Trăn trở dinh dưỡng trẻ em miền núi
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể... nên bữa ăn dinh dưỡng trong mỗi gia đình luôn được chú trọng, giúp cho trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tuy nhiên, trên thực tế, sự chênh lệch về chế độ dinh dưỡng giữa trẻ em thành phố, nông thôn và miền núi vẫn còn rất lớn.
(Baonghean.vn) Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể... nên bữa ăn dinh dưỡng trong mỗi gia đình luôn được chú trọng, giúp cho trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tuy nhiên, trên thực tế, sự chênh lệch về chế độ dinh dưỡng giữa trẻ em thành phố, nông thôn và miền núi vẫn còn rất lớn.
Em Moong Văn Lý (đồng bào Khơ Mú) ở bản Đai, xã Quế Sơn (Quế Phong) mỗi ngày đến nhà trẻ chỉ được một bát cháo trắng, với Lý đó là hạnh phúc, bởi 3 anh, chị của Lý trước đây đi trẻ phải nhịn đói.
Trẻ em miền núi rất cần sự quan tâm của các ban, ngành.
Do ăn không đủ chất, nhiều bữa về nhà ăn không no bụng nên trông Lý rất gầy. Bữa ăn của gia đình Lý chỉ có bát canh rau vặt và ít cá khô, cả nhà cứ nhường nhau.Chị Hạnh (mẹ bé Lý) nói: "Thỉnh thoảng có đĩa trứng rán. Nhà không có vườn, đất cũng không có, cuộc sống chủ yếu là tự cung tự cấp nên khổ lắm. Được ăn no là tốt rồi, đủ chất thì khó lắm, cuộc sống còn nghèo mà...". Chị Hạnh và chồng ngoài việc vào rừng hái lượm còn đi các sông, khe suối bắt cá kiếm tiền đong gạo, mua thức ăn rẻ tiền như cá khô, lạc. Hầu hết cả bản Đai cuộc sống đều chung cảnh đói nghèo như gia đình em Lý. Học sinh bán trú đến trường mang theo cặp lồng cơm vớimuối vừng, thỉnh thoảng mới có khúc mắm, miếng trứng.
Anh Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Quế Sơn cho biết: Xã Quế Sơn có 3 bản vùng trong đang rất khó khăn, đó là: Bản Cọc, Piếng Mòn và bản Đai. Chủ yếu đồng bào Khơ Mú, tỷ lệ đói nghèo chiếm gần 90%. Nguyên nhân do không có đất để sản xuất, cả 3 bản chưa đầy 10 ha lúa nước, chưa được giao đất để trồng rừng. Hàng năm đến mùa tựu trường xã phối hợp với các trường học giúp đỡ gia đình và học sinh bút và sách vở.
Không riêng gì đồng bào Khơ Mú ở Quế Sơn mà hầu hết đồng bào miền núi còn có cuộc sống thiếu ăn, thiếu mặc như thế. Bởi giao thông cách trở, không có dịch vụ, xa trung tâm, thiên tai lũ lụt thường xuyên... Đến xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) tôi chứngkiến nhiều gia đình ở bản Cà Da mặc dầu đã biết khoanh vườn để trồng rau, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà để tăng thu nhập nhưng do mới chuyển đổi phương thức sản xuất cây trồng vật nuôi nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn đói vào giáp hạt.
Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn tỉnh ta vẫn ở mức cao so với cả nước ( chiếm 21,7%) và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiều cao ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm 32,9%, chủ yếu rơi vào các địa bàn miền núi và nông thôn.Huyện có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất là Con Cuông (30%); Tương Dương (24%); Quỳ Châu (25%); Hưng Nguyên (22,7%); Quỳ Hợp (22%); các huyện: Anh Sơn, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu (trên dưới 21%). Trong khi đó Thành phố Vinh chỉ còn 14,2%, Thị xã Cửa Lò 15%. Một số trường học tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 10% như Trường Mầm non Hoa Sen (Thành Phố Vinh); Mầm non Thị xã Thái Hoà; Mầm non Hưng Nguyên và Mầm non Diễn Châu.
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở một số địa phương cao là do Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng và phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em còn nới lỏng, nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và công tác phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nên chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành còn mang tính hình thức, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em. Việc thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội ở những địa bàn trọng điểm, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa giải quyết được phần nào đời sống khó khăn của nhân dân... Nguyên nhân chính vẫn là đời sống của đồng bào vùng cao còn quá nghèo, nhiều nơi cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, không ít gia đình "mơ" ngày có 3 bữa ăn no còn đang là điều quá xa vời.
Trẻ em miền núi rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành. Để đạt được điều này, toàn xã hội phải vào cuộc bàn giải pháp đưa ra các chính sách giúp đỡ trẻ em miền núi. Trước mắt, giúp các em trong mỗi bữa ăn trưa bán trú có thêm miếng trứng gà, quả chuối...
Thu Hương