Trầm lắng làng nghề chế biến hải sản

09/01/2012 21:06

(Baonghean.vn) - Thời điểm cuối năm thường là mùa làm ăn mạnh nhất của các cơ sở chế biến hải sản, do trong dịp Tết,...

(Baonghean.vn) - Thời điểm cuối năm thường là mùa làm ăn mạnh nhất của các cơ sở chế biến hải sản, do trong dịp Tết, nhu cầu của người dân về các mặt hàng đồ khô như mực, tôm, ruốc, cá phi lê hay nước mắm tăng cao.

Như mọi năm, các cơ sở chế biến phải làm cật lực, cả làng nghề nhộn nhịp hẳn lên với hàng trăm nhân công đang tất bật làm ra sản phẩm cung ứng cho thị trường. Các đơn đặt hàng không ngừng đổ về, người mua, người bán chen lấn để mua được hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng không khí sản xuất, mua bán tại nhiều làng nghề, cơ sở chế biến hải sản hết sức trầm lắng.

Về Diễn Châu những ngày này, tại các cơ sở chế biến vẫn chưa thấysự nhộn nhịp quen thuộc như mọi năm. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: "So với các năm trước, người mua chen nhau đông nghịt thì năm nay, hoàn toàn trái ngược. Các cơ sở chế biến đang rất khó khăn trong việc tìm nơi tiêu thụ. Năm ngoái, các mặt hàng như mực khô, tôm nõn đến thời điểm này đã khan hàng. Nhiều người nơi khácđến mua đã phải tranh giành nhau.



Các cơ sở chế biến nước mắm tại Diễn Châu đang lo lắng
do sức tiêu thụ kém


Ông Nguyễn Xuân Hòa (xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc), chủ một cơ sở chế biến hàng đông lạnh cho biết: "Do giá đầu vào tăng cao nên chúng tôi bán ra thị trường cũng phải tăng. Tùy thuộc vào mặt hàng nhưng như mực một nắng hay tôm nõn sấy, giá cũng lên tới hơn 400 ngàn/kg. Hàng này chủ yếu được xuất đi Trung Quốc, chứ dân mình làm sao có điều kiện mà mua được".

Được biết, mỗi tháng ông Hòa xuất được khoảng 3 tấn hàng thông qua đường tiểu ngạch. Nhưng gần cuối năm, cửa khẩu sắp đóng cửa nên ông Hòa đang không biết tiêu thụ đi đâu. "Người dân trong huyện khi nào gần tết họ mới đến mua một vài kg thôi. Chúng tôi đã cố gắng giảm chi phí đầu vào để người tiêu dùng có thể tiếp cận, nhưng cũng không được bao nhiêu".

Ảm đạm nhất vẫn là các cơ sở chế biến nước mắm nhỏ, lẻ. Đây là thời điểm mà nhiều cơ sở sẽ tung hàng ra bán sau 1 năm ủ cá. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đang rất lo lắng. Bà Trần Thị Chuyên (xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc) buồn rầu cho biết: "Ngày nào giỏi lắm thì bán được hơn 10 lít, có ngày còn không bán được một lít nào. Thời điểm này như năm ngoái, mỗi ngày nhà tôi bán được hơn 50 lít, nhưng năm nay thì khó khăn lắm".


Nhà bà Chuyên hiện có 50 am, là một trong những hộ sản xuất nhỏ, tại xã Diễn Bích có nhiều hộ có tới gần 200 am. Sau 1,5 năm ủ cá bằng phương pháp truyền thống, đây là thời điểm nước mắm đạt độ đạm cao. Không chỉ riêng gia đình bà Chuyên mà nhiều cơ sở chế biến nước mắm đang "dở khóc, dở cười' vì không bán được hàng. "Hiện nay, trên thị trường xuất nhiều loại nước mắm như Chin su, Nam Ngư có mẫu mã đẹp, tiện lợi, quảng cáo rầm rộ.

Tuy nước mắm của chúng tôi có độ đạm cao gấp nhiều lần nhưng vẫn rất khó cạnh tranh được với các hãng khác", bà Chuyên cho biết: Ở xã Diễn Bích, không khí mua bán cũng chẳng khá hơn. Theo ông Thạch Đình Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã thì sản lượng nước mắm của xã tiêu thụ năm 2011 chỉ được 2 triệu/3 triệu lít, đạt 66% so với kế hoạch đề ra. Toàn xã Diễn Bích có hơn 100 hộ sản xuất nước mắm, mỗi năm tiêu thụ hơn 1 tỷ lít nước mắm, doanh thu đạt gần 18 tỷ đồng.

Hộ anh Nguyễn Văn Diễn là một trong những cơ sở chế biến nước mắm lớn nhất nhì xã, nhưng sức mua tháng cuối năm cũng rất èo uột. "Mặc dù nước mắm của chúng tôi đã có thương hiệu, được mọi người tiêu dùng nhưng vẫn rất khó bán. Nếu cứ tình trạng thế này chúng tôi cũng sẽ bỏ nghề mất thôi. Không bán được hàng, Tết năm nay cũng mất vui đi nhiều", anh Diễn chia sẻ.


Nguyên nhân mà hầu hết các chủ cơ sở đưa ra là do nguồn nguyên liệu cuối năm khan hiếm hơn. Do đó, chi phí đầu vào tăng cao buộc các cơ sở này phải nâng giá bán. Trung bình, các mặt hàng như mực khô, tôm nõn sấy, cá trỏng cơm... đều tăng từ 20-30% giá bán. "Năm ngoái, tháng cuối năm, đại lý của tôi bán được gần 10 tấn hàng khô, còn nước mắm thì hơn 1000 lít. Nhưng năm nay, hàng khô chủ yếu là dân mua lẻ người vài cân, nước mắm thì chỉ bán được hơn 300 lít", ông Lê Đức Tuấn, chủ một đại lý hàng hải sản tâm sự.


Tình hình sản xuất và tiêu thụ của các cơ sở chế biến hải sản giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, nhất là những lao động làm việc tại các cơ sở này. Tết đã cận kề, nhưng có lẽ không khí sẽ kém vui hơn đối với những người dân miền biển này...?.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Trầm lắng làng nghề chế biến hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO