Trang đời buồn của đứa trẻ lầm lỡ

22/04/2014 11:21

(Baonghean) - Sinh ra từ một người mẹ mắc bệnh tâm thần nên Hùng cũng chẳng biết cha mình là ai. Tuổi thơ của Hùng là những cơ cực, buồn tủi và thiếu thốn trăm bề. Ông ngoại già yếu, bà ngoại bệnh tật nên Hùng lớn lên như cây cỏ. Để rồi chưa kịp lớn Hùng đã phải vướng vào vòng lao lý…

Trong số 16 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án giết người diễn ra vào ngày 15/4, tôi đặc biệt chú ý tới bị cáo Lê Hữu Hùng (sinh ngày 15/7/1998), đứa trẻ lớn lên trong Tập thể Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập. Hùng nhỏ thó, đứng lọt thỏm giữa đồng bọn. Khi được yêu cầu lên vành móng ngựa để tham gia phần xét hỏi, Hùng chỉ cao hơn vành móng ngựa một chút. Thằng bé gầy gò, đen đúa thật thà trả lời những câu hỏi của tòa. Thi thoảng, nó ngoái lại phía sau, nơi ông ngoại và cũng là người thân duy nhất của mình có mặt tại tòa. Người ông với bàn tay co quắp của bệnh nhân phong, run run cầm túi bóng. Trong đó là toàn bộ giấy tờ của Hùng, thực ra cũng chỉ là tờ giấy khai sinh mà phần họ tên bố bị để trống.

Con đường phạm tội của Hùng nghe thật xót xa. Tối 18/7/2013, khi Hùng đang lững thững bước trên trảng cát thì nhóm bạn rầm rập phi xe máy qua. Một người rủ Hùng đi đánh đám thanh niên Quỳnh Lộc đang ngồi ở bãi biển. Chẳng thù chẳng oán, cũng chẳng biết đám thanh niên Quỳnh Lộc là ai nhưng Hùng vẫn đi theo đám bạn kia. Trên đường đi, Hùng được bạn đưa cho cây gậy bạch đàn. Gặp nhóm thanh niên Quỳnh Lộc, đám bạn của Hùng xông vào đánh. Hùng cũng cầm gậy lao vào. Nhát gậy của Hùng trúng vai của một người trong đám thanh niên Quỳnh Lộc. Bị đánh, nhóm kia bỏ chạy tứ tán. Nhóm của Hùng chia nhau đuổi theo. Đến khi quay lại thì một thanh niên Quỳnh Lộc đã bị đám bạn của Hùng đánh chết. Mặc dù không trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân nhưng vì tham gia vào cuộc ẩu đả ngay từ đầu nên Hùng bị truy tố tội giết người. Tại thời điểm phạm tội, Lê Hữu Hùng chưa đầy 15 tuổi nên chỉ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bị cáo Hùng trước vành móng ngựa.
Bị cáo Hùng trước vành móng ngựa.

“Định cư” ở trại phong nên hiếm hoi lắm ông Lê Hữu Trung – ông ngoại của Hùng mới đi ra ngoài, bởi vậy đứng trong phòng xét xử, ông cứ lóng nga lóng ngóng. Bằng cái giọng yếu ớt, khó nhọc, ông kể cho tôi nghe về số phận hẩm hiu đứa con gái tội nghiệp và đứa cháu khốn khổ của mình. Do mắc bệnh phong nên ông rời miền quê Thanh Hóa vào trại phong Quỳnh Lập từ rất sớm rồi nên vợ nên chồng với một người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Hai vợ chồng ông sinh được hai người con nhưng đứa đầu yểu mệnh sớm qua đời, chỉ còn mẹ Hùng là nơi gửi gắm duy nhất của ông bà lúc tuổi xế chiều. Nhưng trớ trêu thay cô con gái có lớn mà chẳng có khôn. Căn bệnh tâm thần bộc phát, cô bỏ nhà đi biền biệt. Đến khi trở về, cái bụng đã lùm lùm. Hỏi bố đứa bé trong bụng là ai, cô chỉ biết ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch. Chẳng ai biết cha đứa trẻ là ai. Biết có hỏi nữa thì cô con gái cũng chẳng biết gì mà nói nên ông chỉ cầu trời khấn phật mong đứa cháu lành lặn, khỏe mạnh khi ra đời. Rồi con gái ông sinh con, một cuộc vượt cạn giữ dội trong vô thức. Thằng Hùng ra đời, khỏe mạnh và hoàn toàn bình thường. Bệnh tình của con gái ngày càng nặng, ông đành gửi về quê Thanh Hóa để chữa trị…

Từ đó, ông thay con gái nuôi đứa cháu bất hạnh của mình. Hai ông bà, bệnh tật đầy mình, chỉ biết sống bằng số tiền trợ cấp ít ỏi của Nhà nước dành cho bệnh nhân phong, giờ phải chăm lo cho đứa cháu ngoại. Rau cháo lần hồi, thằng Hùng lớn lên như cây cỏ. Nay nó đã biết giúp ông bà công việc trong nhà. Ông chưa kịp mừng thì tai họa ập xuống. Đứa cháu dính phải cái án giết người! Có người mách nước muốn thằng Hùng nhẹ tội thì mang tiền sang nhà nạn nhân bồi thường rồi xin người ta rủ lòng thương. Nhưng ông lấy đâu ra tiền mà đưa cho người ta khi mà ngay cả mảnh đất cắm dùi cũng không có?

Theo cháu đến tòa án, trong túi áo ông chưa có nổi 100 nghìn đồng, buổi trưa trong lúc chờ đến giờ xét xử buổi chiều, ông vội kiếm một góc khuất trong khuôn viên tòa án lấy gói mì tôm sống ra ăn một cách ngon lành. Khi được tòa hỏi đến với tư cách là người giám hộ hợp pháp cho bị cáo Lê Hữu Hùng, ông giơ hai bàn tay co quắp của mình ra “Con dại thì cái mang. Nó sinh ra không biết mặt bố. Có mẹ cũng như không. Hai thân già này không sống được mấy hơi nữa mà thằng Hùng thì còn nhỏ quá. Nếu có bắt tui bồi thường, tui cũng không biết lấy cái chi mà bồi thường cho người ta”. Rồi ông hướng đôi mắt cầu khẩn sang bố mẹ bị hại. Ông lộn hết túi áo, túi quần móc ra mấy tờ tiền. Mấy đồng tiền lẻ ông xếp lại, tý trả tiền xe về. Còn 300 nghìn người ta mới cho lúc nãy, ông đưa cho bố mẹ bị hại “Tui chỉ có từng ni, chú mự nhận giúp cho”.

Cả phòng xử án lặng thinh. Đâu đó có tiếng sụt sùi. Thằng Hùng cúi gục đầu xuống, hình như nó khóc… Bố mẹ của bị hại lắc đầu quầy quậy: “Cụ giữ lấy, chúng tôi không bắt cháu nó phải bồi thường mô”. Nhưng ông vẫn cố đưa lại, cứ như thể, ông sợ, nếu không đưa nốt mấy trăm nghìn đồng này, người ta chẳng thương mà xin tòa xử cháu ông nặng tội hơn…. Bố mẹ bị hại vẫn nhất quyết không nhận. Người mẹ đã khóc, bà không nén được cảm xúc của mình. Người con trai cả của bà đứng lên, nói thay mẹ. Biết người ta chẳng bắt đền mình mà chỉ yêu cầu xử lý về mặt hình sự, chưa hiểu như thế nào nhưng khuôn mặt ông giãn ra như thể vừa trút được gánh nặng… Bà vợ ung thư gan giai đoạn cuối của ông đang nằm liệt giường ở nhà.

Vào thời điểm phạm tội, Lê Hữu Hùng đang ở tuổi vị thành niên, chỉ giữ vai trò đồng phạm, lại không trực tiếp gây nên cái chết cho bị hại. Mặt khác, gia đình bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Hùng. Xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, thân nhân tốt, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên HĐXX đã tuyên phạt Lê Hữu Hùng 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tòa tuyên án xong, hai ông cháu nắm tay nhau bước vội ra khỏi tòa cho chuyến xe buýt cuối. Gần 80 tuổi, đời ông như ngọn đèn treo trước gió, chẳng biết lúc nào sẽ tắt. Liệu đứa trẻ ấy có đứng vững trước cuộc đời khi không còn ông che chở?

Khang Hòa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Trang đời buồn của đứa trẻ lầm lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO