Trách nhiệm thuộc về ai?
(Baonghean) - Công trình nước sạch xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) được khởi xây năm 2007, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia...
(Baonghean) - Công trình nước sạch xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) được khởi xây năm 2007, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường. Tổng nguồn vốn công trình 1,3 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp 960 triệu đồng, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nguồn Nhà nước đầu tư 60% tổng giá trị xây lắp với hơn 600 triệu đồng được xây dựng và hoàn thành cơ bản các hạng mục chính, bao gồm nhà trạm, máy bơm, bình lọc, bể chứa và hệ thống đường ống chính, đường ống nhánh dẫn về tận xóm.
Đối với phần góp vốn của người dân không thể thực hiện được và kể từ thời gian đó đến nay, công trình hơn nửa tỷ đồng này đang bị “đắp chiếu” và xuống cấp theo thời gian. Hiện, nhà trạm bơm 2 lần đưa vào sử dụng làm nhà kho cho Hạt quản lý giao thông huyện mượn bỏ vật liệu xây kè và Hợp tác xã Lam Sơn mượn bỏ xi măng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, địa hình xã Ngọc Sơn thấp trũng, hàng năm vào tháng 7, 8, nước từ sông Gang chảy về gây ngập lụt gần như cả xã, gây ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt các xóm 3, 4, 5, chất lượng nước sinh hoạt của hầu hết các hộ gia đình chủ yếu từ giếng khơi đều có vị mặn, lợ rất khó uống. Từ thực tế đó, chính quyền xã đã chủ động đề xuất để xin đầu tư công trình nước sạch và sau đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khảo sát để đầu tư làm dự án nước sạch theo chủ trương làm điểm xây dựng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Công trình nước sạch xã Ngọc Sơn đã 6 năm xây dựng nhưng chưa một lần vận hành.
Trước khi triển khai dự án, xã tiến hành họp dân lấy ý kiến và tổ chức cho người dân đăng ký sử dụng nước sạch. Thời điểm đó có khoảng 170 hộ ở 3 xóm 3, 4, 5 đăng ký sử dụng nước từ công trình nước sạch. Chia theo bình quân trên đầu hộ gia đình phần nguồn vốn người dân phải đóng góp thì mỗi hộ đóng 1,5 triệu đồng nhằm hoàn thiện công trình nước sạch đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do công trình thi công chậm nên một số gia đình có điều kiện tự khoan giếng khoan để sử dụng không phụ thuộc vào công trình; số gia đình khó khăn hơn thời điểm đó cho rằng đóng 1,5 triệu đồng là quá lớn. Đó là lý do công trình hơn nửa tỷ đồng từ đó đến nay không được đầu tư tiếp để đưa vào sử dụng mà vẫn bỏ hoang.
Giải thích việc công trình dang dở, một cán bộ xã đã thừa nhận do không có kinh nghiệm làm chủ đầu tư và ở thời điểm đó cũng chưa lường hết khó khăn với điều kiện làm nông nghiệp của người dân phải đóng 1,5 – 2 triệu đồng để xây dựng công trình; hàng tháng còn phải đóng tiền vận hành nên họ không kham nổi, trong khi đó vấn đề nước sinh hoạt trong nhân dân chưa phải đến mức bức thiết. Vì vậy, dẫn đến lúc đầu người dân đăng ký nhiều (170 hộ), nhưng sau đó rút dần còn khoảng dăm chục hộ nên việc huy động nguồn vốn để thực hiện phần người dân đầu tư không đảm bảo.
Cũng theo vị cán bộ này, để tránh lãng phí công trình, vừa rồi xã đã lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới, dự kiến đầu tư thêm 600 triệu đồng nữa lấy từ nguồn ngân sách xã, nguồn Nhà nước và người hưởng lợi. Dự án sẽ triển khai vào năm 2014 tới, bao gồm lắp đặt thêm một máy bơm chính bơm nước từ dưới sông Lam lên bể chứa; một số tuyến nhỏ vào cụm dân cư; đường ống vào các hộ và đồng hồ đo nước. Vấn đề đặt ra là những dự định và kế hoạch của xã lần này liệu có khả thi(?!). Trao đổi với một số người dân ở xóm 5 - xóm được coi là có chất lượng nước sinh hoạt kém nhất ở xã Ngọc Sơn, chúng tôi thấy người dân không mấy mặn mà với dự án nước sạch này nữa.
Thiết nghĩ, chính quyền xã Ngọc Sơn cần nghiên cứu để đưa ra giải pháp tốt nhất khi công trình nước sạch tiếp tục được đầu tư “giai đoạn 2” đem lại hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng lãng phí chồng lãng phí. Chính quyền xã Ngọc Sơn cần phải tuyên truyền để người dẫn thấy rõ tác dụng của việc dùng nước đảm bảo hợp vệ sinh; về phía người dân cũng cần nâng cao nhận thức khi đời sống được cải thiện thì cần phải chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó bao gồm cả việc sử dụng nước sạch. Xã cũng cần phải kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai trong việc ddđể công trình nước sạch bị dang dở.
Mai Hoa