“Trại chủ” xóm Sen 4
(Baonghean) - Ráng chiều trôi xuống khuất sau dãy Đụn Sơn xa xa phía Tây từ lâu, chúng tôi vẫn “cuốn” theo lời giới thiệu nhiệt tình của ông Chánh văn phòng Huyện ủy Nam Đàn tìm gặp một “trại chủ” đã từ tay trắng và mồ hôi làm giàu trên đồng đất Làng Sen – Kim Liên quê Bác.
Đoạn đường từ Quốc lộ 46 vào Làng Sen quê nội Bác Hồ đang thi công. Đi hết một thôi, lên đến đầu chiếc cầu xi măng nhỏ bắc qua con nông giang, nhìn sang phải ngay lập tức nhận ra một trang trại khá bề thế trên đồng đất trước vốn lầy thụt mà nhiều nhà nông cách mấy cũng không khai thác được hiệu quả, cho đến khi “trại chủ” Nguyễn Văn Hậu quyết định dồn chí làm ăn, gom đồng tiền vốn và đổ mồ hôi vợ chồng để có một cơ ngơi trang trại đáng nể như hôm nay.
Nguyễn Văn Hậu sinh năm 1970, cái tuổi theo ông bà nói là vào đời cứ phải bôn ba chán rồi mới chịu an cư lập nghiệp. Và người có chí, có nghị lực khi đã “bắt” vào lập nghiệp thì cứ là “ăn nên làm ra”. Ai chứ với anh Hậu thì quả đúng vậy.
Bắc chiếc chõng tre ngồi bên bờ ao rời rợi hơi nước mát và tũng toắng tiếng cá quẫy, Nguyễn Văn Hậu thong thả kể về con đường làm giàu của mình. Sinh ra con nhà nông chẳng lấy gì dư giả; học xong phổ thông mà không “nối nghiệp” quấn bấn lấy ruộng đồng, thì cũng phải kiếm lấy một cái tay nghề lao động mà kiếm sống thôi. Nguyễn Văn Hậu chọn nghề lái xe. Thời kỳ lái xe tải thuê cho người ta, đồng vào đồng ra có đấy, nhưng cũng chỉ lo được cho cái thân mình. Gia đình vợ con yêu thương cách mấy, mà không lo được cho cái tương lai dài thì đàn ông sức dài vai rộng là đồ bỏ! Là người cả nghĩ, và nghĩ rồi là quyết làm, Hậu lấy cái tích lũy hiểu biếtqua những lần rong ruổi xe đi đổ giống con, thức ăn chăn nuôi cho các mô hình trang trại, gia trại khắp miền Bắc để về “thức dậy” đồng đất quê mình.
Không ít lần dọ dẫm bốn hướng đồng làng, tính tính toán toán để lớn dần lên một ý tưởng: “bốc” cả nhà ra đồng lập trại. Chín mọi nhẽ rồi, Hậu thôi nghề lái xe, chạy vạy vốn liếng, thầu lại cái vùng 1,2 héc-ta đất ruộng lầy thụt bên con nông giang ở xóm Sen 4 này (mà vốn trước đó đã có người ôm mộng cải tạo làm giàu nhưng thất bại). Ấy là vào năm 2004, khi Hậu cưới vợ được 5 năm. Không nói hết được những bộn bề vất vả ngày đầu. Thuê xe, máy về đào ao be bờ, xây dựng được cái chuồng trại đã hết nhẵn tiền. Nhưng dù sao cũng đã có cái hình hài trang trại rồi! Sau đó là thời kỳ đầu tắt mặt tối với cơ man là mồ hôi của hai vợ chồng đổ xuống. Đầu tiên là mua 25 con lợn nái lai về cho đẻ để gây đàn, đầu tư hàng chục triệu đồng đổ cá giống đủ loại trôi mè trắm chép xuống hơn 9.000 m2 mặt ao. Lại phải vay mượn tiếp để sắm hết máy phát điện, máy xay xát, máy bơm… Đắp đổi lần hồi, có chí thì nên, mấy năm đầu thuận chèo mát mái, trang trải lần lần, đến năm 2010 trang trại của vợ chồng Hậu mới cơ bản ổn định. Bờ ao tràng giang đại hải thế mà đều được kè bằng tấm đổ bê tông. Nhà ở, kho, chuồng trại xây dựng quy củ trên khu đất nổi giữ hồ cá như đảo nhân tạo. Lại còn 5 giếng khoan, bể nước 30 khối để tắm cho đàn lợn, kéo về đường điện hai nguồn gồm cả hai “pha” , ba “pha”… Tốn công cũng lắm và tiền của cũng lắm!
Hậu hứng khởi hẳn lên khi tấm tắc về cái quyết sách của lãnh đạo huyện
Bí quyết làm ăn theo Hậu thì cứ kỹ thuật là hàng đầu, phải năng vệ sinh chuồng trại, theo dõi phòng dịch bệnh, cho ăn thức ăn hợp lý. Nuôi lợn kết hợp nuôi cá thì phải “căn” số lượng đàn phù hợp để lượng phân thải xuống vừa đủ để cá “dọn” sạch, giữ nước ao bao giờ cũng trong. Trong chọn con giống, thà mua đắt một lần, phải mua giống cực tốt để về cho tự sản gây đàn. Vấn đề thị trường thì theo Hậu, chỉ lo giá cả lên xuống thất thường lãi ít thôi, chứ có bao nhiêu khách đến tận trại mua bấy nhiêu…
Chưa biết anh còn dự tính những gì, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nhiều ý tưởng trong cái đầu “chịu nghĩ” của Nguyễn Văn Hậu khi anh khoát tay chỉ một vòng theo những tán cây xanh thẫm dưới ánh trăng quanh bờ ao: “Tôi đã trồng vải, hồng xiêm và cả gỗ sưa… Bờ ngoài trồng chuối, khi có cây khác thích hợp tôi sẽ thay thế…”. Nhưng cái cảm phục hơn, là chỉ có bốn bàn tay của hai vợ chồng, nhà “trại chủ” Nguyễn Văn Hậu “sinh” và đang “dưỡng” cả một cơ ngơi thế, mà vẫn thường giữ được cái phong thái sinh hoạt gia đình thong dong, thoải mái như cái đêm trăng tháng Năm dợm ngát hương sen này là sao?
Đình Sâm