Trần Hữu Thung và những câu thơ đằm thắm
(Baonghean) - Trần Hữu Thung là người rất khỏe mạnh, một đô vật hàng đầu của huyện Diễn Châu xưa. Nhà văn Bùi Hiển viết về bạn mình: "Làng Trung Phường quê anh gần lèn Hai Vai. Bỗng dưng tôi nảy liên tưởng, ví cái dáng chắc nịch của anh bạn nhà thơ nông dân với cái dáng sừng sững ngang tàng, đôi vai trải rộng của hòn núi đá tên tuổi được ghi trong sử sách". Ông lại là người đa tài, là một cầu thủ bóng đá xuất sắc, một tay bơi lội được ví "như con rái cá", một người giỏi bẫy chim, bắt cá nổi tiếng.
Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa thường ngất ngưởng tự hào: Trời đất cho ta một cái tài/Dắt lưng dành để tháng ngày chơi... Nhưng cái tài của cụ là cầm, kỳ, thi, tửu thì... xem ra Trần Hữu Thung chỉ có mỗi cái thứ ba (thi) là giống bậc đồng hương xứ Nghệ tiền bối mà thôi.
Nhà thơ Trần Hữu Thung (ngồi, trái ảnh) cùng văn nghệ sĩ Nghệ An năm 1984. Nguồn: nguyentrongtao.vnweblogs.com
Trần Hữu Thung, ngoài Thăm lúa - bài thơ được đưa vào sách giáo khoa, được nhiều người bình giảng, còn có các bài thơ hay khác như Anh vẫn hành quân đã được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc, nhạc và lời bài hát này vẫn còn đủ sức lay động lòng người; còn có Tiếng hát thì thầm, và Chợ Tết sau chân núi mà theo lời nhà thơ Vũ Quần Phương "như một thành công muộn mằn của đời thơ ông". Và nếu thơ trữ tình công dân Trần Hữu Thung dần dần bị khuất lấp thì trái lại, mạch thơ trữ tình cá nhân của ông lại có chiều nổi lên. Một số bài thơ Vô đề ông sáng tác vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước là những bài thơ đầy thiết tha, đằm thắm. Ví như bài nói về nỗi nhớ người tình:
Quên nhau thật khó lắm mà,
Nhớ nhau cứ vậy như là ngày đêm.
Ngày ơi nắng trải ngang thềm
Đêm ơi chênh chếch nửa rèm vầng trăng.
Em ơi phải thú thực rằng
Quên nhau khó lắm chi bằng nhớ nhau.
Hay bài sau đây thể hiện nỗi ước mong về tình yêu và sáng tạo của nhà thơ mà cũng là khát vọng chung cho các nghệ sĩ:
Là tằm, tằm biết nhả tơ
Là anh, anh biết làm thơ cho đời.
Tơ tằm dệt lụa em ơi
Thơ anh anh nói những lời mến yêu.
Ước chi có những buổi chiều
Hanh hanh nắng núi, hiu hiu gió đồng.
Em tôi mặc áo lụa hồng
Ngồi trên bãi cỏ đọc dòng thơ tôi.
Đó là chưa nói ông còn viết ký, còn soạn từ điển... Điều đáng trân trọng nhất ở Trần Hữu Thung là cái tâm của ông trong sáng, tình cảm của ông chân thành và cách diễn đạt độc đáo không lẫn vào ai được. Ông từng ví mình như cây tre:
Dù trăm ngọn gió xoay chiều
Là tre cha chỉ biết reo tiếng mình.
Gốc bền, cây thẳng, ngọn xinh
Thủy chung sống giữa nghĩa tình xóm quê.
(Cây tre)
Trọn đời Trần Hữu Thung đã đi đúng con đường mà nhà thơ lớn, nhà phê bình kiệt xuất Xuân Diệu đã tiên đoán trong bức thư gửi ông đề ngày 3 - 2 - 1954: "... Mình thấy Thung có đủ bản lĩnh để làm một thi sĩ chắc chắn về lập trường, tư tưởng, về sự chịu khó hi sinh các sáng tác của mình vì nhiệm vụ, về tinh thần trách nhiệm của Thung, về khả năng hiểu biết của Thung về thơ, đào sâu trong ca dao, trong thơ cổ điển kiêm thêm một sự chí thú nhà nghề làm đi làm lại...Cái định đoạt cho thơ Thung không phải là Thủ đô, là tờ báo, là ban giám khảo hay các giải thưởng mà đó là trang giấy trắng, mực đen mà Thung cặm cụi đặt bài thơ của mình lên chữa đi, chữa lại, là quần chúng tán thưởng thơ Thung. Con đường thơ là con đường chân thật, ở trong ruột rút ra.Theo mình, trong lớp thi sĩ mới sau Cách mạng tháng Tám, Thung đã có chỗ hẳn hoi, duy nhất. Nên luôn cố gắng, chân tâm làm thi sĩ, Thung sẽ cống hiến được một cái gì đó cho thơ Việt Nam..." .
Hồ Sĩ Hùy