Trách nhiệm trong việc trồng rừng thay thế?

11/12/2013 09:24

(Baonghean) - Việc phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện hầu hết có công suất nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, đời sống và sản xuất của người dân. Trong khi đó, nhiều dự án thủy điện chậm tiến độ, dừng thi công phải rút giấy phép, đang đặt ra một vấn đề: Cần tiếp tục rà soát, đánh giá để nâng cao chất lượng quy hoạch các dự án thủy điện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động, hệ lụy có thể xảy ra.

(Baonghean) - Việc phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện hầu hết có công suất nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, đời sống và sản xuất của người dân. Trong khi đó, nhiều dự án thủy điện chậm tiến độ, dừng thi công phải rút giấy phép, đang đặt ra một vấn đề: Cần tiếp tục rà soát, đánh giá để nâng cao chất lượng quy hoạch các dự án thủy điện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động, hệ lụy có thể xảy ra.

Lỗi từ quy hoạch

Nghệ An là tỉnh có tiềm năng để phát triển thủy điện với hệ thống sông ngòi nhiều, lưu vực lớn, độ dốc địa hình cao, lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn. Theo số liệu quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 44 dự án thủy điện vừa và nhỏ công suất 1.411,65 MW có thể khai thác và kêu gọi đầu tư xây dựng đến năm 2015. Sau khi xem xét, UBND tỉnh đã kiến nghị và Bộ Công Thương thống nhất rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch 21 dự án có quy mô nhỏ (trong đó có tới 16 dự án có công suất dưới 3 MW), không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Việc loại bỏ 21 dự án TĐ nhỏ không chỉ thể hiện sự quyết liệt của UBND tỉnh mà còn phần nào nói lên sự yếu kém của các cơ quan chức năng từ khâu quy hoạch, thẩm định quy hoạch đến khâu quản lý, kể cả trách nhiệm của đơn vị, cá nhân phê duyệt, cấp phép. “Loạn” dự án thủy điện nhỏ hiện nay có lỗi hệ thống từ khâu quy hoạch đến triển khai.

Để lập được dự án theo phê duyệt, các doanh nghiệp đã phải tốn không ít thời gian, tiền bạc, công sức nhưng vẫn phải chịu toàn bộ rủi ro vì sai lầm từ các cơ quan quy hoạch, thẩm định. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp đủ mạnh để làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Ở tầm vĩ mô, cần phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về phương thức, quy trình, thủ tục lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp, để từ đó có cơ sở tính toán cẩn trọng hơn mỗi khi muốn triển khai xây dựng thêm các công trình thủy điện.

Với 31 dự án còn lại nhưng hiện nay chỉ mới có 26 dự án có chủ trương đầu tư. Trong đó có 8 dự án đã vận hành phát điện đạt tổng công suất phát điện 638,5 MW, gồm: Bản Vẽ, Bản Cốc, Sao Va, Nậm Mô, Hủa Na, Khe Bố, Bản Cánh. Ngoài các dự án trên, rất nhiều dự án đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ; thậm chí chưa khởi công, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của người dân trong vùng các dự án “treo” với bao hệ lụy. Nguyên nhân là chưa đánh giá hết những tác động môi trường và năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế. Điển hình tại dự án TĐ Sông Quang và Châu Thôn do Công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Vũ làm chủ đầu tư tại xã Châu Thôn, huyện Quế Phong. Cả 2 công trình này đều được khởi công năm 2007 nhưng đã ngừng thi công 3 năm nay.

​Dự án Thủy điện Sông Quang (Châu Thôn, Quế Phong) bị rút giấy phép đầu tư.
​Dự án Thủy điện Sông Quang (Châu Thôn, Quế Phong) bị rút giấy phép đầu tư.

Tại hiện trường, TĐ Châu Thôn đặt tại bản Na Pục (Châu Thôn) chỉ mới hoàn thành vỏn vẹn đường công vụ, còn TĐ Sông Quang ở bản Quảnh (Châu Thôn) cũng chỉ mới thi công hệ thống kênh dẫn và bể áp lực, đặc biệt do núi cao được san bạt lại không có bờ kè che chắn nên tạo nguy cơ sạt lở rất lớn. Ông Trương Minh Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ: Nên dừng lại việc phát triển thủy điện trên địa bàn huyện ở mức hiện tại. Cũng có nhiều đơn vị vào đây xin khảo sát nhưng huyện không đồng ý. Quan điểm của huyện là không muốn có thêm thủy điện trên địa bàn.

Ngoài 2 công trình trên, các công trình TĐ trên địa bàn Quế Phong như TĐ Nhạn Hạc thuộc xã Quế Sơn cũng ngừng thi công từ cuối 2010 đến nay, các công trình khác cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ khảo sát quy hoạch chứ chưa xây dựng. Thực trạng này xảy ra không chỉ ở Quế Phong, bởi theo báo cáo của Sở Công Thương, toàn tỉnh có 6 dự án đã khởi công nhưng đang dừng thi công; 2 dự án công suất 57 MW đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa khởi công, 3 dự án chưa xác định được nhà đầu tư.

Những hệ lụy phát sinh

Theo quy định, khi tiến hành triển khai dự án đầu tư, chủ đầu tư bắt buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, quy trình này chưa được chủ đầu tư quan tâm một cách thấu đáo. Mặt khác, công tác khôi phục và bảo vệ môi trường đã bị chủ đầu tư xem nhẹ. Hầu hết các chủ đầu tư chưa thực hiện báo cáo quan trắc giám sát chất lượng môi trường định kỳ hàng năm theo nội dung Đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Thực hiện chưa đầy đủ báo cáo định kỳ tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại.

Ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) đánh giá: “Khi xây dựng dự án thủy điện, môi trường sinh thái chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, làm cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản, thay đổi dòng chảy, thay đổi nơi ở các loài ký sinh. Mùa lũ cần cắt lũ thì lại xả lũ, ngược lại về mùa cạn cần có lượng nước cho điều tiết thủy lợi thì họ lại ngăn đập khiến vùng hạ lưu sẽ bị cạn, các phương tiện giao thông đường thủy bị ảnh hưởng. Hiện nay, công tác đánh giá tác động môi trường chỉ mới dừng lại ở vấn đề dự báo, khi công trình thủy điện vận hành rồi thì chưa thực hiện được. Và chủ yếu đánh giá vùng thượng nguồn, còn phần hạ lưu thì chưa được đánh giá cụ thể do lưu vực rộng”.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa thực sự làm tròn trách nhiệm khi đánh giá, thẩm định báo cáo tác động môi trường của các dự án, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái vùng có dự án. Là Khu Bảo tồn thiên nhiên đặc biệt quý giá, cần phải bảo vệ, thế nhưng, nằm trong vùng Khu BTTN Pù Hoạt xuất hiện 7 dự án thuỷ điện. Quy mô hoành tráng nhất là dự án Thuỷ điện Hủa Na (180MW) nhỏ hơn các nhà máy: Sông Quang, Bản Cốc, Sao Va, Nhạn Hạc, Tiền Phong, Nậm Pông. Việc xây dựng các nhà máy đã và đang ảnh hưởng đến sự đa dạng của khu BTTN.

Ông Nguyễn Danh Hùng, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: “Việc xây dựng thủy điện là cần thiết nhưng chỉ những thủy điện lớn, còn những thủy điện nhỏ thì lợi nhuận không lớn mà còn làm thay đổi hệ sinh thái trong khu bảo tồn, kéo theo một diện tích rừng bị mất, việc mở đường giao thông khiến cho tình trạng phá rừng trở nên phức tạp khiến cho công tác quản lý rừng khó khăn hơn. Ngay như thác Sao Va là một điểm nhấn của huyện Quế Phong nhưng do Thủy điện Sao Va chặn dòng nước làm ô nhiễm khu vực thác, mất đi thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng”.

Để thực hiện dự án thủy điện, hàng ngàn hộ dân đã phải di dời đến nơi ở mới. Không phủ nhận những đổi thay về hạ tầng, giao thông, điện mà dự án mang lại, nhưng đời sống của người dân chưa thực sự khấm khá hơn. Tác động rõ ràng nhất với đời sống dân cư chính là dự án Thủy điện Hủa Na, công suất 180MW nằm trên địa bàn 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ (Quế Phong). Để phục vụ dự án, có 1.402 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1.362 hộ với 5.362 nhân khẩu phải di chuyển. Đến nay, công tác di dời các hộ ra khỏi vùng lòng hồ đã hoàn thành nhưng công tác giao đất sản xuất cho dân còn quá chậm. Định cư nhưng không định canh cho bà con, thiếu đất, không việc làm dẫn đến nạn nghèo đói, thất nghiệp, tệ nạn gia tăng. Không chịu được nghèo khó, hơn 500 nhân khẩu của gần 200 gia đình đã hồi hương dựng lán trại ngay cạnh lòng hồ để mưu sinh trong sự bất lực của chính quyền và cơ quan chức năng. Tháng 5/2012, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ tích nước đã làm sạt lở núi bồi lắng lấp dòng chảy sông Nậm Nơn ảnh hưởng đến giao thông đi lại, môi trường của bà con vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.

Trước khi dự án triển khai, việc đánh giá tác động nguồn nước đối với vùng hạ du chưa được thực hiện tốt nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Tại xã Tiền Phong, từ tháng 4 năm 2010, khi dự án Thủy điện Sao Va (Quế Phong), công suất 3MW nằm trên suối Nậm Việc đi vào vận hành khiến cho hơn 70ha diện tích sản xuất nông nghiệp của 5 bản luôn đứng trước tình trạng thiếu nước sản xuất, đặc biệt là vào vụ đông xuân. Ông Võ Khánh Toàn – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: “Từ khi đập Thủy điện Sao Va chặn dòng chảy của suối Nậm Việc, nước được điều tiết về không thường xuyên gây nên tình trạng thiếu nước ở hạ du. Thiếu nước dẫn đến năng suất lúa cũng giảm hơn so với trước. Trước thực trạng đó, người dân phải dùng máy bơm bơm nước vào ruộng phục vụ tưới tiêu rất tốn kém. 11 ha ruộng của người dân bản Đan 2 phải chuyển đổi sang trồng mía vì thiếu nước sản xuất”.

Để phục vụ các dự án thủy điện, hơn 1 ngàn ha diện tích đất rừng bị thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo Chi cục Lâm nghiệp, đến nay mới chỉ có 15 dự án của 9 chủ đầu tư làm thủ tục xin chuyển đổi với diện tích hơn 722ha, trong đó có hơn 331ha diện tích có rừng. Theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP của Chính phủ, đối với các dự án đầu tư phải khai thác rừng để giải phóng mặt bằng và có yêu cầu phải trồng lại rừng nhưng không có điều kiện thì có thể nộp tiền thay thế tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Thế nhưng, mới có 5 chủ đầu tư nộp tiền hơn 760 triệu đồng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, tương ứng khoảng 50ha rừng.

Việc nộp tiền cấn trừ thay nghĩa vụ trồng rừng không khiến dư luận khỏi lo lắng về hậu quả biến đổi khí hậu sau này. Hệ lụy của việc vừa mất rừng, vừa không trồng rừng thay thế đã khiến cho lũ lụt, sạt lở vùng hạ du ngày càng nặng nề hơn. Hiện nay, UBND tỉnh đã có Quyết định 5318/QĐ-UBND ngày 8/11/2013 phân khai kinh phí này để hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg, dự án Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2012-2020 đã triển khai. Theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì không sai nhưng rõ ràng, hiệu quả mà quỹ này mang lại chắc chắn sẽ không cao.

Không thể phủ nhận hiệu quả của các dự án thủy điện đối với an ninh năng lượng và sự phát triển của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, với những mặt trái mà thủy điện mang lại đã thể hiện rõ ở tỉnh ta trong thời gian qua, các ngành chức năng cần có cái nhìn toàn diện trong công tác quy hoạch thủy điện dựa trên góc độ môi trường và phát triển bền vững. Tính toán kỹ càng giữa cái được, cái mất để tiếp tục điều chỉnh quy hoạch phù hợp, mạnh tay loại bỏ các dự án thủy điện nhỏ, đóng góp “khiêm tốn” cho an ninh năng lượng và nguồn thu ngân sách. Có như vậy, việc thực hiện các dự án thủy điện theo Quy hoạch Phát triển điện lực của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015, có tính đến 2020 vừa đảm bảo hiệu quả, đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã đề ra. Song hành với đó phải thường xuyên giám sát, theo dõi quá trình vận hành phát điện các dự án thủy điện đảm bảo thực hiện đầy đủ cam kết, đánh giá tác động môi trường, nhất là việc điều tiết lưu lượng dòng chảy hợp lý, tránh tình trạng khi các dự án đồng loạt tích nước sẽ gây ra hạn hán, ngược lại nếu đồng loạt xả nước nguy cơ gây lũ lụt vùng hạ lưu.

Phạm Bằng

Mới nhất

x
Trách nhiệm trong việc trồng rừng thay thế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO