Trăn trở đầu ra cho cây chè

19/10/2014 16:28

(Baonghean) - Cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Anh Sơn. Cùng với đó là sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ, trong đó có sự ra đời của các nhà máy thu mua, sản xuất, chế biến chè “mini”của tư nhân. Tuy nhiên, liên quan đến thực tế này đã phát sinh một số vấn đề đáng quan tâm.

Theo quy hoạch của huyện Anh Sơn, trong 5 năm (từ 2010 đến 2015), diện tích trồng mới cây chè đạt 500 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tổng diện tích chè của Anh Sơn đã lên đến khoảng 2.500 ha, trong đó diện tích chè đã đưa vào kinh doanh đạt gần 1.700 ha. Với năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi của Anh Sơn đạt khoảng 20.000 tấn/năm. Nhưng đầu ra của cây chè thực sự là vấn đề đặt ra cho bà con nông dân và các cấp chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Đạo - chủ cơ sở chế biến chè tư nhân ở Anh Sơn (phải) giới thiệu về quy trình sản xuất chè.
Ông Nguyễn Trọng Đạo - chủ cơ sở chế biến chè tư nhân ở Anh Sơn (phải) giới thiệu về quy trình sản xuất chè.

Theo đó, lâu nay trên địa bàn huyện Anh Sơn có 3 đơn vị thành viên của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An (Công ty chè Nghệ An) là: Xí nghiệp nông công nghiệp chè Anh Sơn, Xí nghiệp chế biến chè Hùng Sơn, Xí nghiệp chế biến chè Bãi Phủ. 3 đơn vị này bình quân hàng năm chỉ thu mua, bao tiêu được khoảng 10.000 tấn chè búp tươi cho các hộ trồng chè trên địa bàn huyện, nghĩa là mới giải quyết được một nửa sản lượng. Nắm bắt được vấn đề này, một số hộ dân ở huyện Anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư, mở cơ sở sản xuất, chế biến chè, góp phần giải quyết đầu ra cho các hộ trồng chè. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Anh Sơn có 13 nhà máy chế biến chè “mini” do các hộ dân đầu tư xây dựng. Trong đó, Hùng Sơn và Phúc Sơn mỗi xã có 3 nhà máy; Cẩm Sơn có 1 nhà máy; Lạng Sơn có 1 nhà máy; riêng xã Long Sơn có tới 5 nhà máy.

Theo chân anh Nguyễn Cảnh Đình – cán bộ địa chính xã Long Sơn (Anh Sơn) chúng tôi tìm đến thôn 10. Xưởng chế biến chè của gia đình anh Phạm Xuân Bách và chị Mai Thị Khuê cũng đồng thời là “đại bản doanh” của Công ty cổ phần chè Kim Nhan rộng khoảng 600m2. Khi chúng tôi đến xưởng đang có 5 công nhân đứng máy vò và phân loại chè. Chị Mai Thị Khuê cho biết, xưởng chè của gia đình mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 8 năm nay với giá trị đầu tư 1,3 tỷ đồng. Với công suất chế biến khoảng 13 tấn chè tươi/ngày, đến nay nhà máy chế biến chè “mini” của gia đình chị Khuê đã sản xuất được khoảng 30 tấn chè khô thành phẩm – tương đương 120 tấn chè tươi thu mua của các hộ trồng chè. Chị Khuê cho hay, sở dĩ gia đình chị chọn đầu tư phát triển xưởng chế biến chè, là vì trước đây chị từng là công nhân Nhà máy chè Anh Sơn nên ít nhiều có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, hiện nay xã Long Sơn đã trở thành 1 trong 3 vùng quy hoạch trồng chè trọng điểm của huyện Anh Sơn, nên việc hình thành các dịch vụ đi kèm là cần thiết. Điều này vừa góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các xưởng thu mua, chế biến chè thương phẩm. Có một thực tế là giá mua chè của các nhà máy “mini” luôn cao hơn so với các nhà máy, xí nghiệp thuộc Công ty chè Nghệ An, số lượng thu mua không hạn chế. Đối với các hộ dân trồng chè, đây mới là vấn đề thực sự có ý nghĩa với họ. Ông Nguyễn Sỹ Huy, người dân ở thôn 8, xã Long Sơn (Anh Sơn) cho biết, gia đình ông hiện có 3 ha chè đã đến kỳ cho thu hoạch, năng suất chè đạt mức bình quân 15 tấn/ha/năm; vụ nào thời tiết thuận lợi, năng suất đạt tới 18 tấn/ha. Vấn đề lo nhất của ông Huy là giá cả chè búp tươi. Bởi lẽ từ vài năm trở lại đây, đầu ra của cây chè đã có sự phân khúc rõ rệt.

Phần lớn người trồng chè không muốn bán sản phẩm chè búp cho các công ty, xí nghiệp Nhà nước như trước đây. Nguyên do là giá thu mua của các xí nghiệp luôn thấp hơn từ 3 đến 4 giá so với các cơ sở chế biến tư nhân. Theo ông Nguyễn Sỹ Huy, hiện tại Xí nghiệp công – nông nghiệp Anh Sơn đang thu mua chè với giá 3.600 đến 3.700 đồng/kg chè tươi, trong khi đó giá mà các cơ sở sản xuất tư nhân đưa ra là 4.000 – 4.100 đồng/kg. Theo tính toán, 1 ha chè với sản lượng 15 tấn/năm nếu bán theo giá của Xí nghiệp thì ông sẽ thiệt mất 4,5 triệu đồng, và 3 ha chè sẽ thiệt hơn 13,5 triệu đồng. Ông Huy cũng khẳng định: Nếu không có sự ra đời của các nhà máy tư nhân thì người trồng chè hoàn toàn bị lệ thuộc vào các đơn vị thu mua của công ty TNHH một thành viên Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An.

Ở huyện Anh Sơn, ông Nguyễn Trọng Đạo là một trong những người đầu tiên thực hiện việc đầu tư cơ sở chế biến chè. Ông cởi mở cho biết, với công suất chế biến khoảng 9 tấn/ngày, nhà máy “mini” của gia đình ông chế biến chủ yếu 2 loại là: chè búp khô thành phẩm và chè men ngang (chè cồi). Sản phẩm chè chủ yếu bán cho một số doanh nghiệp ở Hải Phòng, Hà Nội và Lâm Đồng. Từ đây, chè xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Kazakhstan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Hiện tại, cơ sở chế biến chè của gia đình ông Đạo đang giải quyết việc làm cho 20 lao động trong vùng, thu nhập bình quân của mỗi lao động 4,5 triệu đồng/tháng. “Cái khó nhất của chúng tôi là đồng vốn, hiện nay rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp để mở rộng quy mô của nhà máy, góp phần giải quyết tốt đầu ra cho nông sản” – ông Đạo chia sẻ.

Như vậy, thực tế cho thấy, các cơ sở chế biến chè tư nhân đang mọc lên và khá “nóng”. Vì vậy, vấn đề dễ phát sinh nhất là tình trạng tranh bán, tranh mua gây tác động tiêu cực đến sản phẩm chè tươi của bà con trồng chè. Bên cạnh đó dễ xảy ra nguy cơ mất cân đối trong nguồn cung – cầu. Qua trao đổi, bà Võ Thị Hồng Lam – Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cũng cho rằng, việc ra đời của các xưởng chế biến chè tư nhân đã ít nhiều gây ra một số bất cập của địa phương, liên quan đến công tác quản lý hành chính nhà nước, vấn đề môi trường, lao động, việc làm, thuế…

Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cũng thừa nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở thu mua, chế biến chè tư nhân đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết đầu ra cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trong điều kiện Công ty chè Nghệ An thu mua không đáp ứng được sản lượng, giá lại thấp và các cơ sở tư nhân vẫn chưa thực sự ổn định, Anh Sơn cần có nhà đầu tư đủ năng lực để thỏa mãn được yêu cầu khách quan đặt ra. Theo đó, hiện tại đã có Công ty cổ phần Thương mại - Phát triển Việt Phát đang thực hiện các bước để xin đầu tư xây dựng nhà máy thu mua, sản xuất, chế biến chè xanh Nhật. Theo cam kết bước đầu, nếu đi vào hoạt động công ty này sẽ có quy mô 20 tấn chè tươi/ngày; thu mua với giá trên 5.000 đồng/kg chè búp tươi và sẽ có sự đầu tư phù hợp cho các hộ dân trồng chè.

Bài, ảnh: Đào Tuấn

Mới nhất
x
Trăn trở đầu ra cho cây chè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO