Trận nghi binh kỳ thú
Tròn 40 năm trước, 14 giờ ngày 28-2-1975, trận đánh nghi binh, lừa địch mở màn Chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975 bắt đầu. Các loại hỏa lực của Sư đoàn 968 đồng loạt bắn phá các mục tiêu: Thị xã Plei-cu, Sân bay Cù Hanh, căn cứ Hàm Rồng, thị xã Kon Tum, sau đó bộ binh thực hành tiến công địch trên cả hai hướng Kon Tum và Plei-cu... Hoạt động nghi binh lừa địch trong Chiến dịch Tây Nguyên và trong các chiến dịch sau này là nghệ thuật quân sự độc đáo, tài tình, sáng tạo góp phần vào Đại thắng mùa Xuân 1975.
Trước khi nổ ra chiến cuộc 1975, Tây Nguyên đã bị ta ép từ hai phía. Phía bắc do Sư đoàn 10 đang áp sát bắc thị xã Kon Tum đến tận Võ Định (cống 3 lỗ). Phía tây, Sư đoàn 320 áp sát thị xã Plei-cu. Để hình thành thế bao vây, chia cắt Tây Nguyên với Quân khu 1 và 3 của địch, trước khi tiến công Tây Nguyên ta đã cắt cả 2 tuyến đường huyết mạch nối đồng bằng với Tây Nguyên là Quốc lộ 19 và 21 ở phía đông và chia cắt Quốc lộ 14 ở phía nam. Địch chỉ còn có con đường tiếp tế, chi viện trên không nhưng các sân bay Kon Tum, Plei-cu đã nằm trong tầm bắn của pháo binh và Sân bay Hòa Bình đã nằm trong kế hoạch tiến công của bộ đội đặc công và bộ binh ta. Các khu vực có thể đổ bộ đường không đã được các đơn vị chuẩn bị sẵn phương án tác chiến.
Sơ đồ Chiến dịch Tây Nguyên từ ngày 4-3 đến ngày 3-4-1975. Ảnh tư liệu |
Ngày 9-1-1975, Quân ủy Trung ương đã họp triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến dịch Tây Nguyên, quyết định tăng cường tổ chức, chỉ huy và lực lượng cho chiến trường Tây Nguyên.
Về lực lượng tác chiến, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên được tăng cường 2 sư đoàn bộ binh: Sư đoàn 968 từ chiến trường Nam Lào sang thay thế cho Sư đoàn 10 và 320 ở bắc Kon Tum và Tây Plei-cu. Sư đoàn 316 từ miền Bắc vào để tham gia tiến công mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột.
Cùng với Sư đoàn 3, các trung đoàn đang chiến đấu ở Tây Nguyên và lực lượng vũ trang các tỉnh Tây Nguyên, chúng ta đã tạo ra ưu thế hơn hẳn so với địch. Trước khi nổ súng, so sánh lực lượng, ta đã vượt lên như sau: Về sư đoàn bộ binh: Ta 4 địch 1, nếu tính cả Sư đoàn bộ binh 3 tham gia cắt Đường 19 ở Bình Định tỷ lệ đó là 5/1. Trung đoàn bộ binh: 1,5/1, trong đó trên hướng mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột gồm Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 24, Trung đoàn 198 đặc công, Tiểu đoàn 27 đặc công, Trung đoàn thiết giáp 273, hai trung đoàn pháo binh 40, 675, hai trung đoàn cao xạ 232 và 234, hai trung đoàn công binh và Lực lượng vũ trang tỉnh Đắc Lắc.
Như vậy, trên chiến trường Tây Nguyên cũng như trên hướng mục tiêu then chốt của chiến lược, ta đã tạo nên ưu thế áp đảo đối với địch. Song, mặc dù ta đã tạo được ưu thế hơn địch cả về thế trận, lực lượng, vũ khí và phương tiện nhưng nếu quá trình cài thế, địch phát hiện được ý định của ta, tăng cường lực lượng cho Buôn Ma Thuột sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, dù ta đã có phương án đánh địch có phòng ngự dự phòng. Vì vậy, để kìm chắc lực lượng địch ở Bắc Tây Nguyên, ta đã tiến hành các biện pháp nghi binh, đánh lừa địch làm cho cả tình báo Mỹ, tổng thống và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn luôn tin chắc là mùa Xuân 1975, Việt Cộng sẽ tiến công ở Bắc Tây Nguyên.
Nghi binh để điều khiển địch theo ý định của ta cũng là một nghệ thuật nổi bật của Chiến dịch Tây Nguyên Xuân 1975. Về lực lượng ta đã sử dụng cả Sư đoàn 968 thực hiện nhiệm vụ này. Sư đoàn 968 về đến Tây Nguyên vào dịp Tết âm lịch đã bắt tay ngay vào việc trinh sát địa hình, nhận bàn giao chiến trường của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320. Việc cơ động lực lượng được giữ bí mật nghiêm ngặt.
Sau khi nhận bàn giao chiến trường, từ đầu tháng 2-1975, sư đoàn bắt đầu nhiệm vụ nghi binh lừa địch của mình. Một trung đoàn bố trí ở bắc Kon Tum đã tiếp nhận các trận địa của Sư đoàn 10 để lại, thường xuyên duy trì các hoạt động trinh sát, bắn tỉa, pháo kích, đánh địch lấn ra ngoài như các hoạt động của Sư đoàn 10 vẫn làm. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị chiến trường như làm đường cơ động, tung các toán trinh sát vào thị xã Kon Tum, tăng thêm lực lượng ra phía trước, củng cố công sự, làm trận địa pháo, dùng xe vận chuyển gạo, đạn từ phía sau ra Võ Định v.v.. Trước các hoạt động trên của ta, đầu tháng 2, địch phải điều Liên đoàn 6 từ phía sau lên bắc Kon Tum, nống ra bắc cao điểm 751, nhưng bị ta đánh trả quyết liệt phải lùi lại.
Ở phía tây Plei-cu, sở chỉ huy sư đoàn với mật danh là “Bộ Tư lệnh B3” tăng các phiên liên lạc bằng vô tuyến điện và tăng thời lượng các bức điện chỉ đạo tác chiến cho "Sư đoàn 10" và "Sư đoàn 320". Các máy bay của địch liên tục quần thảo ở tây Plei-cu để định vị các đài vô tuyến điện và xác định vị trí sở chỉ huy của ta. Máy bay B57 đánh bom tọa độ vào các khu vực nghi có lực lượng ta. Có lần, chúng đã đánh trúng sở chỉ huy sư đoàn ở khu vực Đức Cơ.
Cùng với hệ thống thông tin vô tuyến điện của 2 sư đoàn để lại nguyên như cũ với tần suất liên lạc của mạng thông tin vô tuyến điện của Sư đoàn 968 tăng lên, địch càng tin chắc mục tiêu của quân ta Xuân 1975 là Bắc Tây Nguyên. Sau này tướng Mỹ Tim-mét, cố vấn của Nguyễn Văn Thiệu phải thú nhận: "Bằng biện pháp nghi binh qua làn sóng điện, Việt Cộng đã thành công trong kế hoạch giam chân bộ phận chủ yếu của Quân khu 2 ở Kon Tum và Plei-cu".
Trung đoàn 19 được giao tiếp nhận toàn bộ nhiệm vụ, trận địa của Sư đoàn 320 để lại ở tây Plei-cu, cũng như Trung đoàn 29, Trung đoàn 19 bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Trước hết, lực lượng công binh của sư đoàn và Trung đoàn 19 phối hợp với dân quân và nhân dân các làng phía tây Plei-cu sửa lại các tuyến đường cơ động cho xe, pháo, mở mới những đoạn đường ở gần các mục tiêu địch trên Quốc lộ 19 tây, 5A, 5B. Sư đoàn cho phép công binh nổ bộc phá san đường ngầm qua các suối cạn.
Những con đường này ban đêm ta vẫn dùng xe đưa gạo, đạn cho bộ đội và nằm trong kế hoạch tác chiến để cơ động pháo binh, cao xạ vào tiến công địch. Các trận địa phòng ngự ở tuyến phía tây Gia Lai như Chư Kra, điểm cao 631 trên Đường 5A, 5B, Quốc lộ 19 được lệnh sửa chữa để làm bàn đạp cho các lực lượng phía sau lên tiến công. Các tổ trinh sát tăng cường trinh sát thị xã Plei-cu, trục Đường 14 đoạn Plei-cu - Hàm Rồng và đột nhập vào Bầu Cạn (đông quận lỵ Thanh An) và Chư Gôi, bắt tù binh địch để khai thác thông tin... Các hành động trên khiến địch càng tin rằng ta đã tăng cường bố phòng chặt chẽ ở phía tây Plei-cu, chuẩn bị cho chiến dịch quân sự sắp xảy ra ở Bắc Tây Nguyên.
Nhiệm vụ tác chiến của Sư đoàn 968 được giao trong giai đoạn nghi binh-mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên như sau:
Trên hướng Gia Lai phải đồng loạt tiến công địch trên trục Đường 19 tây, Đường 5A, 5B, thị xã Plei-cu, Sân bay Cù Hanh, đẩy địch vào sai lầm cho rằng, hướng tiến công chính của chủ lực ta là Bắc Tây Nguyên.
Trên hướng Kon Tum, toàn bộ lực lượng đang phòng ngự trực tiếp tiếp xúc với địch phải nổ súng đánh địch, vừa cải thiện thế trận của ta và phối hợp với hướng Gia Lai, tạo áp lực mạnh từ phía bắc, buộc địch phải rút hết lực lượng chủ lực Quân khu 2 - Quân đoàn 2 là Sư đoàn 23 và các liên đoàn biệt động quân ra khỏi Đắc Lắc. Trong đó hình thành 2 mũi tiến công trên trục Quốc lộ 14 Võ Định-Kon Tum và Ngọc Quăn-Kon Tum, kết hợp với đánh cắt Quốc lộ 14 nam Kon Tum, hình thành thế bao vậy chia cắt thị xã Kon Tum.
14 giờ ngày 28-2-1975, trận đánh nghi binh lừa địch mở màn Chiến dịch Tây Nguyên Xuân 1975 bắt đầu.
Các loại hỏa lực của Sư đoàn 968 đồng loạt bắn phá các mục tiêu: Thị xã Plei-cu, Sân bay Cù Hanh, căn cứ Hàm Rồng, thị xã Kon Tum, sau đó bộ binh thực hành tiến công địch trên cả hai hướng Kon Tum và Plei-cu.
Trên phía tây Đường 19, hỏa lực ta, đặc biệt là pháo 85 bắn thẳng nhằm vào từng lô cốt, nhà ở của địch ở Đồn Tầm nổ súng, sau đó pháo, cối, ĐKZ đánh phá các mục tiêu còn lại. Trên mạng thông tin của địch, tất cả các đơn vị phía trước, phía sau đều báo cáo về cấp trên bị Việt Cộng pháo kích dữ dội chưa từng có và xin máy bay, pháo binh chi viện. Thực tế, hỏa lực của Sư đoàn 968 không nhiều đến mức như địch kêu vì sư đoàn chỉ có 1 trung đoàn pháo được trang bị pháo 85, 122 và 105mm thu được của địch. Nhưng một phần do hoang mang, một phần do ta tập trung có trọng điểm vào các mục tiêu mở đầu, nên mật độ pháo, cối khá cao, đặc biệt, pháo 85 bắn thẳng ở cự ly l000m thì không có công trình nào của địch chịu nổi. Sau đó bộ binh xông lên đánh chiếm trận địa địch. Chỉ trong 2 giờ, một loạt 3 cứ điểm của địch ở Tây Thanh An đã bị tiêu diệt, ta đã giải phóng một tuyến phòng ngự của địch ở phía tây Plei-cu 5km theo Quốc lộ 19. Trên hướng bắc Kon Tum, ta nhanh chóng đánh chiếm trận địa nam cống Ba Lỗ trên Đường 14, dãy điểm cao Ngọc Quăn, áp sát thị xã.
Các ngày 1 và 2 tháng 3, ta tiếp tục ép địch ở Tây Plei-cu và bắc Kon Tum, đưa công binh nổi chốt ở Bầu Cạn trên Đường 19 và cắt Đường 14 Kon Tum - Plei-cu làm cho địch càng tin chắc rằng, chiến dịch tiến công của ta vào Bắc Tây Nguyên đã bắt đầu. Kết quả là sáng 3-3-1975, Phạm Văn Phú vội vã điều Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 từ Ea H’leo tức tốc về lại tây thị xã Plei-cu. Thế là toàn bộ chủ lực Quân đoàn 2 địch đã bị giữ chắc ở Bắc Tây Nguyên.
Nghệ thuật nghi binh, điều địch của ta thành công đến mức khi ta nổ súng tiến công quận lỵ Thuần Mẫn (ngày 8-3) và đánh quận lỵ Đức Lập (9-3), tức là Buôn Ma Thuột đã bị phơi ra trước mũi súng của ta mà Phạm Văn Phú vẫn không đoán biết được ý đồ tác chiến của ta. Mãi đến 4 giờ sáng ngày 10-3, khi xe tăng của ta đã tiến vào Buôn Ma Thuột, Đại tá Lê Khắc Hy, Tham mưu trưởng Quân khu 2-Quân đoàn 2 ngụy vào phòng ngủ đánh thức, Phú mới biết Buôn Ma Thuột là mục tiêu chính của ta thì đã quá muộn.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền/QĐND