Trăn trở đầu ra sản phẩm làng nghề

28/09/2014 15:54

(Baonghean) - Ngoài những khó khăn về vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất... làng nghề tỉnh ta còn phải đối mặt với việc thiếu thông tin thị trường, mẫu mã, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; việc quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu còn yếu và yếu tố bản sắc văn hoá trong sản phẩm làng nghề truyền thống chưa được coi trọng, đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của mỗi làng nghề.

(Baonghean) - Ngoài những khó khăn về vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất... làng nghề tỉnh ta còn phải đối mặt với việc thiếu thông tin thị trường, mẫu mã, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; việc quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu còn yếu và yếu tố bản sắc văn hoá trong sản phẩm làng nghề truyền thống chưa được coi trọng, đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của mỗi làng nghề.

Hiện nay toàn tỉnh có 126 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, có 285 làng có nghề do UBND các huyện công nhận. Hoạt động làng nghề khá phong phú, nhiều sản phẩm là thế mạnh của địa phương như tương, tinh bột sắn dây (Nam Đàn), rượu nếp (Nghi Ân), nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu), nghề rèn Thanh Lương (Thanh Chương), hương trầm (Quỳ Châu)… Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động có mức thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng/người/năm, góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới. Tuy nhiên, đa phần sản phẩm các làng nghề mẫu mã còn đơn điệu, thị trường tiêu thụ chưa ổn định (thiếu các hợp đồng sản xuất, gia công dài hạn); chưa kết hợp giữa việc ứng dụng máy móc thiết bị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh… cũng như chưa xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng tại cơ sở nên giá trị kinh tế thấp.

Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Quỳnh Lan
Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Quỳnh Lan

Làng rèn Ba Ba (xóm 5, xã Thanh Lương, Thanh Chương) được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2011; hiện làng nghề có 30 hộ làm chuyên nghiệp và 40 hộ làm theo thời vụ, bình quân mỗi hộ làm nghề thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/2 lao động/tháng. Đã có một thời nhiều lò rèn tắt lửa, nguyên nhân do người tiêu dùng bị “ngợp” trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dụng cụ dao, kéo nhập ngoại có mẫu mã đẹp, không han rỉ... Nhưng rồi qua sử dụng, người tiêu dùng đã trở lại với sản phẩm làng rèn này bởi chính chất lượng. Ở Thanh Lương ruộng đất ít nên các lò rèn làng nghề Ba Ba bây giờ hầu như quanh năm đỏ lửa. Tuy vậy, tìm lối đi bền vững cho làng nghề vẫn đang là bài toán khó. Anh Võ Trọng Niệm, ở xóm 5, xã Thanh Lương - người được xem là “nghệ nhân” của làng, chuyên sản xuất đục, tràng phục vụ cho nghề mộc, sản phẩm được in khắc ký hiệu riêng của gia đình đã có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc, cho biết: “Nghề rèn mới chỉ đủ ăn, chưa thể vươn lên làm giàu, do sản phẩm chủ yếu là nông cụ nên phải theo mùa vụ nông nghiệp, cứ phải sản xuất cầm chừng. Mặt khác, quy mô sản xuất hộ nhỏ lẻ, làm theo đơn đặt hàng từ các mối buôn nên nhiều khi bị ép giá. Trừ một số hộ lành nghề sản xuất sản phẩm chất lượng cao, phần lớn các hộ trong làng vẫn quanh quẩn với các sản phẩm bình dân, mẫu mã, hình thức còn hạn chế, thiếu tính cạnh tranh nên chưa thâm nhập được vào thị trường hàng gia dụng cao cấp”.

Nghề sản xuất tương ở Thị trấn Nam Đàn được công nhận làng nghề từ năm 2010, nay có 30 hộ tham gia sản xuất tương chuyên nghiệp, mỗi năm đạt mấy vạn lít. Năm 2012, tương Nam Đàn của Hợp tác xã Sa Nam đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, sản phẩm chưa có một mối liên kết tiêu thụ nào. Hiện tại chủ yếu các hộ tự lo mối tiêu thụ, chưa có đầu mối gom sản phẩm và quảng bá ra thị trường. Mặt khác, người dân địa phương vẫn có thói quen tiếp thị sản phẩm theo lối truyền thống là bày bán trên những chiếc kệ tự tạo thô sơ tại vỉa hè, chai tương dính đầy bụi đường khiến không ít khách đã biết hoặc được giới thiệu về đặc sản tương Nam Đàn có ý định mua về dùng hoặc làm quà biếu, nhưng lại ngần ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Phạm Hải Đường - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sa Nam cho biết: “Sản phẩm tương Nam Đàn đã được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai... song vẫn chủ yếu tiêu thụ qua các kênh đặt hàng “mối quen” và do người dân địa phương gửi họ hàng sinh sống tại đó bán hộ. Số còn lại bày bán ở ki-ốt dọc đường ở thị trấn Nam Đàn và số ít tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Hiện vẫn chưa có một doanh nghiệp, công ty nào đứng ra làm kênh phân phối chính cho sản phẩm. Do tương Nam Đàn chưa xây dựng bảo hộ thương hiệu tập thể, nên trên thị trường hiện nay đã có nhiều cơ sở tư nhân ở một số địa phương khác sản xuất tương in nhãn mác giả danh “tương Nam Đàn”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng ảnh hưởng tới uy tín cũng như kinh tế của các hộ làng nghề”…

Tuy chưa được công nhận là làng nghề, nhưng nghề sản xuất tinh bột sắn dây ở xã Nam Xuân (Nam Đàn) đã xuất hiện đến cả chục năm nay và đang đem lại nguồn thu nhập khá cho gần 30 hộ dân theo nghề. Ông Nguyễn Hữu Thuận - Trưởng ban Nông nghiệp xã Nam Xuân cho hay: Hiện toàn xã có 12 ha trồng sắn dây trên vùng đất đồi, vùng bán sơn địa; một năm thu hoạch từ 160 - 200 tấn củ, sản xuất được 35 - 40 tấn tinh bột khô. Với giá bán buôn 100.000 đồng/kg, giá bán lẻ 120.000 đồng/ kg, mỗi vụ các hộ làm nghề cũng thu lãi ròng từ 20 - 50 triệu đồng. Trước năm 2010 diện tích trồng cây sắn dây của cả xã là 22- 25 ha, nhưng 3 năm trở lại đây diện tích rút xuống chỉ còn gần 12 ha là vì thị trường đầu ra bấp bênh, có năm hàng tồn đọng quá nhiều nên người dân chuyển sang trồng cây hoa lý. Một trong những nguyên nhân khiến đầu ra bấp bênh là do người dân chưa chịu đầu tư vào bao bì đóng gói mẫu mã đẹp, mà vẫn đang dùng túi nilon buộc bằng dây chun sơ sài; chưa tìm tòi kết nối với doanh nghiệp để được bao tiêu ổn định. Năm 2013 cán bộ phòng Công Thương huyện cũng đã về khảo sát ở các hộ sản xuất để có hướng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tinh bột sắn dây Nam Xuân, nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì…

Tình trạng thiếu đầu ra bền vững như ở các làng nghề vừa nêu đã minh họa cho một thực tế chung hiện nay tại hầu hết các làng nghề. Nhìn chung người làng nghề trên địa bàn tỉnh bị phụ thuộc nhiều vào tư thương và thường bị động, lúng túng khi thị trường gặp khó khăn. Ngoài ra, tại các làng nghề hiện nay đang thừa lao động phổ thông, nhưng lại thiếu trầm trọng lao động có tay nghề cao. Một bộ phận lớp trẻ đã không còn mặn mà với nghề cha truyền con nối. Trong khi đó, việc phát triển nguồn nhân lực tại các làng nghề như đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn... chưa được sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương. Nguồn nhân lực tay nghề cao thiếu hụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng các sản phẩm. Phần lớn các sản phẩm truyền thống cần đến độ tinh xảo, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì nhiều làng nghề đã không đáp ứng được, dẫn đến mất dần thị trường truyền thống…

Để nâng cao chất lượng cho các sản phẩm làng nghề, hàng năm UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại. Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp sẽ thực hiện các nội dung như tuyên truyền, xây dựng làng nghề; đào tạo nghề; phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đầu tư thiết bị và chuyển giao khoa học công nghệ. Một trong những khâu quan trọng nâng cao sức tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn là tổ chức quảng bá thương hiệu. Hàng năm, số kinh phí trích ra từ quỹ khuyến công cho nội dung này là từ 5 - 7%; hỗ trợ cho các làng nghề tham gia các hội chợ trong tỉnh, trong nước và khu vực từ 50 - 100% tiền thuê mặt bằng để trưng bày sản phẩm. Năm 2014, Trung tâm Khuyến công đã tham mưu UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 51 đề án, với tổng kinh phí 3.342,7 triệu đồng. Trong đó tập trung chủ yếu hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ mua sắm thiết bị, công cụ sản xuất phục vụ phát triển làng nghề và làng có nghề ở địa bàn khó khăn, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp kém phát triển… Về nội dung hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu năm 2014 có chuyển biến tích cực, đã phê duyệt đề án hỗ trợ kinh phí 92,7 triệu đồng cho Công ty TNHH Đức Phong, đại diện ngành hàng mây tre đan tham gia Hội chợ Quốc tế Ambiente tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh ta đến năm 2015 có 318 làng nghề và 150 làng có nghề. Trong đó, tỉnh chú trọng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, du nhập các nghề mới; phát triển ngành nghề theo thế mạnh về lao động, tài nguyên trên từng địa bàn. Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề cho lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp mỗi năm từ 9.000 đến 10.000 người, đảm bảo đến năm 2015 số lao động trong các làng nghề được đào tạo từ 60 - 80%, tạo việc làm thường xuyên cho từ 3,5 đến 4 vạn lao động. Ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ; gắn chặt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn… Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là đầu ra cho sản phẩm làng nghề, xem ra vẫn đang là sự trăn trở lớn chưa có hướng giải quyết khả quan.

Ngọc Anh

Mới nhất
x
Trăn trở đầu ra sản phẩm làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO