Trăn trở làng nghề mây tre đan

07/06/2015 09:59

(Baonghean) - Làm thế nào để vực dậy làng nghề mây tre đan đang là vấn đề day dứt của các cấp chính quyền và người dân huyện Nghi Lộc. Trong khi chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu thì các làng nghề mây tre đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Những ngày này, về xã Nghi Thái (Nghi Lộc), địa phương nổi tiếng với nghề truyền thống mây tre đan không còn hình ảnh những đốc lùng chất cao và không khí người người chẻ nan, đan sản phẩm như những năm trước. Vào xóm Thái Lộc, cái nôi nghề mây tre đan và là xóm có số hộ tham gia nghề nhiều nhất xã, hỏi ông Doãn Hữu Sâm, người hơn 20 năm qua gắn bó, lăn lộn với nghề mới biết, mây tre đan không còn là một nghề “thịnh”. Năm 2001, xóm Thái Lộc có khoảng 200 hộ thì hộ nào cũng làm nghề. Nhưng đến năm 2009 chỉ còn hơn 100 hộ và đến nay còn khoảng 70 hộ. Tính là hộ nhưng nhiều gia đình chỉ có 1 lao động tham gia, rảnh rỗi thì đan cái rổ kiếm ít tiền mua con cá, mớ rau, chứ nghề mây tre đan không còn là nguồn thu nhập chính như trước nữa.

Người dân Nghi Lộc trước đây có câu: ăn Nghi Phú, ngủ Nghi Ân, mần Nghi Đức, thức Nghi Thái. Ý rằng, người dân Nghi Thái làm quần quật cả đêm, khi có hàng mây tre đan theo đơn đặt hàng về nếu làm ngày không đủ thì tranh thủ làm đêm. Cả làng làm, cả nhà làm nên thu nhập khá, nhiều gia đình tậu được nhà, mua sắm đồ dùng tiện nghi. Nhưng bây giờ thì khác rồi, còn rất ít người mặn mà với nghề, những gia đình còn làm thì tranh thủ thời gian nông nhàn, sức lao động của người già, trẻ nhỏ. Ông Sâm chia sẻ: “Đàn ông, thanh niên đi làm công khác, kiếm nhiều tiền hơn. Chú thử nói xem, đi làm nghề khác, ngày kiếm ít cũng được 150 ngàn, đêm về được nghỉ ngơi. Còn làm nghề đan lát, ngày kiếm được 50 ngàn, mà làm cả đêm thì chọn cái nào ?”…

Đan sản phẩm mây tre mỹ nghệ ở xóm Thái Lộc, xã Nghi Thái (Nghi Lộc).
Đan sản phẩm mây tre mỹ nghệ ở xóm Thái Lộc, xã Nghi Thái (Nghi Lộc).

Trong xóm, gia đình chị Vương Thị Hoa có 3 người con gái đã lớn nhưng chỉ có mình chị làm nghề đan. Mỗi ngày, chị đan được 5 sản phẩm mây tre nhưng có ngày chỉ được 1 cái. Vì thế mà thu nhập phập phù, tháng nào chuyên tâm, làm mỗi nghề đan được khoảng 2 triệu đồng, nhưng tháng nào làm tranh thủ chỉ được 500 ngàn đồng. “Tui làm nghề ni đã được 7 năm rồi nhưng chưa khi nào thấy bèo bọt như thời điểm ni. 7 năm trước, giá 1 yến lùng là 18 ngàn đồng thì nay tăng lên 55 ngàn đồng. Cũng 7 năm trước, một cái đèn loại nhỏ có giá 25 ngàn đồng thì nay vẫn 25 ngàn đồng. Giá cả như vậy thì chuyên tâm với nghề làm sao được hả chú ?”, chị Hoa nói.

Trong phát triển làng nghề, một yếu tố quan trọng là bà đỡ doanh nghiệp. Đối với làng nghề mây tre đan ở Nghi Thái nhiều năm qua có sự liên kết với Công ty TNHH Đức Phong từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Chính công ty này đã góp công lớn vực dậy làng nghề mây tre đan tại Nghi Thái khi đang “hấp hối” vào thời điểm năm 2001. Song, sự liên kết này không chặt chẽ, không có tính ổn định và chưa đảm bảo hài hòa lợi ích 2 bên. Công ty TNHH Đức Phong không tổ chức ký hợp đồng với người dân hoặc đại diện cho người dân mà chỉ hợp đồng bằng miệng. Chính vì vậy, người dân muốn làm hay không thì tùy và doanh nghiệp có trả tiền chậm cũng không biết kêu ai. Ông Nguyễn Mạnh Cần, Tổ trưởng tổ thu mua xóm Thái Lộc cho biết: “Doanh nghiệp thay đổi mẫu mã liên tục, người dân mới biết làm mẫu này thì đã phải học sang mẫu khác. Rồi tiền thu mua sản phẩm trả chậm, có khi hơn 1 tháng sau mới trả, trong khi người dân cần tiền tươi, thóc thật. Sản xuất thì nguyên liệu phập phù, tháng có tháng thì không, giá nguyên liệu cao nhưng giá sản phẩm thấp nên người dân ngày càng không mặn mà. Ngày trước, doanh thu của cả xóm 1 tuần là 30 triệu đồng nhưng nay thì cả tháng cũng chỉ được 20 triệu đồng”.

Đem những vấn đề trên trao đổi với Chủ tịch UBND xã Nghi Thái, ông Đặng Văn Phương lắc đầu rồi nói: “Xã cũng trăn trở vấn đề này nhiều năm nhưng chưa tìm được giải pháp tháo gỡ. Không chỉ xóm Thái Lộc mà 10 xóm, hơn 500 hộ tham gia nghề đang rơi vào tình cảnh tương tự. Người dân ai cũng muốn giữ nghề, muốn có thu nhập ổn định từ nghề nhưng nguyên liệu thì thiếu, giá sản phẩm thì thấp, tất cả đều phụ thuộc vào doanh nghiệp. Họ bán nguyên liệu, họ mua sản phẩm bao nhiêu là quyền của họ, người dân không được thỏa thuận. Nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy làng nghề phát triển như đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xây nhà trưng bày sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp. Nhưng những chính sách đó chưa phát huy hiệu quả nên người dân chưa thể yên tâm gắn bó với nghề”.

Thực tế ở Nghi Thái cũng chính là điều đáng lo ngại của các làng nghề mây tre đan trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Bởi trong 14 làng nghề mây tre đan thì Nghi Thái chiếm 10 làng, 4 làng nghề còn lại là ở Nghi Phong và Phúc Thọ. Theo đánh giá của huyện thì mức thu nhập bình quân lao động trong nghề hiện dao động từ 600 ngàn - 2 triệu đồng/người/tháng. Với điều kiện lao động tranh thủ thời gian nông nhàn, không giới hạn độ tuổi nên tính chung mức thu nhập trên thời gian lao động thực tế vẫn ở mức khá. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế rằng, để có thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng thì không phải ai cũng dễ dàng đạt được. Giá trị từ nghề mây tre đan vẫn đang còn thấp, việc phát triển còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Hơn nữa, tác phong sản xuất còn mang nặng tính nông nhàn, sự liên kết thiếu chặt chẽ, mẫu mã và thị trường hạn chế nên chưa có sự cạnh tranh về giá cả.

Xác định phát triển làng nghề mây tre đan là một trong những nội dung trọng tâm, huyện Nghi Lộc đề ra các giải pháp như tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nghề mây tre đan trên địa bàn. Bên cạnh đó, hình thành các tổ hợp tác liên doanh trong cung cấp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hạn chế tình trạng độc quyền trong cung cấp sản phẩm, tiêu thụ, mẫu mã làm giảm hiệu quả sản xuất của lao động làng nghề. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: “Để thực hiện được những giải pháp trên vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc đầu tư vào nội dung gì, đầu tư trực tiếp cho người dân hay thông qua doanh nghiệp vẫn đang là bài toán khó cho huyện”. Trong khi chờ chính quyền các cấp đưa ra được một giải pháp hiệu quả thì hàng ngày, những làng nghề mây tre đan trên địa bàn huyện đang “chết mòn” theo thời gian.

Phạm Bằng

Mới nhất
x
Trăn trở làng nghề mây tre đan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO