Trăn trở với "đầu tàu" kinh tế miền Tây

11/08/2014 08:23

(Baonghean) - Chỉ nửa ngày làm việc tại Quỳ Hợp, với trách nhiệm cao đối với cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã dành thời gian xuống cơ sở thăm hỏi, tặng quà, động viên bà con hộ nghèo; thăm một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, lắng nghe những kiến nghị từ thực tế cơ sở... Qua tìm hiểu thực tế, làm việc với lãnh đạo huyện, điều mà Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác trăn trở đó là giải pháp nào để Quỳ Hợp trở thành “đầu tàu”, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền Tây?

TIN LIÊN QUAN

Đồng chí Hồ Đức Phớc và đoàn công tác thăm mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cam của hộ anh Cao Ngọc Danh ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp).
Đồng chí Hồ Đức Phớc và đoàn công tác thăm mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cam của hộ anh Cao Ngọc Danh ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp).

Những mô hình hiệu quả

Cơn mưa cuối mùa hạ đã đem lại khí trời mát mẻ, làm tươi thêm những lô cam sai trĩu, những triền chè xanh mướt vùng đất đỏ của xã Minh Hợp, như tạo thêm không khí chân tình cởi mở đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác của tỉnh xuống thăm. Minh Hợp là xã vùng dưới của huyện Quỳ Hợp có điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển bộ cây ăn quả, cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Nhận biết được lợi thế này mà Minh Hợp đã quy hoạch được từng vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp gắn với đầu tư trồng thâm canh, đưa một số giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Thăm mô hình trồng cam thâm canh của hộ gia đình anh Cao Ngọc Danh, xóm Minh Hồ (Minh Hợp), Bí thư Tỉnh ủy rất phấn khởi bởi gia đình đã mạnh dạn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam cho hiệu quả kinh tế cao. Chỉ trên diện tích 1,7 ha cam, trong đó mới chỉ có 1 ha cam kinh doanh với gần 500 gốc gồm: cam xã Đoài, cam Vân Du mà đã cho sản lượng hàng năm hơn 50 tấn, đạt doanh thu gần 1,5 tỷ đồng. Điểm mới của mô hình đó là chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư hơn 50 triệu đồng áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt cho 0,7 ha cam 3 năm tuổi giống V2 và nhân rộng trồng cây cỏ lạc dưới gốc cam vừa giữ ẩm, vừa cải tạo được đất. Cũng nhờ áp dụng giải pháp này mà trang trại vừa tiết kiệm được nhân công, kết hợp vừa tưới, vừa bón phân cho cây cam hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết. Tuy vậy, chủ trang trại Cao Ngọc Danh cho rằng, hệ thống điện phục vụ sản xuất, vấn đề giao thông vùng chuyên canh còn khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ sản phẩm. Do đó, tỉnh, huyện cần quan tâm tháo gỡ khó khăn của vùng trồng cam hàng hóa, tạo điều kiện để các hộ đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cũng tại xóm Minh Trường, xã Minh Hợp, đoàn đã tới thăm mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc cho hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Văn Tính. Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy, chủ trang trại cho biết: Chỉ với diện tích vẻn vẹn 0,5 ha, với việc bố trí hợp lý cơ cấu chuồng trại theo quy trình khép kín, khoa học nên đã nuôi đến 150 con lợn, mỗi năm xuất bán trên 20 tấn lợn thịt, cho doanh thu gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận ròng gần 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động. Ngoài hiệu quả kinh tế rõ nét thì vấn đề môi trường của trang trại luôn đảm bảo nhờ áp dụng quy trình đầu ra, đầu vào theo chuỗi quy trình, xây dựng bể lóng chứa chất thải kết hợp sử dụng bioga vừa tận dụng được khí thải cho việc tạo nguồn chất đốt tại chỗ vừa hạn chế việc phát thải gây ô nhiễm môi trường bên ngoài. Trực tiếp khảo sát các công đoạn trong quy trình sản xuất lợn sinh sản, chăn nuôi lợn thịt của trang trại, Bí thư Tỉnh ủy rất hài lòng bởi mô hình quy mô nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế lớn. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo xã Minh Hợp cần phát huy kinh nghiệm thực tế của trang trại để khuyến khích các hộ dân tham gia nuôi nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập cho người dân. Tại Minh Hợp, Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho các gia đình nghèo của xã, đồng thời giao nhiệm vụ cho các cấp ủy đảng, chính quyền xã tiếp tục quan tâm, chăm sóc các gia đình nghèo và động viên các gia đình sắp xếp cơ cấu lao động, tư liệu sản xuất, và các phương án sản xuất để nhanh thoát khỏi hộ nghèo.

Chưa phát huy hết tiềm năng

So với các huyện miền Tây thì Quỳ Hợp có nhiều lợi thế. Đó là lợi thế về đất đai và trên địa bàn đã hình thành những vùng chuyên cây ăn quả như cam, vùng cây công nghiệp như mía, chè... có nguồn lực khoáng sản đặc trưng trữ lượng lớn như: đá trắng, thiếc và huyện đã có cộng đồng doanh nghiệp khai khoáng, chế biến... nhưng Quỳ Hợp kinh tế vẫn chưa mạnh, phát triển chưa tương xứng tiềm năng, chưa trở thành động lực kinh tế vùng miền Tây. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, không đạt kế hoạch 7%/KH 9%; tổng giá trị sản xuất 7 tháng chỉ đạt hơn 41% so với kế hoạch. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chuyển biến chậm, chưa tạo được mô hình, điểm nhấn để nhân ra diện rộng. Dẫu rằng huyện cũng đã chú trọng chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế như mô hình cánh đồng mẫu tại xã Châu Quang quy mô 40 ha; 2 mô hình ngân hàng bò tại 2 xã Nam Sơn, Bắc Sơn; mô hình nuôi dê thương phẩm tại xã Thọ Hợp; mô hình chăn nuôi lợn rừng lai tại xã Đồng Hợp... và theo thống kê của huyện Quỳ Hợp, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế trong 3 năm đến hơn 10 tỷ đồng với 177 mô hình đã được thụ hưởng, trong đó có 99 mô hình về trồng trọt, 56 mô hình về chăn nuôi, 8 mô hình về thủy sản, 14 mô hình lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực tế sức lan tỏa của các mô hình kinh tế trên địa bàn vẫn chưa mạnh, chưa tạo được phong trào sâu rộng phát triển mạnh tác động tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bởi tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hàng năm mới chỉ giảm được 3%, năm 2013 vẫn còn đến 22%, đang phấn đấu xuống còn 19% trong năm nay. Công nghiệp - TTCN, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng đối với Quỳ Hợp là một lợi thế nhưng giá trị sản xuất của lĩnh vực này từ đầu năm đến nay mới đạt 42% kế hoạch, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như sản phẩm về bột đá siêu mịn, đá Việt Nhật, đá ốp lát... Để Quỳ Hợp khẳng định được vị thế đầu tàu tăng trưởng kinh tế vùng miền Tây, buổi làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác của tỉnh quan tâm, phân tích làm rõ vấn đề này, cũng như nêu các giải pháp để huyện chỉ đạo, đẩy mạnh.

Đồng chí Trần Công Dương, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đề xuất: “Phải rà soát, tháo gỡ khó khăn để “khởi động” lại đối với những doanh nghiệp dừng sản xuất như vấn đề cấp mỏ, vấn đề đăng ký kinh doanh. Quỳ Hợp phải xem đây là lực lượng binh chủng quyết định đến tốc độ tăng trưởng, đầu tàu kinh tế của huyện. Đồng thời, phải quan tâm giải quyết dứt điểm vấn đề quản lý đất đai, thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh trong việc rà soát lại đất của nông, lâm trường kém hiệu quả để giao lại người dân dựa trên yêu cầu, nhu cầu thực tế”. “Tư lệnh” về mảng nông nghiệp, nông thôn, đồng chí Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cũng gợi ý cần phải đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, cần phải làm điểm, chọn xã đầu tư rút kinh nghiệm để nhân rộng, chứ không “dàn hàng ngang” như hiện nay. Quỳ Hợp là huyện điểm về văn hóa của cả nước, có điều kiện lợi thế để phát triển kinh tế thì trong xây dựng nông thôn mới cần phải có kế hoạch, bước đi rõ, hiệu quả yêu cầu cao hơn.

Còn đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh để xuất cần phải rà soát lại các mô hình kinh tế để từ đó có cơ chế chính sách nhân rộng phát triển tạo sức lan tỏa.

Rất hiểu về một Quỳ Hợp trong quá khứ và những lợi thế vốn có để có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Quỳ Hợp đã từng là trung tâm công nghiệp phía Bắc, nên đời sống văn hóa kinh tế đã được đầu tư; là nơi tập trung nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào; đất đai rộng, tốt để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Về nông nghiệp, 3 loại cây: mía - cam - cao su phục vụ cho công nghiệp chế biến, gắn với việc phát triển công nghệ cao với cùng nguyên liệu rộng lớn. Do vậy, Quỳ Hợp phải phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp nông nghiệp, dịch vụ vùng miền Tây Nghệ An và là đầu tàu kinh tế, động lực phát triển kinh tế vùng miền Tây. Điều mà Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc băn khoăn: Với một Quỳ Hợp hội tụ đầy đủ tiềm năng, như vậy thì không có lý do gì mà thu nhập bình quân chỉ được 22,5 triệu đồng/người/năm, thấp hơn mức bình quân chung cả tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo còn 19,5% cao hơn cả tỉnh thì làm sao Quỳ Hợp khẳng định được vai trò vị thế của mình cũng như trách nhiệm đối với vùng miền Tây của cả tỉnh? Giải pháp thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trên lĩnh vực kinh tế, huyện cần phải quyết liệt thực hiện một số giải pháp như: Tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Rà soát, sơ kết các mô hình kinh tế, tìm những mô hình có hiệu quả để nhân rộng; rà soát công tác xóa đói, giảm nghèo; tìm những cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế để chỉ đạo thực hiện... Điều mà Bí thư Tỉnh ủy quan tâm, nhắc nhở nhiều lần trong buổi làm việc đối với BTV Huyện ủy là có tiềm năng, thế mạnh, có nguồn lực nhưng phải đoàn kết, thống nhất cao từ tư tưởng đến hành động mới thành công được.

Như vậy, định hướng, mục tiêu phát triển cho Quỳ Hợp cũng đã rõ, muốn trở thành động lực, đầu tàu kinh tế khu vực miền Tây được hay không, vấn đề cần phải tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ngoài việc vận dụng các nguồn lực về điều kiện tự nhiên, lợi thế hạ tầng kinh tế CN-TTCN, cộng đồng các doanh nghiệp mạnh thì một yếu tố rất cần thiết và quyết định đến thành công đó là cần có sự đồng thuận, đoàn kết cộng sự một ý chí trong Đảng, trong nhân dân. Tin rằng, một huyện điểm văn hóa trong tương lai sẽ là huyện đi đầu trong phát triển kinh tế, là điểm sáng vùng miền Tây, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26- NQ/TƯ về định hướng phát triển Nghệ An của Bộ Chính trị.

Hữu Nghĩa

Mới nhất

x
Trăn trở với "đầu tàu" kinh tế miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO