Tràn lan chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ giả

04/08/2014 09:51

(Baonghean) - Hiện nay, nhiều cơ quan, nhất là các cơ quan nhà nước, khi tổ chức tuyển dụng, ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn chính thức, đều có yêu cầu về chứng chỉ trình độ tin học, ngoại ngữ. Để giải quyết công việc, tránh phải thi cử, nhiều người đã lựa chọn cách... mua chứng chỉ. Thời điểm tháng 7, tháng 8 là lúc vào mùa tuyển dụng, đồng thời được coi cũng là dịp “vào mùa” của các đối tượng làm giả các chứng chỉ tin học và ngoại ngữ...

Hai mẫu chứng chỉ thật (trên) và giả (dưới).
Hai mẫu chứng chỉ thật (trên) và giả (dưới).
ok
ok

Mua chứng chỉ dễ như… mua rau

Sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng năm 2010, H.Đ.T (SN 1986, trú ở xã Nghi Đức, TP. Vinh) được nhận vào làm việc tại một công ty xây dựng cầu đường có trụ sở ở TP. Vinh. Cuối năm 2013, T. muốn thay đổi môi trường làm việc nên làm hồ sơ xin vào Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện H. Hồ sơ xin việc yêu cầu phải có chứng chỉ Tin học và chứng chỉ Ngoại ngữ, trong khi trình độ tiếng Anh của T chẳng khá hơn học sinh tiểu học là bao. Vậy mà, chỉ sau chưa đầy một tuần kể từ khi bắt đầu làm hồ sơ, T đã có trong tay 1 chứng chỉ Tin học, 1 chứng chỉ tiếng Anh trình độ B, tất cả đều là loại giỏi. 2 chứng chỉ đó đều do Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ Vatec cấp. T khoe: “Em làm gì có thời gian để mà học, rồi thi lấy chứng chỉ hả anh. Mà với “năng khiếu” của em thì có học thật, thi thật cũng chẳng đậu. Vậy nên em tìm đến mấy trung tâm Tin học, Ngoại ngữ, bỏ ra vài trăm nghìn là có ngay chứng chỉ. Bây giờ mấy cái chứng chỉ loại này mua dễ như mua rau ấy mà!”.

Từ câu chuyện của T, chúng tôi tìm hiểu thực hư việc mua bán chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ hiện nay. Trong vai người cần “mua” chứng chỉ, chúng tôi tìm đến Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ D. tại đường Nguyễn Duy Trinh (TP. Vinh), gần Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh. Tiếp chúng tôi là 2 nhân viên, một nam, một nữ. Khi tôi đặt vấn đề muốn học một khóa tiếng Anh để lấy chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B, nhân viên nam tên Hưng cho biết: “Hiện nay chỗ mình chưa có lớp bạn ạ!”. Khi tôi tỏ ra lo lắng, nói cần gấp chứng chỉ tiếng Anh để bổ sung vào hồ sơ xin việc phải nộp vào tuần sau, không hề e dè, Hưng cho biết: “Nếu bạn muốn làm chứng chỉ mà không cần học thì bên mình sẽ đáp ứng. Thủ tục rất đơn giản, bạn chỉ cần nộp cho mình 2 ảnh 3x4, bản phô-tô CMND và lệ phí 150.000 đồng, một tuần sau bạn sẽ nhận được chứng chỉ”. Tôi đặt vấn đề cần luôn một chứng chỉ Tin học, Hưng cho biết, giá chứng chỉ Tin học rẻ hơn, chỉ 70 nghìn đồng. Thấy tôi có vẻ ngần ngừ, Hưng nói như đinh đóng cột: “Bạn cứ yên tâm, chứng chỉ của mình ở đây là chứng chỉ của Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp, bạn cầm đi xin việc ở đâu cũng được!”.

Lấy cớ chưa có ngay ảnh, tôi hẹn Hưng sẽ quay lại vào buổi chiều và đến một trung tâm khác, đó là Trung tâm Đào tạo Tin học – Ngoại ngữ B.K.V ở đường Nguyễn Đức Cảnh. Tiếp tôi, một nhân viên nữ của trung tâm cho biết, trung tâm này tổ chức đào tạo các chương trình tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Hàn Quốc..., đào tạo chương trình Tin học ứng dụng trình độ A, B, C, Tin học văn phòng, trình diễn điện tử, ngôn ngữ lập trình… Đồng thời, cấp chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Ngoại ngữ và Tin học ứng dụng. Khi tôi đặt vấn đề muốn “lấy nhanh” một chứng chỉ tiếng Anh, nhân viên này cho biết, muốn vậy thì nên “mua”, nhưng phải làm bài thi để lưu hồ sơ, tránh các cơ quan chức năng kiểm tra. Thuận theo lời tư vấn, chúng tôi quyết định làm bài thi để có 1 chứng chỉ tiếng Anh trình độ B. Dưới sự hướng dẫn của nhân viên trung tâm, chưa đầy 10 phút, bài thi của tôi đã hoàn thành. Sau đó, tôi được nhân viên này dặn dò đem ảnh, CMND và 150.000 đồng tới trung tâm và một tuần sau đến lấy chứng chỉ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Đem vấn đề này trao đổi với phòng Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo), ông Nguyễn Duy Cao – Phó phòng cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 28 trung tâm đủ điều kiện cấp chứng chỉ Tin học – Ngoại ngữ do Sở Giáo dục &Đào tạo quản lý, trong đó có 21 Trung tâm Giáo dục thường xuyên (2 trung tâm cấp tỉnh, 19 trung tâm cấp huyện) và 6 trung tâm Tin học – Ngoại ngữ khác là Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ Sara, Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ Hồng Lam, Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ Phương Đông, Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ Trường chính trị, Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ Trường Trung cấp nghề KT-KT Vinh, Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ Vatec và Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ VTC. Ngoài 28 trung tâm này thì còn có một số trung tâm trực thuộc các trường đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh, có chức năng cấp chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ nhưng theo quy định do các trường đại học, cao đẳng quản lý chứ không trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Như vậy, 2 trung tâm mà chúng tôi đi thực tế đều không đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ. Sau khi xem 2 chứng chỉ của anh T mà chúng tôi đề cập ở trên, ông Cao khẳng định đây là chứng chỉ giả. Ông Cao cũng cho biết, phôi chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học các loại hiện nay chỉ có một mẫu duy nhất do Bộ GD&ĐT cấp. Quy trình để cấp được một chứng chỉ của bộ là rất chặt chẽ: Các cơ sở đào tạo, sau khi hoàn thành chương trình học cho học viên, đề nghị sở đứng ra tổ chức các kỳ kiểm tra thì Sở sẽ thành lập hội đồng và kiểm tra. Sau đó, căn cứ vào số lượng học viên đạt tiêu chuẩn vượt qua kỳ thi, Sở GD&ĐT sẽ mua phôi của bộ và sở ký chứng chỉ thì đó mới là chứng chỉ hợp quy.

Theo ông Cao, tình trạng mua bán chứng chỉ như hiện nay, xuất phát từ việc người mua cũng như đơn vị tuyển dụng lao động yêu cầu chứng chỉ chưa phân biệt được chứng chỉ thật, giả. Lâu nay các đơn vị tuyển dụng lao động thường yêu cầu trong hồ sơ xin việc phải có chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ nhưng nhiều đơn vị lại không quan tâm thực chất trình độ Tin học, Ngoại ngữ của người tham gia tuyển dụng đến đâu. Do đó, việc sử dụng chứng chỉ “mua, bán” chỉ giúp người lao động làm “đẹp” hồ sơ và mang nặng tính hình thức. Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với cơ quan công an tăng cường kiểm tra các cơ sở đào tạo Tin học, Ngoại ngữ để phát hiện, xử lý tình trạng in ấn chứng chỉ giả.

Bài, ảnh: Minh Quân

Mới nhất

x
Tràn lan chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO