Trăn trở thương hiệu hàng hóa Nghệ An

29/11/2014 11:27

(Baonghean) - Tốc độ phát triển kinh tế của Nghệ An đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc miền Trung. Nhưng có một nghịch lý là đến nay Nghệ An vẫn nghèo thương hiệu hàng hóa. Vào các chợ, siêu thị sẽ thấy hàng tiêu dùng trên thị trường Nghệ An rất phong phú nhưng hầu hết là hàng ngoài tỉnh, các mặt hàng sản xuất tại Nghệ An chủ yếu là hàng liên doanh, không thấy những mặt hàng có thương hiệu riêng của Nghệ An.

Là tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, nhưng du khách đến Nghệ An không tìm thấy một món quà lưu niệm nào mang dấu ấn đặc sắc của xứ Nghệ. Hàng xuất khẩu của Nghệ An chủ yếu là chế biến nông, lâm sản, thủy sản nhưng số lượng không nhiều và cũng chưa có mặt hàng nào thực sự có thương hiệu. Tỉnh có những khoáng sản quý như vàng, thiếc, đá trắng nhưng không thấy có một sản phẩm nào mang thương hiệu của Nghệ An được chế tác từ các lọai khoáng sản quý hiếm này. Kinh tế thị trường của Nghệ An phát triển ngày càng năng động, nhưng thật khó trả lời câu hỏi: mặt hàng nào của Nghệ An tạo được thương hiệu trên thương trường?

Nghệ An là tỉnh có nhiều đặc sản nên đã từng có những thương hiệu khá nổi tiếng: nước mắm Vạn Phần, tương Nam Đàn, cam Xã Đoài, lạc Diễn Châu, cà phê Nghĩa Đàn… nhưng các thương hiệu này cứ mai một dần. Nước mắm Vạn Phần đậm đà hương vị, thơm ngon nổi tiếng nhưng không cạnh tranh được với nước mắm của các địa phương khác nhập vào Nghệ An nên đã mất thị phần ngay trên sân nhà. Tương Nam Đàn nổi tiếng một thời, nay chỉ được quảng bá trong các nhà hàng, khách sạn, sản xuất hàng loạt không tiêu thụ được. Trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bình chọn năm 2013, Nghệ An chỉ có duy nhất cam Xã Đoài lọt vào danh sách. Nhưng đến nay vẫn không có loại cam mang nhãn hiệu “Cam Xã Đoài” bán trên thị trường. Trong khi đó thương hiệu “Cam Vinh” chỉ là tên gọi của khách hàng dùng để chỉ những loại cam xuất xứ từ Nghệ An. Lạc Diễn Châu, cà phê Nghĩa Đàn đều là mặt hàng xuất khẩu một thời có uy tín, nhưng cũng chung thực trạng như vậy.

Tại sao trong quá trình hội nhập kinh tế thị trường, Nghệ An không tạo được những thương hiệu mới, còn những thương hiệu truyền thống thì mai một dần? Hiện tượng không bình thường này phản ánh một thực tế là sản xuất hàng hóa của Nghệ An phát triển chưa bền vững, sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trong chiến lược phát triển kinh tế chưa chú ý tạo thương hiệu cho các loại hàng hóa, chưa xem thương hiệu là công cụ cạnh tranh có hiệu quả nhất. Đối với những sản phẩm có thương hiệu truyền thống thì không được tổ chức sản xuất quy mô lớn để mở rộng thị trường mà bị “thả nổi” nên mất dần thương hiệu. Trong kinh doanh, người Nghệ ít quan tâm mẫu mã, nhãn mác của các loại hàng hóa, do đó có những đặc sản được khách hàng ưa chuộng nhưng không tạo được thương hiệu.

Để có thương hiệu hàng hóa của Nghệ An, trước tiên phải thay đổi tư duy và tập quán sản xuất, kinh doanh của người Nghệ. Mục tiêu sản xuất, kinh doanh là làm ra nhiều sản phẩm, tiêu thụ được trên thị trường, đem lại lợi nhuận cao. Hàng hóa muốn tiêu thụ được phải kết hợp nhiều yếu tố: chất lượng sản phẩm tốt, nhãn mác hấp dẫn, giá cả hợp lý, có khả năng cạnh tranh với các loại hàng hóa khác. Cần xóa bỏ lối kinh doanh tiểu nông của nhiều tiểu thương hiện nay là bán hàng theo kiểu “tiền nào của nấy” khách hàng chỉ nhận biết chất lượng hàng hóa theo giá bán, giá đắt thì hàng tốt, giá rẻ thì hàng xấu. Phải khuyến khích kinh doanh những sản phẩm hàng hóa có nhãn mác riêng của Nghệ An, tạo được uy tín với khách hàng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Điều kiện quan trọng nhất để tạo thương hiệu hàng hóa cho Nghệ An là khâu tổ chức sản xuất. Các doanh nghiệp phải hướng tới sản xuất các loại hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có dấu ấn riêng để tạo thương hiệu. Sản xuất theo kiểu “người ta làm gì mình làm nấy” thì sẽ không bao giờ tạo được thương hiệu. Phải khai thác thế mạnh của Nghệ An về tài nguyên, khoáng sản, nguyên vật liệu, đặc sản tự nhiên, tiềm năng con người để sản xuất những loại hàng hóa có khả năng tạo được thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Trần Hồng Cơ

Mới nhất
x
Trăn trở thương hiệu hàng hóa Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO