi ngày họ bán được 4-6 triệu đồng là bình thường”, anh Quang cho biết.
Giành nhau từng khách hàng, tận dụng từng mét đất là những gì đang diễn ra tại các điểm bán trà chanh ở các khu phố như Nhà Thờ, Tạ Hiện, Đào Duy Từ hoặc khu vực phố cổ. Tại phố Nhà Thờ, mỗi quán trà chanh đều có nhân viên đứng ngoài để vẫy khách, dắt xe, xếp ghế. “Thái độ của họ cũng hồ hởi nhiệt tình, chứ không sẵng như trước kia, vì ngày càng có nhiều điểm kinh doanh loại đồ uống này”, anh Long, khách hàng thường xuyên của những quán dạng này cho biết. Chất lượng đồ uống của những quán kiểu đó, theo anh Long, không quá đặc biệt. Nhưng vì không khí mang lại khá thú vị, nên khách đến vẫn đông.
Chị Hoa, bán trà chanh tại vườn hoa trước cửa Nhà Hát Lớn cũng cho biết, trước đây, khu vực này chỉ có vài hàng nước và một mình chị bán trà chanh, nên khá đông khách. Nhưng gần đây, khi Hà Nội nắng nóng, một số hàng khác cũng bán trà chanh, nên yếu tố cạnh tranh ngày càng tăng lên. Hành trang mỗi tối bán nước của chị Hoa chỉ là cái xe đạp, chiếc thùng xốp. Trong thùng xốp chứa đủ các đồ cần thiết như chè, nước sôi, nước nguội, cốc, đá viên và chanh. “Năm ngoái mình bán 8.000 đồng/cốc, nhưng năm nay tăng lên 10.000 đồng vì các chi phí đều tăng”, chị Hoa chia sẻ.
Tại Hà Nội, “chiến tranh” đồ uống bình dân, trong đó có trà chanh, xảy ra phổ biến vào những dịp hè. Tuy vậy, “chiến thắng” chỉ thuộc về 1-2 loại đáp ứng được các tiêu chí như giá rẻ, đúng thị hiếu và được nhiều người tiêu dùng chấp nhận. “Bên cạnh vị trí ‘độc tôn’ như một nét văn hóa Hà Nội là trà đá, dịp hè năm nay, mía đá tạm thời vẫn đứng vị trí đầu bảng. Sau đó là trà chanh”, anh Huy, bán nước tại quảng trường trước sân vận động Mỹ Đình cho biết. Một số loại đồ mát khác ở phân khúc đắt hơn như chè khúc bạch, các loại chè ngoại, sữa chua dẻo… cũng nở rộ và cạnh tranh nhau ngày càng mạnh mẽ để giành khách hàng.
Theo đọc báo