Trái tim nóng và cái đầu lạnh
(Baonghean) - Người ta vẫn thường coi báo chí là “quyền lực thứ tư” sau các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và sức ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng của báo chí đối với xã hội. Vấn đề là người cầm bút vận dụng thứ quyền lực đó như thế nào và vào việc gì mới là điều quan trọng.
Có người vận dụng nó như là một công cụ để mưu cầu lợi ích cá nhân mà bỏ qua trách nhiệm xã hội của bản thân, chỉ nhằm “vinh thân, phì gia” cho bản thân và gia đình. Có người lại dùng nó như là một thứ vũ khí sắc bén để cải tạo xã hội hướng tới những mục đích cao đẹp đem lại dân chủ, công bằng, ấm no và hạnh phúc cho mỗi phận người. Điều đó phụ thuộc vào nhãn quan cũng như nhận thức - đầu óc và tình cảm - trái tim của mỗi một nhà báo. Vì thế, người trong giới báo chí vẫn thường nhắc nhở nhau là nhà báo cần phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Trái tim phải luôn nóng hôi hổi để biết yêu thương con người, tôn trọng và bảo vệ lẽ phải; biết căm giận trước những hành vi, việc làm sai trái gây hại cho xã hội; biết đớn đau khi hạnh phúc, nhân phẩm và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của một ai đó bị chà đạp. Để rồi dùng ngòi bút của mình viết nên những bài báo chiến đấu quyết liệt đến cùng để bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải và loại bỏ, triệt tiêu những tư tưởng, hành vi, việc làm sai trái của bất cứ ai. Dù đó là một cá nhân hay một tổ chức. Nhưng đi cùng trái tim nóng đó phải có cái đầu lạnh để đủ bình tĩnh, tỉnh táo, xem xét và nhìn nhận thấu đáo đâu là cái đúng, đâu là cái sai và phải có phương pháp đấu tranh như thế nào để chống lại những sai trái, xấu xa đó một cách có hiệu quả. Như cách những phóng viên của báo Nghệ An tác nghiệp trong vụ việc vi phạm pháp luật ở Nghi Phương (Nghi Lộc) cách đây chưa lâu.
Đứng trước những hành vi gây rối, coi thường pháp luật và tính mạng người khác của những đối tượng quá khích, ai mà không căm phẫn mà không muốn đứng lên “một mất, một còn”. Nhưng như thế chẳng “khác nào đổ dầu vào lửa” và suy cho cùng tất cả dù là bên lương hay bên giáo, dù là người tốt hay người xấu thì đều là con dân Nghệ An ta cả. Cho nên không có chuyện thắng thua ở đây. Mà chỉ có chuyện ai đúng, ai sai, ai phải, ai trái. Ai là kẻ kích động, xui nguyên giục bị, ném đá giấu tay mưu đồ xấu xa. Ai là ngộ nhận, là kẻ a dua hùa theo cần phải làm rõ ràng ra để “phải trái phân minh” mà vẫn giữ được “nghĩa tình trọn vẹn”. Để làm được điều đó, các phóng viên báo nhà đã bất chấp nguy hiểm đến tính mạng (như vậy là có trái tim nóng) tìm đủ mọi phương kế để thu thập đầy đủ nhân chứng, vật chứng để có thể “chỉ tận tay, day tận trán” thủ phạm chính gây ra việc. Khi đã thu thập đầy đủ mới bắt đầu lên tiếng bằng một loạt bài rất thấu tình, đạt lý và có tính chiến đấu cao (đó là có cái đầu lạnh) buộc những phần tử cơ hội, chống đối là người bình thường hay có phẩm trật, trình độ cao cũng phải “tâm phục, khẩu phục”, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Hay như việc điều tra, viết loạt bài phản ánh việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn đi qua Nghệ An cũng vậy.
Các phóng viên đã vào cuộc với “trái tim nóng và cái đầu lạnh” đúng nghĩa, góp phần giúp chính quyền tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đồng thời, qua đó rút ra được những bài học quý trong công tác giải phóng mặt bằng nói riêng và trong việc giải quyết những vấn đề liên quan mật thiết quyền lợi của người dân nói chung với quan điểm cơ bản, xuyên suốt là phải luôn đặt lợi ích người dân lên trên hết, khiến cho chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng phải nể và người dân thì phấn khởi, tin tưởng. Đó là hai biểu hiện cụ thể, điển hình cho cung cách làm báo có trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Tuy nhiên, nhà báo thì cũng chỉ có một cái đầu, có một cách nhìn, một cách đặt vấn đề. Đa số các trường hợp, cái đầu tỉnh táo, cái nhìn sáng suốt cùng với cách đặt vấn đề và cách tiếp cận đúng đắn. Tuy nhiên, không ít khi cái đầu của nhà báo cũng "chưa được như mong muốn" và trái tim đôi khi lạc nhịp nên đã gây ra không ít hệ lụy buồn cho xã hội. Hệ quả của nó đã được đề cập khá nhiều trên các diễn đàn xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng, không cần nhắc lại ở đây nữa. Mà điều cần nhắc lại ở đây là để “giữ lửa” và làm rạng danh nghề báo, xóa đi những định kiến không tốt của xã hội đối với nghề báo là “nhà văn nói láo, nhà báo nói ngoa” và để báo chí thật sự là “cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân”, nhà báo phải thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng, tu dưỡng chính trị tư tưởng, đặc biệt coi đạo đức nghề báo là chân giá trị, là “kim chỉ nam” cho hoạt động của mình, để đủ “tâm” và “tầm” trong quá trình khai thác và xử lý nguồn tin, tạo ra nhiều tác phẩm hay, phản ánh chân thực cuộc sống, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đó chính là cách để có được trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Duy Hương