“Trận địa” thông tin cơ sở đang bị bỏ trống?

15/08/2013 14:36

(Baonghean) - Hiện toàn tỉnh có 445/480 xã, phường (đạt 92,7%) có hệ thống truyền thanh cơ sở. Tuy nhiên, có tới hơn 150 đài hỏng hoàn toàn, trên 200 đài hoạt động “chập chờn”. người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với sách báo chiếm tỷ lệ cực thấp.

Vùng cao “đói”… thông tin

Dẫn tôi vào căn phòng tạm dùng làm kho, cậu nhân viên văn hóa xã Yên Tĩnh (Tương Dương) nhấc chiếc ghế tựa hỏng sang một bên rồi chỉ vào một vật hình khối nằm lấp ló bên mớ sổ sách giấy tờ ố vàng: “Thiết bị máy truyền thanh bị hỏng nên tạm cất vào đây”. Cậu ta cười khi tôi hỏi đến cán bộ phụ trách đài truyền thanh: “Trước có, nhưng khi đài tê liệt thì xã chuyển ông ấy sang làm làm việc khác rồi”.

Ông Lâm Việt Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết: Ở xã này thông tin đang gặp khó khăn lớn. Cả xã có 9 bản nhưng chỉ 2 bản ở trung tâm là có 2 cụm loa truyền thanh còn sử dụng được, 4 bản chưa có điện lưới. Đó là chưa nói đến báo chí, xã có tới 14, 15 đầu báo, tạp chí cả mua lẫn cấp nhưng để đưa vào được những bản như Na Cáng cách trụ sở ủy ban tới 17 cây số đường rừng cho kịp là khó. Còn chuyện có ai đọc báo hay không lại là vấn đề khác. Riêng Tương Dương còn có những xã như Hữu Khuông, Nhôn Mai, Môn Sơn chưa có đường ô tô vào trung tâm, chưa có điện lưới, nên báo chí mỗi tuần về xã chỉ từ một đến hai lần.



Báo Đảng đến với người uy tín vùng cao nơi thừa, nơi thiếu.
(Trong ảnh: Ông Lượng - người uy tín ở bản Coọc, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương mỗi tháng được phát 2 lần báo, có những số báo tới 4 tờ). Ảnh: V.Đ

Không đến mức xếp xó thiết bị máy móc như ở xã Yên Tĩnh của Tương Dương, tình trạng Đài truyền thanh ở xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn) lại khác. Ông Trương Bá Hoàn, trưởng ban văn hóa xã cho hay: Chỉ cần một cú sét mạnh là có đến nửa số xóm trong xã bị cháy thiết bị tiếp sóng. Mỗi lần sửa mất chừng vài ba trăm nghìn đồng. Có xóm để hàng tháng mới mang đi sửa chữa.

Theo chuyên viên Phòng Văn hóa Anh Sơn thì 21/21 xã, thị trấn ở huyện này đều có đài truyền thanh không dây nhưng hiện nay có 6 xã thiết bị hỏng và trở thành “điểm trắng” truyền thanh. Còn ở huyện Tương Dương, hiện có 3 xã là Tam Thái, Yên Na, Nga My được nhận 3 trạm phát truyền hình, phát thanh, 14 xã có đài truyền thanh, có đến 122/153 thôn bản của huyện có cụm loa nhưng đến nay con số đó chắc gì đã chính xác, như trường hợp xã Yên Tĩnh nêu trên.

Theo khảo sát gần đây của Sở Thông tin & Truyền thông thì toàn tỉnh có 445/480 xã, phường (đạt 92,7%) có hệ thống truyền thanh cơ sở. Tuy nhiên có tới hơn 150 đài hỏng hoàn toàn, trên 200 đài hoạt động chập chờn. Các huyện như Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu xấp xỉ 3/4 đài phải xếp vào kho. Cũng theo cơ quan chức năng thì các thiết bị đài truyền thanh hiện nay ở cơ sở được đầu tư theo nhiều chương trình khác nhau. Có những thiết bị được đầu tư từ 15, 17 năm về trước nên việc hư hỏng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh hoạt động của các đài truyền thanh cơ sở, một hình thức mà dân bản gọi là “không dậy vẫn nghe được” là đài truyền hình được người dân ở tất cả các vùng ưa chuộng. Theo lời của một cán bộ văn hóa Tương Dương thì huyện này có tới 95% nghe đài truyền thanh và 85% số người được xem truyền hình. Nếu đúng như thế thì quả là điều đáng mừng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi khi qua các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Lưu Kiền thì tuyệt đại bộ phận số nhà có ti vi đều thu hình qua ăng ten chảo. Nhưng, phần lớn trong số đó lại dùng chảo lậu nên không thể bắt được kênh của Đài Truyền hình Nghệ An, hoặc các trạm chuyển tiếp truyền hình trên địa bàn. Xem truyền hình bà con cũng chủ yếu “mở” chương trình văn nghệ, giải trí là chính. Được biết ở các huyện miền núi, nhất là các huyện vùng cao đều có tình trạng tương tự.

Đài truyền thanh xã – phương tiện chủ yếu để truyền tải thông tin đến người dân đã vậy huống hồ là sách báo. Hiện ở Tương Dương và các huyện rẻo cao như Kỳ Sơn, Con Cuông, phần lớn các thôn, bản, đơn vị trực thuộc xã ngoài 2 tờ báo đảng là Nhân Dân và Nghệ An còn có 15 đầu báo, tạp chí ngành, đoàn thể khác. Tuy nhiên, trừ cán bộ lãnh đạo thôn bản và ban, ngành của xã, còn bà con dân bản, do nhiều lý do, không được tiếp cận với loại hình thông tin này.

Đó là chưa kể đến ở Phòng Văn hóa Anh Sơn đang có một tủ đựng chục cuốn sách như “Sử thi BAHNAR KRIÊM – BAHNAR KONKDEH của NXB Lao động dày gần bằng một đốt ngón tay, cuốn “Văn học dân gian Hà Giang” của NXB Thanh niên thì dày gấp đôi như thế, có tới 1.155 trang! Cuốn “Lễ hội của người Chăm và người Ê Đê” cũng có đến 500 trang… hỏi ra mới biết đây là những cuốn sách do một dự án ở cấp trung ương đưa về cho bà con dân tộc Thái ở đây… đọc. Chỉ nhìn tên sách và độ dày “khủng” như thế thì e bà con đã không nhìn đến, nói chi đến đọc.

Thực trạng trên dẫn tới việc phổ biến chủ trương chính sách cũng như các thông tin khác, cơ sở phải dựa vào các báo cáo viên, tuyên truyền viên cùng các cán bộ ngành, đoàn thể và cốt cán thôn, bản. Tuy nhiên, người dân không phải ai cũng đều đi họp và mức độ tiếp thu lại còn phụ thuộc vào năng lực truyền tải thông tin của tuyên truyền viên.



Cụm loa ở bản Na Khốm, xã Yên Na (Tương Dương)

Bắt đầu từ cán bộ

Ông Nguyễn Văn Quân, báo cáo viên của xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) là một người say sưa với công việc. Theo ông, bây giờ mà nói như kiểu ngày xưa thì khó lọt tai người nghe lắm; vì nhà nào cũng có máy thu hình; nếu cần có thể ra quán lên “mạng”. Do đó, để đảng viên, người dân không ngủ gật trong buổi “nghe thời sự” mà mình làm diễn giả, ông dành thời gian đọc báo, nghe đài, xem ti vi và nhất là các bản tin nội bộ của tỉnh, của huyện rồi liên hệ với thực tế địa phương để cập nhật kiến thức. Còn “khoa nói” thì khỏi phải bàn, nhiều người bảo, ông Quân mà nói thì con kiến trong lỗ cũng chui ra nghe.

Còn trưởng đài xã Yên Na (Tương Dương) - anh Lô Mai Hằng, với tấm bằng tốt nghiệp Trường Phát thanh truyền hình Nghệ An, là một nhân viên đa năng thật sự. Không kể nhiệm vụ phó chủ tịch hội khuyến học mà anh đang kiêm nhiệm, thời gian chủ yếu anh dành viết tin bài, biên tập, tổ chức chương trình và kiêm luôn phát thanh viên. Đều đặn, mỗi tuần, Hằng làm một chương trình gồm 5 tin, 1 phóng sự thu thanh cùng 1 gương “người tốt việc tốt” hoặc “người thật việc thật”. Có lần, ông Lô Văn Thành ở bản Na Khốm đã xin được “lên đài” để hứa bỏ bớt rượu chè. Còn anh Vi Văn Tuyên ở bản Cò Phào thì qua đọc báo và nghe đài đã làm chuồng chăn nuôi nhím, lợn thịt để mỗi năm xuất chuồng được gần tấn lợn hơi và 2 lứa nhím.

Tuy nhiên, số báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ phụ trách đài truyền thanh ở cơ sở như ông Quân ở Thanh Thịnh, anh Hằng ở Yên Na không nhiều. Nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nếu ai đó nghĩ trong thời đại “bùng nổ” thông tin như hiện nay thì hình thức truyên truyền miệng hết đất “dụng võ” là lầm to. Chính trong “thời @” này tuyên truyền miệng lại cần thiết hơn bao giờ hết. Đó là cách định hướng dư luận tốt nhất trong các luồng thông tin xô bồ, thậm chí có hại được tung ra từ các nguồn tin không chính thống hiện nay. Mặt khác, nó còn góp phần nâng cao nhận thức chính trị, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác cho cán bộ, đảng viên và người dân ở cơ sở. Thực tế ở hai xã vùng sâu Yên Na, Yên Tĩnh (Tương Dương) và các xã miền núi thấp như Lạng Sơn (Anh Sơn), Thanh Thịnh (Thanh Chương) cho thấy, nơi nào làm tốt công tác thông tin và truyền thông thì nơi đó, nội bộ cán bộ, nhân dân đoàn kết, đồng thuận trong mọi việc, kinh tế xã hội phát triển và ngược lại!

Hiện nay ở cấp xã có ít nhất một báo cáo viên và có từ 5-7 tuyên truyền viên theo từng lĩnh vực và nếu có đài truyền thanh thì có ít nhất 1 người phụ trách. Cả tỉnh có 480 xã, theo đó mà nhân lên thì đội ngũ làm thông tin ở cơ sở của tỉnh ta quả là hùng hậu về số lượng. Tuy nhiên có thể khẳng định, chất lượng đội ngũ này chưa tương xứng với yêu cầu, số báo cáo viên, truyên truyền viên có năng lực thuyết phục lẫn trình độ am hiểu sâu rộng trên các lĩnh vực rất ít.

Được biết, trước khi triển khai Chương trình “Đưa thông tin về cơ sở” (năm 2012) toàn tỉnh từ cấp huyện đến cấp xã chỉ có 20,13% cán bộ thông tin được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ về thông tin và truyền thông, 12,2% cán bộ được đào tạo về kỹ thuật khai thác thiết bị máy móc và 28,3% được bồi dưỡng kiến thức tin học. Chính chất lượng đội ngũ làm thông tin như thế thì ngày càng thêm nhiều điểm “trắng” về đài truyền thanh cơ sở, hiệu quả các loại hình thông tin khác như sách báo, tuyên truyền miệng ở nhiều nơi yếu kém và nhiều người dân “mù” thông tin cũng không có gì khó hiểu.

Tăng cường đưa thông tin về cơ sở

Chương trình “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” gọi tắt là “Chương trình đưa thông tin về cơ sở” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì là 1 trong 15 chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/11/2012.

Đó là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Chương trình gồm 3 dự án, đó là tăng cường năng lực cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông và tăng cường nội dung thông tin và truyền thông. Được biết, trong số hơn 12.600 xã của cả nước có 265 xã ở 18 huyện của Nghệ An được thụ hưởng chương trình này.

Theo chuyên viên sở Thông tin & và Truyền thông thì đến nay tỉnh ta đã khảo sát và từng bước thực hiện chương trình này ở cơ sở. Theo đó đã tổ chức triển khai 4 lớp bồi dưỡng kiến thức cho 30% số cán bộ thông tin, truyền thông ở 165 xã; hoàn thành 2 trạm phát lại phát thanh, truyền hình ở xã Nga My (Tương Dương) và Châu Thôn (Quế Phong), lắp đặt đài truyền thanh ở 7 xã thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Thanh Chương, Anh Sơn, lắp đặt thiết bị nghe xem tại 12 bản của 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong cùng một số phương tiện tác nghiệp cho cán bộ thông tin cơ sở ở Quế Phong.

Mặt khác, 470.400 cuốn sách có nội dung đề cập đến nhiều lĩnh vực phù hợp với bà con nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng đã được chuyển đến các điểm Bưu điện - văn hóa xã, 20 đồn biên phòng.

Do Chương trình mới được triển khai một nửa thời gian theo kế hoạch (2011 – 2015) nên chưa nói được gì nhiều về hiệu quả. Tuy nhiên qua tìm hiểu, nếu 3 dự án của Chương trình được các cơ quan chức năng triển khai bài bản, khoa học, trang thiết bị và nội dung chuyển tải thông tin về cơ sở phù hợp với thực tiễn thì chắc chắn sẽ “bịt” được các lỗ hổng trên mặt trận thông tin ở cơ sở hiện nay. Nếu không, kết quả 3 dự án đó sẽ lặp lại những dự án tăng cường thông tin, văn hóa cho các xã miền núi, vùng cao trước đây là điều khó tránh. Và trận địa thông tin chính thống ở cơ sở lại tiếp tục bị bỏ ngỏ?


Bài, ảnh: Việt Long

Mới nhất
x
“Trận địa” thông tin cơ sở đang bị bỏ trống?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO