Trách nhiệm không của riêng ai

04/03/2013 17:20

Thời gian qua, việc thực hiện các quy định về an toàn - vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lo chạy theo lợi nhuận, người lao động chỉ mong có việc làm, các cơ quan chức năng còn lơ là trong việc kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm về an toàn – vệ sinh lao động dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra…

(Baonghean) - Thời gian qua, việc thực hiện các quy định về an toàn - vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lo chạy theo lợi nhuận, người lao động chỉ mong có việc làm, các cơ quan chức năng còn lơ là trong việc kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm về an toàn – vệ sinh lao động dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra…

Hiện tỉnh ta có trên 10.340 doanh nghiệp (tạo việc làm cho hơn 450.000 lao động), nhưng đây chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trang thiết bị, máy móc công nghệ sản xuất còn lạc hậu, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp chưa qua đào tạo còn nhiều, ý thức chấp hành các quy định về pháp luật an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của người sử dụng lao động cũng như người lao động còn nhiều hạn chế. Một số cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ nên việc triển khai, thực hiện pháp lệnh ATVSLĐ còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đã dẫn đến tình trạng tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh ta có xu hướng gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng (từ năm 1995 đến 2012 xảy ra 685 vụ, làm 1.006 người bị nạn, trong đó có 232 người chết, 744 người bị thương).

Bà Hoàng Thị Hường – Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết: Thời gian qua, việc thực hiện công tác ATVSLĐ ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn buông lỏng, nhiều doanh nghiệp “nói không đi đôi với làm”. Qua kiểm tra cho thấy, còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về pháp luật ATVSLĐ như: không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, không thành lập mạng lưới ATVSLĐ, không thực hiện công tác tự kiểm tra ATVSLĐ, không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân không đầy đủ theo danh mục quy định, không kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, không niêm yết các nội quy, quy trình vận hành máy, thiết bị, các biện pháp an toàn nơi làm việc…



Công nhân Công ty CP bao bì và kinh doanh tổng hợp Nghệ An làm việc trong điều kiện đảm bảo VSATLĐ.

Trong năm 2012, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành kiểm tra và có kiến nghị xử lý vi phạm VSATLĐ với 66 doanh nghiệp thì chỉ có 33 doanh nghiệp có hồi âm trả lời; xử phạt hành chính 5 doanh nghiệp thì chỉ có 1 doanh nghiệp chấp hành, có doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ, khi đoàn kiểm tra tiến hành xử phạt thì còn thách thức đoàn kiểm tra, có doanh nghiệp xảy ra tai nạn lao động chết người nhưng vẫn không báo cáo.

Theo bà Hường thì: Việc xử lý các vụ tai nạn lao động và chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, nên doanh nghiệp và người sử dụng lao động coi thường pháp luật. Nhiều vụ tai nạn lao động hầu hết đều xử lý hành chính nội bộ. Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự chưa nhiều nên ít có tác dụng giáo dục, phòng ngừa để giảm thiểu tai nạn lao động. Ngay sau khi vụ tai nạn Lèn Cờ (Yên Thành) xảy ra làm 18 người thiệt mạng, Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án, những sai phạm dẫn đến vụ tai nạn này đã được chỉ ra, như: các ngành liên quan đã “có những xử lý không đúng mực dẫn tới vụ tai nạn”, chủ mỏ đá “không tuân thủ quy định trong giấy phép, tự ý mở mỏ phía Nam dãy lèn nên đã gây hậu quả nghiêm trọng”… Thế nhưng, đến giờ (tháng 3/2013), khi những nấm mồ của các nạn nhân cỏ đã mọc xanh, vụ án Lèn Cờ sau bốn lần đưa ra xét xử vẫn bị hoãn, trách nhiệm của các ban, ngành chức năng và những người liên đới vẫn chưa được xác định rõ - p.v).

Ông Vi Thanh Tường – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp - một trong những huyện có nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản đóng trên địa bàn huyện, cho biết: Do chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ doanh nghiệp khi tiến hành khai thác khoáng sản không chấp hành đúng với quy định của các cơ quan chức năng mà thường làm theo các phương pháp nào có lợi nhất, người lao động thì mong có việc làm, có thu nhập, chưa quan tâm đến việc tuân thủ các quy định ATVSLĐ, dẫn đến có nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Để chấn chỉnh tình trạng này, trong những năm gần đây, Quỳ Hợp đã thành lập đoàn thanh tra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện VSATLĐ tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, mở các lớp tập huấn, tuyên truyền về VSATLĐ tại các xã.

Ông Tường cho biết: Từ khi huyện vào cuộc quyết liệt và duy trì các đoàn kiểm tra, tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền về VSATLĐ đã nâng cao nhận thức của chủ sử dụng và người lao động trong việc chấp hành các quy định về pháp luật lao động, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (năm 2007 trên địa bàn Quỳ Hợp xảy ra 10 vụ tai nạn lao động làm 11 người chết, 1 người bị thương; năm 2008 xảy ra 8 vụ làm 10 người chết; năm 2012 xảy ra 1 vụ làm 1 người chết).

Trong khi đó, với chính sách “An toàn là ưu tiên số 1” và con người là nhân tố quyết định đến sự thành công và phát triển của dự án, Nhà máy đường Nghệ An Tate&Lyle luôn chú trọng đến công tác chăm sóc sức khoẻ người lao động, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Công ty đã xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn phù hợp với từng công đoạn sản xuất, máy móc, thiết bị theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước và Tập đoàn Tate&Lyle; thường xuyên theo dõi và giám sát việc thực hiện các quy định, nội quy, biện pháp ATVSLĐ trong công ty; khen thưởng và kỷ luật người vi phạm trong việc thực hiện ATVSLĐ… Với cách làm đó, nhân viên công ty đã lập kỷ lục 686 ngày không để xảy ra tai nạn phải nghỉ việc, các nhân viên nhà thầu làm việc trong công ty đạt được thành tích 2.690 ngày không để xảy ra tai nạn phải nghỉ việc…

Qua 18 năm thi hành pháp luật ATVSLĐ (1995 - 2013), công tác thực hiện ATVSLĐ ở tỉnh ta đã có những bước chuyển biến nhất định, thế nhưng, bài học về vụ tai nạn thương tâm ở mỏ đá Lèn Cờ vẫn còn đó. Thực tế cho thấy, để giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, trách nhiệm thực thi pháp luật ATVSLĐ không phải của riêng ai mà cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, các địa phương cũng như các doanh nghiệp và người lao động.


Đức Chuyên

Mới nhất
x
Trách nhiệm không của riêng ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO